Thứ Hai, 25/11/2024
Tiếp nối truyền thống vẻ vang

 Đồng chí Thuận Hữu

PV: Thưa Chủ tịch, trong những năm kháng chiến, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược. Ông đánh giá như thế nào vai trò của Hội trong thời gian này?

Chủ tịch Thuận Hữu: Có thể thấy, trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam được thể hiện bằng việc tập hợp những người làm báo cả nước, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của những người làm báo, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, dùng ngòi bút chống lại kẻ thù.

Đặc biệt, ngày 21/4/1950, tại Thái Nguyên, Hội Những người viết báo Việt Nam được ra đời. Mục đích của Hội, góp phần vào việc kháng chiến, kiến quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình; bênh vực quyền lợi của người viết báo; nâng cao địa vị của nghề viết báo...

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tại Đại hội lần thứ II - Hội Những người viết báo Việt Nam (1959), các đại biểu thống nhất đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Trong thời kỳ này, Hội đã thể hiện được rõ hơn vai trò, vị trí và chức năng của một tổ chức chính trị - nghiệp vụ của những người làm báo Việt Nam; Tổ chức những lớp học tập chính trị, nghiệp vụ, các cuộc trao đổi kinh nghiệm làm báo; thành lập một số tổ tuyên truyền chuyên biệt về các chủ đề công nghiệp, nông nghiệp, đấu tranh thống nhất đất nước, hoạt động giao lưu quốc tế và nhiếp ảnh.

Ngoài việc tham gia các cuộc đấu tranh chính trị chung với các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc, Hội đã kiên trì đấu tranh đòi tự do giao lưu giữa các nhà báo hai miền Nam - Bắc, tích cực phản đối Mỹ ngụy chà đạp tự do báo chí ở miền Nam. Tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và đấu tranh đòi tự do báo chí ở miền Nam.

Những năm đầu thống nhất đất nước, vai trò của Hội Nhà báo được xác định, tuyên truyền mọi người nâng cao ý thức tự lực tự cường, quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng; ra sức củng cố quốc phòng, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ địch; tích cực bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị, tư tưởng cho những người đang làm việc tại các báo đài, thông tấn xã; phối hợp cùng các cơ quan chức năng chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của nhà báo - hội viên, giúp người làm báo có đủ điều kiện để tác nghiệp và phát huy khả năng sáng tạo.

Trước nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ ngày càng tăng của nhà báo - hội viên, cuối năm 1984, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (Khóa IV) quyết định xuất bản Tạp chí Người Làm Báo - Cơ quan lý luận nghiệp vụ đầu tiên của Hội, nhằm góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ của người làm báo cả nước.


 Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960. Ảnh: TL 

PV: Sau khi thống nhất đất nước, nhất là trong 35 năm đổi mới, Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định được vị thế và vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, thực sự là “Ngôi nhà chung” của giới báo chí. Xin Chủ tịch nói rõ hơn điều này?

Chủ tịch Thuận Hữu: Ba mươi lăm năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp quan trọng mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đội ngũ những người làm báo nước nhà không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt.

Đồng hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội đã trở thành “Ngôi nhà chung” - tập hợp đoàn kết, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên. Theo tôi, tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của Hội Nhà báo trong thời kỳ đổi mới là Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Chỉ thị 37-CT/TW vào ngày 18/3/2004 về việc tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới.

Qua đó, giúp Hội thể hiện được vai trò quan trọng trên các phương diện như: Tham gia quản lý đất nước; quản lý đạo đức nghề nghiệp người làm báo; đào tạo nghiệp vụ; tổ chức hội thảo, toạ đàm; hoạt động công tác Hội; hoạt động đối ngoại v.v.. có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, trong 35 năm đổi mới, Hội luôn coi trọng việc tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về thông tin báo chí. Hội tham gia tích cực công tác xây dựng Luật Báo chí năm 1957, 1989 và 2016, đây là những văn bản có ý nghĩa quan trọng, tạo hành lang pháp lý, giúp báo chí tham gia tích cực vào quá trình xây dựng đất nước, phục vụ quyền thông tin của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là những văn bản quan trọng thể hiện rõ vai trò của Hội Nhà báo, khi được luật hóa tại những bộ luật.


 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019). Ảnh: TL 

Thứ hai, trong suốt chặng đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí, nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Hiểu rõ được điều này, ngay từ năm 1993, Hội đã xây dựng bản “Quy ước Đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” được thông qua tại Đại hội VI (năm 1995). Quy ước là phương thức ứng xử của người làm báo trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống đời thường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số sai phạm trong hoạt động báo chí liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trước các hạn chế của Quy ước đạo đức nghề nghiệp người làm báo năm 1995, Hội đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (năm 2017). Ngoài ra, sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, khiến “môi trường” báo chí truyền thông trở nên đa dạng và phức tạp, đặt ra không ít thách thức cho các hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội. Năm 2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là hai quy định quan trọng có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của những người làm báo trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, việc Hội thành lập Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam và đưa phần mềm theo dõi gỡ, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử góp phần hạn chế được tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, nhận được sự đánh giá cao của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ cấp Trung ương đến địa phương và quy chế hoạt động của Hội đồng. Có thể khẳng định, những nỗ lực trong suốt 35 năm đổi mới cho thấy, vai trò của Hội trong công tác nâng cao đạo đức người làm báo là rất quan trọng.

Thứ ba, công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ cho hội viên - nhà báo luôn là mối quan tâm hàng đầu của Hội. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, làm nhiệm vụ bồi dưỡng ngắn hạn, cập nhật hóa kiến thức và kỹ năng của nhà báo - hội viên cả nước.

Thứ tư, Hội Nhà báo Việt Nam giao Ban Nghiệp vụ là đầu mối, phối hợp các đơn vị khác tổ chức hàng loạt hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ chuyên sâu, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại như: Hội thảo toàn quốc “Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 29/12/2016, “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo” năm 1998,...

Thứ năm, các cơ quan báo chí truyền thông như: Tạp chí Người Làm Báo, Báo Nhà báo và Công luận là những ấn phẩm định kỳ của Cơ quan Trung ương Hội luôn được bạn đọc trong cả nước đón nhận. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tôi đánh giá cao hai cơ quan báo chí đã luôn phát huy tinh thần vượt khó, bắt nhịp xu hướng phát triển, khẳng định vị thế là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam.


 Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2018

Thứ sáu, hoạt động công tác Hội được thể hiện đậm nét bằng “ngày Hội” đối với những người làm báo cũng như công chúng cả nước mỗi dịp đầu năm mới. Từ năm 1991, Hội báo Xuân được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, một lễ hội mới của giới báo chí Việt Nam. Đến năm 2016, Hội báo Xuân được đổi thành Hội báo toàn quốc tổ chức hằng năm, với nhiều hoạt động nghiệp vụ bổ ích.

Thứ bảy, từ năm 1991, Hội tổ chức “Giải báo chí toàn quốc” song song với các giải báo chí địa phương, chuyên ngành theo chủ đề... do các cấp Hội Nhà báo địa phương và một số Liên chi Hội tổ chức, có sự phối hợp của Trung ương Hội. Đến năm 2006, Giải báo chí toàn quốc được đổi thành Giải Báo chí quốc gia. Trải qua 13 năm, Giải thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên - nhà báo, khích lệ những người làm báo nâng cao trình độ nghiệp vụ, đồng thời vinh danh những cống hiến của người làm báo đối với toàn xã hội. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tham gia chủ trì, đồng tổ chức nhiều giải báo chí chuyên ngành và khu vực như: Giải Báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long (do Tạp chí Người Làm Báo tổ chức thường niên); phối hợp với các Bộ, Ban ngành ở Trung ương tổ chức hàng chục Giải báo chí, thu hút nhiều hội viên, nhà báo tham gia, từng bước nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ tám, nét nổi bật của hoạt động Hội thời kỳ đổi mới được thể hiện qua hoạt động công tác xã hội bằng nhiều hình thức. Việc phát hiện hài cốt các nhà báo liệt sĩ, tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí cho các nhà báo liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa,... góp phần giúp gia đình nhà báo liệt sĩ giảm bớt khó khăn trong đời sống xã hội là sự tri ân của những người làm báo đối với những đồng nghiệp đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngoài ra, những hoạt động “nhớ nguồn” luôn được lãnh đạo Hội quan tâm trong suốt những năm đổi mới. Ngày 20/4/2005, Bia di tích lịch sử cấp quốc gia được dựng lên trên nền hội trường Mặt trận Liên Việt tại Roòng Khoa, Bản Lá, Điềm Mặc, Thái Nguyên - nơi ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam, ghi lại dấu mốc lịch sử đáng nhớ của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà trưng bày và đón tiếp của Hội Nhà báo Việt Nam - nơi lưu trữ những kỷ vật, những bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hội.

Cùng với đó, Hội cùng các đơn vị chức năng tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước nhà. Một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi hoạt động “nhớ nguồn”. Hội đưa Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào hoạt động, nhằm tôn vinh các thế hệ nhà báo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt các nhà báo cách mạng, nhà báo - chiến sỹ đã có những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Thứ chín, về hoạt động đối ngoại, Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức thành viên tích cực của OIJ, nhiều đại diện của Hội từng tham gia Ban lãnh đạo của tổ chức báo chí quốc tế có uy tín này. 35 năm qua, Hội không ngừng mở rộng quan hệ với bạn bè ở nhiều châu lục, cùng phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, tiến bộ.

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (1995), Hội Nhà báo Việt Nam đã trở thành một thành viên chính thức, năng động của Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, gọi tắt là CAJ. Trong CAJ, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và hoạt động được bạn bè đánh giá cao, đồng thời hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch luân phiên của CAJ nhiệm kỳ 2015 - 2017. Hội Nhà báo Việt Nam đã ký kết hàng loạt văn bản hợp tác với nhiều Hội Nhà báo các nước trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ thứ X, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo toàn Trung Quốc đã ký “Thỏa thuận giao lưu và hợp tác báo chí”, trước sự chứng kiến của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là sự kiện quan trọng đối với hoạt động báo chí hai nước Việt - Trung,...


 Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

PV: Công tác củng cố tổ chức Hội và xây dựng bộ máy làm công tác Hội các cấp luôn được lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm, Chủ tịch đánh giá như thế nào về vấn đề này trong nhiệm kỳ thứ X?

Chủ tịch Thuận Hữu: Thực hiện Nghị quyết Đại hội X với 11 nhiệm vụ trọng tâm, tôi đánh giá cao những nỗ lực của các tổ chức Hội và đội ngũ những người làm công tác Hội. Hoạt động của tổ chức Hội có nhiều chuyển biến tích cực đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Bộ máy tổ chức các cấp Hội được kiện toàn và phát triển, số lượng hội viên tăng nhanh, điều kiện hoạt động được cải thiện.

Hội nghị tổng kết công tác Hội hằng năm được đổi mới về nội dung và hình thức theo chủ đề trọng tâm của từng năm, được các cấp Hội và hội viên đồng tình cao. Cụ thể, năm 2016 lấy chủ đề rà soát, kiện toàn tổ chức Hội và đội ngũ hội viên; năm 2017 triển khai Luật Báo chí và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; năm 2018 là nâng cao vai trò tổ chức Hội trong tham gia chỉ đạo, quản lý báo chí; năm 2019 đặt trọng tâm vào công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ của người làm báo.

Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành để chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW, về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Việc tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng rãi từ Trung ương xuống các địa phương, đơn vị, tiếp tục khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò của Hội Nhà báo với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp duy nhất của người làm báo Việt Nam.

Công tác xây dựng Hội và phát triển hội viên đổi mới theo hướng tăng cường quản lý chất lượng hiệu quả. Đến nay, cả nước có hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên Chi hội và 212 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Sự gia tăng số lượng hội viên chứng tỏ vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam, khi hoạt động công tác Hội đã tạo ra sức hấp dẫn, thu hút những người làm báo Việt Nam tham gia sinh hoạt Hội.

Để hoàn thành khối lượng công việc lớn của nhiệm kỳ thứ X, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Cơ quan Trung ương Hội trong thời gian qua, với chức năng tham mưu, tổng hợp và giúp việc cho Đảng đoàn, Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò, nhiệm vụ trong mối quan hệ gắn kết với các cấp Hội, cơ quan đoàn thể Trung ương và địa phương.

Văn phòng Hội, Văn phòng đại diện tại TP. HCM, Ban Công tác Hội, Ban Kiểm tra, Ban Nghiệp vụ, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Nhà Văn hóa, Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Công ty truyền thông, Tạp chí Người Làm Báo, Báo Nhà báo và Công luận, Cổng Thông tin điện tử luôn nỗ lực, có sự đổi mới, sáng tạo hiệu quả trong kết hợp hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa các đơn vị thể hiện tính đoàn kết, thống nhất trong cơ quan.

Tuy nhiên, tại một số cơ sở Hội mặc dù nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, chưa có nhiều hoạt động đặc thù thu hút hội viên tham gia. Một số tổ chức Hội Nhà báo chưa chủ động, sáng tạo trong hoạt động nên chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chưa theo kịp sự phát triển của báo chí.


 Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam năm 2015. Ảnh: TL

PV: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch có điều gì gửi tới những hội viên, nhà báo trên cả nước?

Chủ tịch Thuận HữuHội Nhà báo Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của hơn 25.000 hội viên, nhà báo cả nước. “Ngôi nhà chung” vững mạnh là do sự đóng góp, xây đắp của từng hội viên. Hội viên - nhà báo cần ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình với xã hội và hành nghề một cách chuẩn mực, bằng cách tạo ra nhiều tác phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, đó chính là sự đóng góp thiết thực nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng với đó là ý thức tham gia sinh hoạt Hội, ý thức xây dựng Hội để làm sao cho mỗi hội viên góp phần tạo niềm tin trong xã hội, phục vụ lợi ích đất nước và nhân dân.

Đối với những người làm công tác Hội, hoạt động công tác Hội có tính đặc thù, có sự lan tỏa, để hấp dẫn được hội viên tham gia sinh hoạt phụ thuộc rất nhiều vào những “người thợ xây” này. Thời gian tới, những người làm công tác Hội cần tiếp tục giương cao “ngọn cờ” tập hợp hội viên - nhà báo trên cả nước. Có như vậy, mới tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

(nguoilambao.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi