Thứ Sáu, 27/12/2024
Bắc Kạn qua 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X)

Từ khi thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, công tác dân vận của tỉnh có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 290-QĐ/TW, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức quán triệt, triển khai quy chế, đồng thời, ban hành Quyết định số 81-QĐ/TU, nay được thay thế bằng Quy chế số 21-QC/TU ngày 15/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Kạn”, quy định trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh Bắc Kạn, từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn. Cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thông qua các hội nghị, hội thảo, cung cấp tài liệu tuyên truyền, sách về điển hình “Dân vận khéo” năm 2018 - 2019 và tổ chức các hoạt động công tác dân vận tại cơ sở.


 Mô hình tự quản đã góp phần thực hiện thành công cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại tỉnh Bắc Kạn

Hằng năm, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đều ban hành các kế hoạch công tác dân vận. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành trên 70 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, QCDC ở cơ sở, công tác dân tộc, tôn giáo và phong trào “Dân vận khéo”. Cấp ủy các cấp đã phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác dân vận; phân công đảng ủy viên cấp xã phụ trách các thôn. Hằng năm đều cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận do Trung ương tổ chức. Từ năm 2010 đến nay, đã cử 30 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Trung ương; các địa phương, đơn vị đã tổ chức trên 40 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho trên 20.000 lượt người tham gia.Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế được quan tâm thực hiện, đã tổ chức kiểm tra được 781 lượt địa phương, đơn vị; tổ chức sơ, tổng kết trên 45 lượt nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận. Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy, khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, QCDC ở cơ sở, dân vận chính quyền được hơn 100 cuộc với khoảng 2.500 lượt người tham dự. Đặc biệt trong năm 2016 và 2019, tỉnh đã tổ chức hội thi “Dân vận khéo” để tạo diễn đàn cho các địa phương, đơn vị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác dân vận. Các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn đã xây dựng được trên 500 tin, bài, phóng sự phản ánh về mô hình, điển hình trong thực hiện công tác dân vận, QCDC ở cơ sở, dân tộc, tôn giáo…

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân đã tích cực chỉ đạo HĐND tỉnh kịp thời cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận; chỉ đạo, quán triệt và thực hiện phong cách dân vận và tinh thần dân chủ trong các hoạt động của đại biểu. Từ năm 2011 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 368 nghị quyết quy định các chính sách quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân, nhất là trên các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết đất sản xuất và chế độ, chính sách cho cán bộ. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở, công tác cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hằng năm, 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức; trên 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. 100% xã, phường, thị trấn, 8/8 huyện, thành phố, 16/18 sở, ngành đã thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Từ 2015 đến nay, đã tiếp nhận 11.244 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; thụ lý giải quyết theo thẩm quyền 7.568 đơn, đã giải quyết 7.344 đơn đạt 97%.

Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh công tác dân vận trên các lĩnh vực. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nội dung “Dân quân tự vệ làm công tác dân vận”, tổ chức tổ công tác dân vận ở địa phương, cơ sở, thường xuyên bám nắm địa bàn. Trong 10 năm đã phối hợp với các ban, ngành, trong đó có Ban Dân vận các cấp tổ chức được trên 10 đợt công tác tuyên truyền đặc biệt đưa cán bộ, chiến sỹ xuống cơ sở làm công tác dân vận cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với nhân dân. Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an về công tác dân vận được quan tâm thực hiện. Cán bộ, chiến sĩ luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền xử lý các vấn đề nảy sinh trong nhân dân; ngày càng củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhân dân. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng; tích cực cụ thể hóa việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; huy động được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở. Tiêu biểu là vận động nhân dân hiến trên 302.523m2 đất, đóng góp trên 408.200 ngày công và đóng góp bằng tiền được hàng tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đạt được những kết quả như vậy có thể khẳng định rằng, Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa sâu sắc và mang lại hiệu quả thực tiễn rất lớn trong công tác dân vận. Tại tỉnh Bắc Kạn, trước khi có Quy chế, một số cấp ủy, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm công tác dân vận. Sau khi thực hiện Quy chế, nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện công tác dân vận được nâng lên. Các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; tăng cường nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động, đối thoại với nhân dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận được quan tâm thực hiện kịp thời và đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Do cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tốt Quy chế của Bộ chính trị, nhất là việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, đồng thuận phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Sau 10 năm, bộ mặt của tỉnh có sự thay đổi rõ rệt. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,13% (năm 2010) xuống còn 19,56% (năm 2019); GRDP bình quân đầu người từ 13,85 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 38,6 triệu đồng/người (năm 2019); 100% người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; 97,28% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tại Bắc Kạn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 290 -QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; luôn quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.

Hai là, nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Dân vận các cấp; quan tâm thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, chương trình phối hợp giữa chính quyền với Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong công tác vận động quần chúng cần bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, lựa chọn những việc làm cụ thể, trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở đảm bảo thực hiện quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận. Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu; gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Bốn là, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống dân vận; kiện toàn đủ số lượng; quan tâm bố trí, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo có uy tín, năng lực phụ trách công tác dân vận để phát huy hiệu quả nêu gương trong công tác vận động quần chúng./.

Ma Từ Đông Điền, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất