Thứ Sáu, 19/4/2024
Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, chủ động hơn, tạo sự lan tỏa tốt hơn trong các hoạt động Hội

 Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ chính trị (khóa X), nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội đã liên tục được đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào phụ nữ, hoạt động Hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Các hoạt động của Hội đã sát hợp với nhu cầu, nguyện vọng, đáp ứng được lợi ích cơ bản của đa số hội viên, chú trọng đến chăm lo toàn diện cho các tầng lớp phụ nữ như: hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, giới thiệu việc làm, nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức,giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống...

Hội đã làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ thông qua việc tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách có liên quan tới phụ nữ và lên tiếng khi quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em bị xâm phạm.

Phương thức hoạt động của Hội cũng được đổi mới mạnh mẽ, tổ chức bộ máy các cấp Hội đã được kiện toàn theo hướng tinh, gọn, xây dựng chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, giảm sự chồng chéo; đội ngũ cán bộ Hội ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đã giúp các cấp Hội giữ vững được vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, khẳng định được vai trò là tổ chức đại diện tin cậy của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, được các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao và ghi nhận Hội là một đoàn thể chính trị xã hội năng động, hoạt động có hiệu quả, có nhiều hình thức phong phú, đa dạng để thu hút và tập hợp hội viên, phụ nữ.


 Đồng chí Trương Thị Mai phát biều kết luận buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội cũng chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế như: việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa theo kịp tình hình, yêu cầu của thực tiễn; vẫn còn biểu hiện hành chính, rập khuôn; chưa thực sự phát huy tốt vai trò “chủ thể" để phụ nữ tự giải quyết những vấn đề của mình; nhiều hoạt động của Hội còn dàn trải, trong khi nguồn lực hạn chế. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ có nơi, có lúc chưa kịp thời; Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách ở các cấp Hội địa phương còn lúng túng về cách làm; Hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn còn hạn chế.

Việc phát hiện nhân tố mới, xây dựng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp phụ nữ; Tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên ở một số khu vực còn thấp; Chưa phát huy được thế mạnh của lực lượng phụ nữ thuộc nhóm “dẫn dắt” như: nữ quản lý, lãnh đạo, nữ doanh nhân, nữ trí thức; Chưa có chiến lược, chưa xây dựng được mô hình hiệu quả để mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng phụ nữ…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung vào những nội dung như: Giải pháp khắc phục những hạn chế về biểu hiện hành chính hóa trong hoạt động; vấn đề về sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức Chính trị - xã hội; thúc đẩy phát triển tổ chức Hội; giải pháp tăng cường tiếng nói đại diện của Hội với quyền phụ nữ…

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã quyết liệt và quyết tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ chính trị (khóa X) đạt được những kết quả tổng thể với nhiều điểm nhấn, tạo ra sự thay đổi căn bản, lớn trong phương thức hoạt động của Hội. Hộ đã mạnh dạn tập trung vào nhiều vấn đề mới và khó, đi vào các vấn đề chiến lược, thay đổi cách thức hoạt động của Hội như xây dựng các đề án lớn liên quan đến phụ nữ, đưa cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” vào Chương trình quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, luật pháp chính sách...Việc làm này đã mang lại nhiều kết quả tích cực.


 Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, trong thời gian tới, việc chăm lo, hỗ trợ các đối tượng phụ nữ yếu thế của Hội sẽ tiếp tục có những thay đổi từ hỗ trợ trực tiếp sang vai trò kết nối hỗ trợ, phát huy nội lực của các đối tượng phụ nữ; đẩy mạnh vai trò đại diện của Hội LHPN Việt Nam trong đề xuất, xây dựng, phản biện chính sách cho phụ nữ từ cấp Trung ương và địa phương; tiếp tục giảm tình trạng hành chính hóa trong các hoạt động Hội…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận,  biểu dương những nỗ lực, trăn trở và những giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của Hội thời gian qua. Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều sáng tạo, hiệu quả và tiếp cận phụ nữ tốt hơn. Sự thay đổi trong nội dung, phương thức của Hội đã có những tác động rõ nét, được cấp ủy, xã hội và phụ nữ ghi nhận, tiếng nói của Hội ngày càng có chất lượng và nhận được sự quan tâm, đánh giá của cao. Cụ thể là, Hội đã làm ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, đã đề xuất được nhiều chính sách cho phụ nữ. Công tác bảo vệ cho phụ nữ cũng ngày càng được chú trọng với nhiều chủ đề cụ thể, bám sát thực tiễn, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, tác động đến nhận thức của xã hội, tạo ra dư luận mạnh mẽ về trách nhiệm chung tay bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững hơn. Đặc biệt là quyết tâm cao của Hội trong việc kiện toàn bộ máy cán bộ theo tinh thần Nghị quyết TW 6, tăng cường xã hội hóa nguồn lực, chủ động trong hoạt động; Tích cực tiếp cận, thể hiện rõ vai trò của tổ chức trong tham gia giải quyết các vùng, điểm nóng, phức tạp xảy ra.


Đồng chí Trương Thị Mai và đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà
cùng các đại biểu trao đổi buổi làm việc

Trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, có những đánh giá và nhận diện nhu cầu, mong muốn của phụ nữ để có phương thức hoạt động phù hợp hơn. Bên cạnh đó, vai trò đại diện của Hội LHPN Việt Nam cần phải thực chất hơn nữa; thúc đẩy hoạt động đề xuất, xây dựng và phản biện các chính sách hỗ trợ có điều kiện cho các nhóm phụ nữ yếu thế, bởi mỗi chính sách vĩ mô sẽ tác động tới hàng chục triệu phụ nữ... Xây dựng Hội, hoạt động của Hội là trở thành ngôi nhà an toàn, thiết thực, cần thiết đối với phụ nữ, thúc đẩy, thu hút mạnh mẽ các tầng lớp, đối tượng phụ nữ  tự nguyện, hăng hái tham gia vào hoạt động Hội, tổ chức Hội. Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, chủ động hơn, phản ứng nhanh hơn, tạo sự lan tỏa tốt hơn trong các hoạt động Hội./.

Hoàng Phong

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất