Thứ Năm, 26/12/2024
5 tỉnh miền Trung dồn sức cứu trợ người dân

Hà Tĩnh sơ tán hàng ngục nghìn người

Tại Hà Tĩnh, do chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa bắc dải hội tụ nhiệt đới nên trong những ngày qua toàn tỉnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Có nhiều nơi, lượng mưa đo được từ 7h ngày 15/10 đến 4h ngày 20/10 từ 1.000 – 1.400mm.


 Gần 700 hộ với gần 2.500 nhân khẩu ở 3 thôn, thuộc phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh
vừa được lực lượng BĐBP Hà Tĩnh và các lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời,
di dời khỏi vùng bị lũ cô lập


Mưa lớn kết hợp với các hồ chứa xả lũ khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tính tới ngày 20/10, Hà Tĩnh có 90 xã bị ngập với 31.000 hộ/105.373 người. Trong đó những địa phương bị ngập nặng như huyện Cẩm Xuyên: 19 xã (13.393 hộ/43.028 người); huyện Thạch Hà 17 xã (10.588 hộ/42.232 người); TP. Hà Tĩnh 14 xã, phường (2.300 hộ/4.950 người) và huyện Lộc Hà: 11 xã (3.430 hộ/10.745 người)…

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các địa phương đã tổ chức sơ tán 13.848 hộ với 41.075 người, trong đó nhiều nhất là tại huyện Cẩm Xuyên.

Chiều 20/10, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã đến động viên, chia sẻ với những khó khăn với nhân dân vùng lũ Cẩm Xuyên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo di dời dân vùng bị cô lập.

Không để người dân đói, rét

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn kéo dài, địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra lũ lụt nghiêm trọng. Tính đến 17 giờ 30, ngày 20/10 đã có hơn 71.000 nhà dân trên địa bàn tỉnh bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt và hàng chục nghìn người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm.

Ngày 20/10, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại thị xã Ba Đồn, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu thị xã Ba Đồn khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân vùng lũ, không để người dân bị đói, rét.

Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài những ngày qua, thị xã Ba Đồn đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các xã vùng Nam bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Nước sông Gianh tăng nhanh khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc ứng phó với mưa lũ, công tác cứu hộ đã được thực hiện hiệu quả. Các lực lượng cứu hộ được tăng cường cùng nhiều phương tiện đã góp phần di chuyển người dân đến nơi an toàn, giảm thiểu thiệt hại.

Đánh giá cao tính chủ động của thị xã Ba Đồn trong công tác ứng phó với mưa lũ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, cùng với việc cứu hộ những người bị mắc kẹt trong mưa lũ, trước mắt, thị xã Ba Đồn cần khẩn trương đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân vùng lũ, không để người dân bị đói rét. Thị xã cũng cần tính toán nhu cầu thực tế về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và báo cáo với tỉnh để có phương án hỗ trợ trực tiếp đến tay

Đối với các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thị xã bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đây là vấn đề rất cấp bách cần được làm ngay. Sau mưa lũ, cần tập trung thực hiện các phương án xử lý vấn đề vệ sinh môi trường, không để lây lan dịch bệnh…

Trong chiều ngày 20/10, đồng chí Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND tỉnh cùng đồng chí Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ và trao quà cho bà con nhân dân vùng lũ xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa.


 Các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam
giúp dân vận chuyển đồ đạc, tài sản ra khỏi hiện trường vụ sạt lở

Các hồ đập lớn ở Quảng Trị vẫn bảo đảm an toàn

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh tình hình lũ lụt những ngày qua gây thiệt hại nặng về người và tài sản; chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào trong tỉnh.

Cùng với biểu dương sự chỉ đạo ứng phó kịp thời với lũ lụt trong những ngày qua, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 20/10/2020, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị đã đến kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại một số hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lê Quang Lam cho biết, qua kiểm tra, hiện nay các hồ đập thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn, dung tích trữ đảm bảo theo đúng dung tích thiết kế. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đang chỉ đạo lực lượng ứng trực đầy đủ quân số, 24/24 giờ; đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lưu lượng nước về hồ để có sự điều tiết hợp lý nhằm vừa đảm bảo an toàn cho công trình vừa đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Về thông tin hồ Bảo Đài và hồ Bàu Nhum trên địa bàn huyện Vĩnh Linh bị vỡ, ông Lam khẳng định, hiện nay hồ Bảo Đài chỉ mới đạt 85% dung tích thiết kế, hồ Bàu Nhum mới đạt 87% dung tích thiết kế. Hiện các hồ vẫn đảm bảo an toàn, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi đang tiến hành điều tiết nước hồ Bảo Đài qua tràn với lưu lượng khoảng 50 m3/giây, hồ Bàu Nhum khoảng 10 m3/giây.

Lực lượng quân đội giúp dân dọn vệ sinh môi trường

Tại Thừa Thiên Huế, Sư đoàn 968, Quân khu 4, đã điều động 400 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia khắc phục lũ lụt tại TP. Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền…

Mặc dù trời đang mưa nặng hạt nhưng các chiến sĩ phải mang áo mưa dùng cuốc, xẻng để nạo vét những lớp bùn dày đặc, thu gom những ụ rác ùn ứ, sau đó dùng xe tải để chở đi. Sau khi dọn bùn ở các tuyến đường chính, lực lượng quân đội sẽ tiếp tục giúp người dân vệ sinh, thu dọn bùn đất tại các trường học, trạm y tế, các trục đường giao thông, sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách, neo đơn bị hư hỏng do mưa lũ dài ngày gây ra, để giúp dân khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Với phương châm nước rút đến đâu dọn sạch đến đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã cùng người dân dọn dẹp vệ sinh các công trình công cộng ; giúp các hộ gia đình dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển tài sản sơ tán trở về. Tại các trường học của các địa phương, nước đã rút dần, các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 và LLVT tỉnh tích cực dọn bùn, vệ sinh phòng học và các trang thiết bị để các em có thể sớm đến trường học tập trở lại.

Trong những ngày tới, các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 968 và LLVT  tỉnh sẽ tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống.

Sạt lở liên tiếp tại vùng cao Quảng Nam

Trước tình hình sạt lở đất đồi liên tiếp xảy ra, chính quyền huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng công an, quân đội triển khai di dời, sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, tính đến chiều 20/10, địa phương đã di chuyển khẩn cấp 8 ngôi nhà. Trong đó gồm 3 ngôi nhà bị vùi lấp tại thôn Ganil, xã A Xan (Báo Quảng Nam online đã phản ánh) và 5 ngôi nhà tại thôn Cha'lăng, xã Ch'Ơm bị sạt lở đất ở cả taluy dương và taluy âm.

Ngoài các hộ dân đã sơ tán do sạt lở trước đó, nhiều ngày qua, chính quyền địa phương tiếp tục sơ tán khẩn cấp 56 hộ/210 khẩu đến nơi ở an toàn, chủ yếu ở khu dân cư các xã A Xan, Ch'Ơm, Ga Ry và Lăng. Trong khi đó, tại 4 xã biên giới gồm Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm và Ga Ry, do đang khắc phục sự cố và kiểm tra an toàn hệ thống đường dây nên tạm thời chưa đóng điện, vì thế mọi thông tin liên lạc đều bị gián đoạn.

Để kịp thời hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng và chia cắt bởi mưa lũ, huyện Tây Giang đã chủ động tạm ứng ngân sách mua dự trữ 30 tấn gạo, 400kg cá khô, 1.000kg muối và tìm cách vận chuyển, sớm cứu trợ cho bà con ổn định cuộc sống.

Về giao thông, địa phương cũng ghi nhận thêm nhiều điểm sạt lở mới, cũng như tiếp tục sạt lở tại vị trí cũ trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, ĐT606, ĐH và các tuyến đường liên thôn, liên xã, khu sản xuất... với khối lượng đất đá ước hàng chục nghìn mét khối, gây ách tắc nghiêm trọng giao thông đi lại của người dân…/.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi