Thứ Hai, 14/10/2024
Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam

 Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ... Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; các Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Lê Minh Tâm, Phó Bí thư Đảng đoàn, Tổng Thư ký Hội; Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Dương Thanh Bắc; Nguyễn Sơn; Lê Thị Kim Thanh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng đoàn tiếp và làm việc với Đoàn.

Báo cáo tóm tắt của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trình bày tại buổi làm việc cho thấy: Những năm qua, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam luôn xác định việc lãnh đạo nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn của đảng viên, cán bộ, hội viên để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Qua đó đã chủ động tăng cường công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, phổ biến, giáo dục pháp luật… cho hội viên và nhân dân. Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là hướng dẫn nghiệp vụ, định hướng công tác chuyên môn… cho Hội Luật gia các địa phương.

Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, là thành viên của MTTQ Việt Nam; hiện có 52 đơn vị và Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội; 63 Hội Luật gia cấp tỉnh, thành phố; 596 Hội Luật gia cấp quận, huyện, thị xã; hơn 4.236 Chi hội Luật gia ở cơ sở; 89 Trung tâm Tư vấn pháp luật; với hơn 63.000 hội viên (trong đó có hơn 56.800 hội viên đã được cấp, đổi thẻ mới).


Từ năm 2014 đến nay, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia vào ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều dự án luật, chương trình, đề án của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành khi có yêu cầu. Trong đó, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì và xây dựng đúng thời hạn Luật Trưng cầu ý dân, được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2015. Hội Luật gia Việt Nam các cấp đã tích cực tham gia tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; đặc biệt là trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội; phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện chương trình giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.

Nhiều Hội Luật gia ở các tỉnh, thành phố đã gắn công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý với công tác hòa giải; giúp chính quyền nắm tình hình, nghiên cứu và đề xuất giải pháp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh; chủ động lựa chọn các vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài, đông người tham gia để đề xuất, kiến nghị và tư vấn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hội Luật gia các cấp đã giới thiệu hội viên có năng lực, tín nhiệm tham gia tiếp công dân và giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham gia các tổ hòa giải ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố… Qua đó, góp phần hòa giải thành công hàng ngàn vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp nhỏ về dân sự, đất đai, nhà cửa, hôn nhân và gia đình…


 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc

Hội Luật gia Việt Nam là thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đã tích cực tham gia vào công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát, phản biện xã hội; giám sát việc thi hành pháp luật theo pham vi chức năng, nhiệm vụ của Hội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương…

Hội Luật gia Việt Nam cũng tích cực tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đặc biệt trong đó, Hội Luật gia Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi của quốc gia, dân tộc, đồng thời tích cực đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Các đại biểu cũng đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong công tác Hội, dự báo tình hình trong thời gian tới và các giải pháp để khắc phục. Đặc biệt là trong thu hút sự tham gia của đội ngũ luật gia vào tổ chức Hội để phát huy tri thức, năng lực, kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, của Hội Luật gia Việt Nam với các cấp hội; thu hút các nguồn lực xã hội vào công tác tư pháp; cơ chế để thí điểm thực hiện giao việc, khoán việc, tự chủ về kinh phí, biên chế hoạt động…

 


Đồng chí Trương Thị Mai chụp ảnh với các đại biểu dự buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả thiết thực trong hoạt động của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam thời gian qua đã bắt kịp nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Cùng với những hội quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù khác, Hội Luật gia Việt Nam là một cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thông qua buổi làm việc, Đoàn công tác có những có thêm những nhận thức, thực tiễn quan trọng để tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW. 

Ghi nhận nỗ lực của Hội Luật gia Việt Nam trong phát triển tổ chức và tập hợp hội viên trên cả nước; các tổ chức, thiết chế phục vụ cho hoạt động của Hội đã được thành lập, hoạt động bài bản, đúng tôn chỉ, mục đích; gắn với việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn, đồng chí Trương Thị Mai cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề Đảng đoàn và Hội Luật gia Việt Nam cần quan tâm để hoạt động của Hội tiếp tục được đổi mới, năng động, sáng tạo, hiệu qủa hơn. Đồng chí Trương Thị Mai gợi mở: Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục đổi mới trong nhận thức về Hội, gắn với các nội dung bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức Hội Luật gia đã được thể hiện trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi Điều lệ hoạt động phù hợp để tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước...

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác