Chủ Nhật, 24/11/2024
Phát huy vai trò Tổ COVID cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh - nhìn từ thành phố Đà Nẵng

 Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đến thăm, động viên Tổ COVID-19 cộng đồng
tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà

“Lá chắn” phòng dịch từ cơ sở

Đợt dịch thứ 2 bùng phát vào thời điểm cuối tháng 7/2020, thành phố Đà Nẵng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng trăm ca nhiễm, hàng chục ngàn người thuộc đối tượng F1, F2 và bị cách ly tập trung. Toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ trong hơn 2 tháng liên tiếp. Để phòng chống dịch, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, huy động mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

Đến nay, hầu hết các tổ dân phố, thôn, làng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều thành lập Tổ COVID cộng đồng. Toàn thành phố đã thành lập hơn 2.200 Tổ COVID cộng đồng với hàng chục ngàn thành viên tham gia. Thành phần Tổ COVID cộng đồng là đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó các khu dân cư, tổ dân phố, Ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư và sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của một số hộ dân. Hoạt động của Tổ COVID cộng đồng hoàn toàn mang tính tự quản, tự nguyện vì cộng đồng trên cơ sở có sự chỉ đạo của chính quyền cấp xã thông qua tổ dân phố, thôn, làng ở khu dân cư và hướng dẫn về chuyên môn của ngành y tế; không được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Các thành viên tham gia Tổ với ý thức tinh thần tự giác cao nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho bản thân, gia đình và cộng đồng; cùng chia sẻ, hỗ trợ với Chính phủ, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.

Các Tổ COVID cộng đồng hoạt động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm rõ di biến động của các nhân khẩu trên địa bàn, nắm danh sách cụ thể những trường hợp có đi, đến vùng dịch hoặc có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe để báo với cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời; tham gia trực chốt tại các điểm phong tỏa liên tục 24/24 giờ, lập chốt trực, đo thân nhiệt, sát khuẩn tại các khu dân cư, chung cư. Thông qua hoạt động giám sát, các trường hợp vi phạm quy định công tác phòng, chống dịch đều được các thành viên tổ trực tiếp nhắc nhở hoặc đề nghị chính quyền địa phương xử phạt theo quy định.

Các Tổ COVID cộng đồng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời truyền tải đến người dân các nội dung công tác phòng chống dịch một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Liên tục trong thời điểm xảy ra dịch, các Tổ COVID cộng đồng đều thực hiện công tác tuyên truyền lưu động đường phố bằng loa phóng thanh mỗi ngày 3 lần vào các buổi sáng, chiều và tối. Trước 19 giờ hằng ngày, Tổ COVID cộng đồng thông qua tổ trưởng tổ dân phố đều báo cáo lên UBND phường về tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn, các trường hợp đi, đến từ vùng đang có dịch, tình hình người dân gặp khó khăn do cách ly cần được hỗ trợ… Cùng với việc sử dụng các hình thức truyền thống, các tổ COVID cộng đồng đã sử dụng mạng xã hội Zalo để góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các Tổ COVID cộng đồng tham gia tích cực trong công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, kịp thời rà soát các đối tượng khó khăn đề nghị chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội. Các tổ COVID cộng đồng ở Đà Nẵng cũng đã tham gia tích cực trong việc rà soát các đối tượng có tiếp xúc gần với nguồn lây, tuyên truyền, vận động người dân đi xét nghiệm sàng lọc, hỗ trợ tuyến y tế cơ sở, giúp nâng cao rõ rệt năng lực xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.

Đợt dịch thứ tư bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 đến nay với nguy cơ lớn hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn chủng virus trước đây, tuy nhiên với kinh nghiệm đúc rút được từ đợt dịch năm 2020, đặc biệt là kinh nghiệm về phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng nên thành phố Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được tình hình, kịp thời khoanh vùng, cách ly những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, giám sát chặt chẽ cả bên trong lẫn bên ngoài, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh ra diện rộng.

Tổ COVID cộng đồng tại các tổ dân phố, khu dân cư đã tạo thành “lá chắn” thép vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương cùng các lực lượng tuyến đầu trong việc kiểm soát, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để bùng phát trên diện rộng. Thực tế đã chứng minh trong các đợt dịch vừa qua, tổ COVID cộng đồng hoạt động rất hiệu quả, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Với tinh thần quyết tâm cao nhất "chống dịch như chống giặc", cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tinh thần trách nhiệm của các tổ COVID cộng đồng, đã góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ.

Nhằm mục đích phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp mắc, nghi ngờ mắc COVID-19, khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch, dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các vùng khác, địa phương khác, điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc; giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, trong nhiều cuộc họp của Thành ủy và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thường xuyên có các chỉ đạo về hoạt động của Tổ COVID cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ trưởng, bí thư chi bộ khu dân cư trong công tác phòng, chống dịch.

Đồng chí Ngô Thị Huyền Tâm, Phó Bí thư Chi bộ Nại Hưng 2A, Tổ trưởng Tổ COVID số 11, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: Các Tổ COVID cộng đồng ở khu vực hoạt động rất hiệu quả, mỗi thành viên của Tổ COVID cộng đồng là những tuyên truyền viên, trực tiếp làm công tác dân vận, tích cực vận động người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Nguyễn Duy Nhất, Tổ trưởng Dân phố 58, kiêm Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng chia sẻ: Những kết quả đạt được trong công tác chống dịch ở Đà Nẵng thời gian qua có vai trò rất quan trọng của các Tổ COVID cộng đồng. Thông qua hoạt động của Tổ COVID cộng đồng, chính quyền địa phương mới có điều kiện triển khai thực hiện một cách kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Dựa vào dân để chống dịch

PGS.TS.Trần Như Dương Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là một trong số những chuyên gia có mặt tại hầu hết các ổ dịch ở Việt Nam trong suốt 1,5 năm qua: từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang... Đồng chí chia sẻ: Khi dịch bệnh đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp. Vì vậy, khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, các lực lượng chức năng cần chủ động, khẩn trương triển khai ngay công tác tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp có nghi ngờ. Để làm được điều này, dựa vào một mình lực lượng y tế là không đủ, mà cần phải huy động, vận dụng sức mạnh của toàn dân.

Theo PGS.TS. Trần Như Dương, mô hình tổ COVID cộng đồng bắt đầu được áp dụng tại ổ dịch Sơn Lôi, sau đó đã được Bộ Y tế tham mưu cho các địa phương xây dựng và triển khai đồng bộ. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng chục nghìn tổ COVID cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại thực địa. Đây chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

Tại các tỉnh, thành phố, Tổ COVID cộng đồng do UBND cấp xã/phường ra quyết định thành lập. Tổ hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40 - 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ. Nhiệm vụ của tổ là hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để: Thực hiện truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Tổ còn có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã/phường những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình; phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã/phường phân công.

Thực tế đã chứng minh trong nhiều đợt dịch, tổ COVID cộng đồng hoạt động vô cùng hiệu quả, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Tổ COVID cộng đồng là một mô hình phát huy sức mạnh toàn dân phòng chống dịch bệnh, đã góp phần tạo thành thế trận lòng dân hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19. Đây được xem là một “vũ khí” độc đáo của Việt Nam, đã phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân trong cuộc chiến chung đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dự báo tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường; cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn cam go, phức tạp, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, phát huy vai trò của các Tổ COVID cộng đồng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh./.

Lê Công Kỷ - Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại Đà Nẵng (T26)

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất