“Ngày 20/02/1985, Binh đoàn 15 được thành lập theo Quyết định số 68/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), có nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trải qua gần 35 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị trên địa bàn, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15 đã phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, năng động, sáng tạo, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh”.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với quốc phòng, an ninh, Binh đoàn luôn coi trọng công tác vận động quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, tạo tiền đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Mục tiêu “Gắn bó với dân” đã trở thành truyền thống của đơn vị, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy, là phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ, người lao động để Binh đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
|
Binh đoàn 15 đạt nhiều thành tích trong thực hiện Phong trào
Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới
|
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, các thế lực thù địch thường xuyên kích động, chia rẽ dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định chính trị. Nơi đây có khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi, kinh tế - văn hoá - xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn… Để đồng hành cùng người dân Tây Nguyên, Binh đoàn 15 gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Song với tinh thần vượt khó, đồng cam cộng khổ hướng tới mục tiêu chiến lược, Binh đoàn đã giúp nơi đây thành vùng kinh tế phát triển năng động. Hiện nay, Binh đoàn quản lý trên 44.000ha cao su, 350ha cà phê, 70ha lúa nước, trên địa bàn của 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, hai nước bạn Lào và Campuchia. Binh đoàn đã xây dựng 6 nhà máy chế biến mủ cao su tổng công suất 40.000tấn/năm, 01 nhà máy sản xuất phân bón vi sinh công suất 20.000 tấn/năm. Hàng chục ngàn héc ta cao su, cà phê cho hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm, đã thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở các vùng nông thôn, bản làng ở biên giới ngày càng phát triển.
Từ những ngày đầu thành lập Binh đoàn đã chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”.
Người lao động và đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình. Người công nhân vừa thực hiện nhiệm vụ của đơn vị vừa tăng gia sản xuất theo mô hình “vườn, ao, chuồng” tạo thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Do vậy, từ chỗ chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ năm 1990, đến nay, Binh đoàn có 17.000 lao động (trong đó có 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ), xây dựng 10 cụm, 266 điểm dân cư dọc biên giới; các thôn, làng mới ra đời.
Bằng nhiều biện pháp, Binh đoàn khuyến khích và hỗ trợ cán bộ, công nhân, người lao động và đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả. Người công nhân vừa thực hiện nhiệm vụ của đơn vị vừa tăng gia sản xuất theo mô hình “vườn, ao, chuồng” tạo thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bên cạnh hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật, Binh đoàn còn giúp bà con các dân tộc thiểu số tiêu thụ sản phẩm cao su, cà phê và các nông sản khác, từng bước hình thành và phát triển tư duy sản xuất hàng hóa, hội nhập nền kinh tế thị trường.
“Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” là phương châm, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong tiến hành công tác dân vận. Các công ty, đơn vị của Binh đoàn kết nghĩa với 37 xã; 160 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; hơn 3.927 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 3.927 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện. Bên cạnh việc thăm hỏi, các hộ người Kinh đã hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho hộ người dân tộc thiểu số, giúp nhau ngày công khi vào mùa vụ...; Từ đây, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó.
Sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực với trách nhiệm chính trị cao giữa Binh đoàn và các lực lượng chức năng trong tiến hành xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh trong việc tham mưu, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức quần chúng hoạt động ngày càng hiệu quả. Các già làng, trưởng thôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo... đã trở thành nhân tố quan trọng ổn định an ninh chính trị, trật tự của địa bàn. Đảng bộ Binh đoàn đã kết nạp hàng trăm đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ để quy hoạch, đào tạo và sử dụng trong quản lý sản xuất ở cơ sở. Các cán bộ trực tiếp tham gia vào cấp ủy, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tham gia các tổ chức quần chúng ... ở các xã, thôn, làng; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và vận động nhân dân từ bỏ các tà đạo (tà đạo Tin lành Đêga, tà đạo Hà Mòn). Vì vậy trong 2 cuộc bạo động chính trị ở Tây Nguyên (năm 2001 và 2004), trong địa bàn Binh đoàn không có hộ gia đình người dân tộc thiểu số tham gia.
|
Bàn giao công trình nước sạch tự chảy
cho nhân dân Làng Lang, xã Ia Dơk, Đức Cơ, Gia Lai
|
Song song với phát triển sản xuất, Binh đoàn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như: đầu tư làm mới 418km đường điện trung hạ thế, 95 trạm biến áp, trạm thủy điện, làm mới 1.500km và sửa chữa hàng nghìn km đường giao thông, hàng trăm cầu, cống, hàng chục hồ đập thuỷ lợi, hàng chục hệ thống nước sạch; xây dựng 08 trường tiểu học, trung học cơ sở; 10 trường mầm non, 01 trường tiểu học bán trú, 01 trường trung học cơ sở bán trú; 01 bệnh viện hạng 2 và 11 bệnh xá quân dân y kết hợp… đã góp phần cùng địa phương làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các đơn vị trong Binh đoàn chi hàng trăm tỷ đồng xây tặng các nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, xây tặng các gia đình chính sách, hộ gia đình dân tộc thiểu số… Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo ở các đơn vị thường xuyên nuôi dạy miễn phí trên 6.000 cháu con em cán bộ, CN&VCQP, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Tính riêng 9 tháng của năm 2019, Binh đoàn đã hỗ trợ 60 tấn gạo, 8 cặp bò giống, sửa chữa 32 căn nhà, làm mới 28 nhà cho các hộ gia đình nghèo, khám và cấp thuốc miễn phí cho 14.458 lượt người... tổng giá trị trên 3,5 tỷ đồng. Những đóng góp của Binh đoàn đã tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Binh đoàn chú trọng phối hợp với chính quyền cấp tỉnh, huyện; công an, Bộ đội biên phòng, lực lượng vũ trang Quân khu 5... rà soát, xây dựng kế hoạch tác chiến, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, các phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, bảo vệ nhân dân trong vùng dự án, bảo vệ cơ sở sản xuất của đơn vị, tổ chức luyện tập sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra.
Phát huy tốt truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị, những năm qua Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn đã chủ động triển khai thực hiện công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tốt. Tại Nước CHDCND Lào, năm 2012 Công ty Hợp tác - Kinh tế 385 (Đoàn KT-QP 385) đã hoàn thành xuất sắc dự án xây dựng Cụm bản Văng-tắt giúp nhân dân các bộ tộc Lào ở 9 bản, huyện Xản Xay, tỉnh Atapư định canh, định cư. Dự án trồng 2000ha cao su tại Samakhixay, Xay Xệt Thả, Phu Vông tại tỉnh Atatpư đã tạo việc làm cho 800 hộ gia đình thu nhập ổn định. Cùng với đó là tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của 2 Đảng, 2 Nhà nước đạt nhiều kết quả tốt. Tại tỉnh Natarakiri - Vương quốc Campuchia là dự án phát triển cây cao su của các Công ty 72, 74, 75 với diện tích trên 4.000ha cao su, 300ha điều, 30ha lúa nước, chăn nuôi đàn bò trên 500 con, xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh... tạo việc làm cho gần 2.500 lao động của nước bạn. Binh đoàn đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị - đoàn kết, giúp đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Có thể khẳng định, trải qua gần 35 năm xây dựng và phát triển Binh đoàn 15 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Binh đoàn luôn biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 13.01.2003 Binh đoàn 15 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ đổi mới. Binh đoàn sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Đại tá Hoàng Văn Sỹ - Tư lệnh Binh đoàn 15