Chủ Nhật, 8/12/2024
Tháng bảy về nguồn “Đất thép” Củ Chi

 Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh
thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Củ Chi đầu năm 2021 

Tháng bảy về Củ Chi còn có một ý nghĩa về nguồn. Bởi hơn ở đâu hết, trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã dâng hiến cho đất nước hơn 11.000 liệt sĩ, trên 3.000 thương binh, bệnh binh, hơn 10.000 gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Toàn huyện có 2.120 bà mẹ được Nhà nước tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; có 19/21 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Củ Chi  được mệnh danh “Đất thép”, là vùng đất, con người tiêu biểu góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp và truyền thống anh hùng, kiên trung, bất khuất của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng.

Trong thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng, huyện Củ Chi đã có nhiều cách làm hay, mô hình tốt. Đến nay, trên địa bàn huyện, có hơn 4.500 căn nhà tình nghĩa được xây dựng. Hàng năm, toàn huyện thực hiện công tác chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng gồm: 46 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 01 Anh hùng lực lượng vũ trang; 1.320 thương binh; 458 bệnh binh; 116 người phục vụ thương binh nặng, 1.878 người có công với nước; 357 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 1.600 người hưởng tiền tuất liệt sĩ, tuất thương binh, bệnh binh; 35 người hưởng theo Quyết định 142; 667 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... Tổng kinh phí trợ cấp thường xuyên bình quân hàng tháng cho người có công với khoảng hơn 9,8 tỷ đồng. Ngoài việc thực hiện công tác chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng, huyện còn thực hiện công tác chi trả trợ cấp một lần đối với người có công và thân nhân lên đến hơn 5 tỷ đồng/năm...

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, các xã, thị trấn thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tổ chức rà soát, nắm lại đối tượng, số lượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh ưu đãi người có công trên địa bàn, thống kê và quản lý các đối tượng đã giải quyết trợ cấp hàng tháng, một lần… Hàng năm, các cấp chính quyền phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thực hiện tốt công tác xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Trong phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng “Nhà tình nghĩa", "Sổ tiết kiệm", "Phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên huyện phối hợp tổ chức chương trình “Bữa cơm nghĩa tình”, tham gia dọn dẹp vệ sinh, nấu cơm tại nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong các dịp lễ, tết. Qua đó, quây quần trò chuyện mang đến niềm vui cho các Mẹ, giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, biết trân trọng những giá trị truyền thống, tiếp tục phấn đấu học tập và rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp; phối hợp thăm, hỗ trợ tiền cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi nằm viện. Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn các xã, thị trấn đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời với mức trợ cấp từ 2 triệu đồng/tháng trở lên.

Đối với cựu chiến binh, các cấp chính quyền tổ chức tốt việc giải quyết chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí cho hội viên Hội Cựu chiến binh; thực hiện Hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần; thẩm định hồ sơ người có công cách mạng theo quy định. Trong thời điểm phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp ngay tại nhà cho các đối tượng chính sách; miễn giảm học phí, miễn giảm các khoản đóng góp, giải quyết việc làm, tạo mọi điều kiện cho con em đối tượng chính sách được học hành và có việc làm ổn định.

Để có những kết quả về chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ của huyện Củ Chi do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đối với vùng đất anh hùng, “đất thép” Củ Chi. Bên cạnh đó là sự quan tâm, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, nhất là những hoạt động, tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có công; nâng cao truyền thống yêu nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực chung tay chăm lo cho người có công, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa nghĩa tình, xứng đáng với truyền thống huyện Củ Chi anh hùng.

Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi hôm nay đã thể hiện sự tri ân đối với những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân và máu xương của mình để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nét đẹp tri ân này sẽ luôn sáng mãi để nhắc nhở mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Củ Chi hôm nay biết trân trọng những hy sinh cao cả, những cống hiến vô giá cho nền độc lập của cha anh đi trước./.

Nguyễn Ngọc Cơ

              

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất