|
Làm tốt công tác dân vận, nông thôn ngày càng phát triển
|
Tăng cường dân vận, chăm lo cho dân
Chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng cường chỉ đạo về công tác dân vận, chăm lo đời sống cho nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận và phấn khởi trong nhân dân góp phần tích cực trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
6 tháng năm 2021, các cấp, các ngành đã tập trung phát động đăng ký thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo” và có 2.572 tập thể và 23.268 cá nhân đăng ký.
Nhìn chung, các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” được diễn ra đều khắp cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở và ở một số doanh nghiệp nhưng tập trung nhiều nhất là ở cấp xã- phường- thị trấn và ấp, khóm.
Các điển hình “Dân vận khéo” không ngừng được mở rộng và ngày càng phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức, tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề khó khăn, bức xúc ở địa phương, đơn vị, đã tạo niềm tin, khơi dậy nội lực trong nhân dân.
Tiêu biểu có các mô hình như vận động đồng bào Công giáo xây dựng ấp Mỹ Chánh (xã Chánh An- Mang Thít) hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp làng hữu cơ xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm); CLB Cựu chiến binh khóm Đông Bình A (xã Đông Bình - TX Bình Minh) phòng chống ma túy; Chi bộ ấp Tích Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) vận động thực hiện tốt giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng...
Tuy tình hình khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng các mô hình, điển hình của tập thể, cá nhân sau khi đăng ký được BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định các giải pháp, các bước tổ chức thực hiện cụ thể, đảm bảo tính khả thi và phát huy được những kết quả thiết thực.
Theo ông Võ Thanh Vân- Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2021 được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh- chỉ đạo thực hiện, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân vận.
Phong trào đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân.
Dân vận khéo, nâng cao đời sống
|
Hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới,
nâng cao đời sống.Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát
|
Đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã góp phần nâng cao đời sống người dân.
Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội và đoàn thể đã tích cực vận động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp tiền của, vật chất, kiến trúc, hoa màu... để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi và các công trình an sinh xã hội ở địa phương.
Đến nay toàn tỉnh có một đơn vị cấp huyện là TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 56/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 64,3%. Có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 13,8%. Hiện đạt bình quân 17 tiêu chí/xã, tăng 0,6 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020, không còn xã dưới 12 tiêu chí. |
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn huy động trong nhân dân đóng góp đạt trên 24,5 tỷ đồng.
Ngoài nguồn lực ngân sách nhà nước, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội còn chú trọng huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải tạo nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh hộ gia đình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo cảnh quan môi trường; gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tạo việc làm nông thôn.
Từ đó, đã tạo diện mạo mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Điển hình như Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng kế hoạch giúp 1.288 hộ đạt chuẩn gia đình “5 không, 3 sạch”.
Duy trì hoạt động 407 mô hình- CLB thực hiện các tiêu chí “5 không, 3 sạch”, có trên 10.500 thành viên. Đồng thời, Hội LHPN cơ sở còn chủ động xây dựng kế hoạch đăng ký với cấp ủy thực hiện 115 công trình- phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật là các cấp Hội LHPN huyện Tam Bình vận động xây được 2 cây cầu giao thông nông thôn. Trong 6 tháng, với nhiều giải pháp vận động các nguồn vốn giúp hội viên, phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, các cấp hội đã huy động được trên 58,6 tỷ đồng; mở 4 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 2.600 lao động.
Bà Lý Thị Kiệp- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- cho biết: Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị ký kết Chương trình phối hợp hỗ trợ huyện Bình Tân, Tam Bình đạt chuẩn nông thôn mới và thị trấn Vũng Liêm đạt chuẩn đô thị loại IV giai đoạn 2021- 2025. Phối hợp Hội Khuyến học vận động góp tiền gây quỹ khuyến học, hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh- cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh phối hợp ngành nông nghiệp vận động 953 người cao tuổi cùng gia đình hiến 15.200m2 đất, góp 880 ngày công và trên 3 tỷ đồng làm mới đường bê tông, xây dựng cầu, bờ kè, đê bao chống lũ… “Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp với công an tích cực tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Có trên 6.600 người cao tuổi tham gia; với kinh nghiệm và ý thức của mình đã cung cấp được 36 nguồn tin tội phạm có giá trị; cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi hòa nhập cuộc sống cộng đồng, góp phần giải quyết những mâu thuẫn và vướng mắc ở cơ sở”. |
(baovinhlong.com.vn)