Chủ Nhật, 24/11/2024
Sức mạnh của nhân dân - nhìn từ cuộc chiến chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

 Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân
tại KCN Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang)

Từ ca bệnh đầu tiên

Tỉnh Bắc Giang bắt đầu xuất hiện ca bệnh F0 đầu tiên vào ngày 08/5/2021. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh đã nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, cách ly y tế điểm nóng. Các ổ dịch ngoài cộng đồng tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam; xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang nhanh chóng được cô lập và kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên, trong cùng thời điểm đó, dịch trong các nhà máy tại các khu công nghiệp đã âm thầm lây lan do rất nhiều ca mắc không có triệu chứng. Biến chủng mắc chủ yếu là Delta, có tốc độ lây lan rất mạnh, lây qua không khí nên môi trường nhà xưởng, nhà ăn khép kín và các khu vệ sinh chung tại các khu công nghiệp là nơi rất dễ lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, ngay khi các ca công nhân đầu tiên được phát hiện mắc F0 vào ngày 09/5, số ca F0 đã tăng lên rất nhanh. Ngày 08/5, toàn tỉnh chỉ có 1 ca mắc F0, ngày 15/5 tăng lên 218 ca F0, ngày 22/5 lên đến 862 ca F0 và đến 19/6, số ca F0 của tỉnh đạt 5.310 ca và bắt đầu tình hình dịch đã được kiểm soát.

Đến nay, vào giữa tháng 7, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh chỉ còn phát sinh lẻ tẻ tại các khu cách ly tập trung; các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã trở lại bình thường, chỉ trừ các hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, café tại một số địa bàn hiện vẫn bị cấm do vẫn chưa qua 21 ngày không phát sinh F0. Các khu công nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại với công suất đạt 80% so với trước dịch. Hoạt động sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp và thu ngân sách hết 6 tháng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Giang đến thời điểm này được Trung ương đánh giá là thành công, là hình mẫu cho cả nước trên nhiều phương diện: Mô hình sản xuất an toàn trong điều kiện có dịch; mô hình phong tỏa, cách ly y tế, cách ly xã hội khi dập dịch và chuyển trạng thái từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 được áp dụng nhuần nhuyễn, khoa học và hiệu quả; mô hình huy động toàn dân tham gia vào phòng chống dịch COVID-19 thông qua hạt nhân là Tổ COVID cộng đồng, Tổ COVID nhà trọ và Tổ an toàn COVID; mô hình thực hiện thành công mục tiêu kép: sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất; mô hình bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trong điều kiện nhân dân bị cách ly xã hội, cách ly y tế diện rộng.

Sức mạnh của Tổ COVID cộng đồng

Khi số ca mắc F0 nhiều lên đến 100, khối lượng công việc phát sinh rất lớn. Bắt đầu từ việc truy vết F0. Cơ quan y tế khi lấy mẫu, xét nghiệm dương tính cần phải xác định lại thông tin về F0 đó chính xác và thông tin dịch tễ của đối tượng để có thể chính thức công bố ca bệnh và tiếp tục truy vết F1, F2. Việc truy vết F1, F2 được cơ quan công an thực hiện theo chức năng nhiệm vụ, tuy nhiên do là đối tượng F0 nên mọi việc tiếp xúc để lấy thông tin truy vết chỉ được thực hiện qua điện thoại, sẽ dẫn đến thiếu sót thông tin, gây bỏ sót các đối tượng F1 nguy cơ cao cũng như đánh giá không chính xác nguồn lây, gây khó khăn cho công tác điều hành phòng chống dịch. Việc thực hiện đưa đi điều trị F0, đưa đi cách ly F1 tập trung cũng như khi có quyết định cách ly tại nhà đối với các F2 thường không được thực hiện ngay mà cần có thời gian nhất định. Trong thời gian chờ đợi đó, việc giám sát các đối tượng là rất cần thiết. Công tác tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng dịch, thực hiện 5K là rất quan trọng. Hệ thống truyền thanh trên nhiều địa bàn không đến được từng hộ gia đình, cá nhân. Việc giám sát, nhắc nhở nhân dân và các đối tượng cách ly tại nhà; nhân dân thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly xã hội, cách ly y tế cũng cần lực lượng thường trực, hàng ngày đi đến từng nhà, từng địa bàn. Việc phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi mắc (mất khứu giác, ho, sốt, cúm, đau họng) và các trường hợp có nguy cơ cao không thực khai báo y tế cũng rất quan trọng để phát hiện sớm các ca mắc F0 trong cộng đồng. Khi thực hiện cách ly xã hội, phong tỏa, cách ly y tế, công tác đảm bảo hậu cần và chăm lo cho đời sống người dân, công nhân là rất quan trọng và cấp thiết. Nhân dân có đảm bảo nhu cầu thực phẩm tối thiểu thì mới yên tâm chấp hành quy định phòng dịch...

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, nếu nhân dân không vào cuộc, không có lực lượng nào có thể thực hiện tốt được. Nhận thức sâu sắc điều đó, ngay từ ngày đầu khi dịch bắt đầu diễn biến phức tạp, ngày 16/5, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất thành lập các Tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng dân cư (gọi tắt là Tổ COVID cộng đồng) trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi tổ phụ trách từ 30-40 hộ gia đình, có 3 thành viên là các công dân gương mẫu, có tinh thần dấn thân vì cộng đồng. Ngoài ra, địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng nơi có gần 70.000 công nhân ở trọ thì thành lập thêm Tổ COVID nhà trọ theo từng nhà trọ hoặc cụm nhà trọ với nguyên tắc mỗi tổ phụ trách không quá 100 công nhân, thành viên là chủ nhà trọ và công nhân gương mẫu, trách nhiệm. Sau một thời gian ngắn, toàn tỉnh đã thành lập được gần 11.000 tổ với gần 40.000 thành viên. Các tổ COVID cộng đồng đã làm tốt các nhiệm vụ: (1) Tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng dịch của địa phương và thực hiện nghiêm 5K; (2) Giám sát và phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện nghi mắc COVID, các trường hợp có nguy cơ mắc xuất hiện tại địa bàn chưa thực hiện khai báo y tế, báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã và Trạm Y tế; (3) Giám sát, nhắc nhở công dân chấp hành nghiêm quy định về phòng dịch như cách ly, không tụ tập, không bán hàng, đeo khẩu trang khi ra ngoài và kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo cấp xã biết xử lý vi phạm; (4) Hỗ trợ cơ quan y tế, công an truy vết F0, F1, F2; hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo sắp xếp thứ tự, không bỏ sót; (5) Nắm sát tình hình đời sống nhân dân, các đối tượng thuộc diện cách ly tại địa bàn, tự tổ chức hỗ trợ hoặc báo cáo Ban chỉ đạo cấp xã hỗ trợ kịp thời các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu phát sinh khác trong thời gian cách ly hoặc phong tỏa; giám sát việc thu hoạch nông sản (trong đó có vải thiều) đảm bảo an toàn phòng dịch.

Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đã quan tâm, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, động viên, hỗ trợ kinh phí cho Tổ hoạt động; Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh gắn trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố về chất lượng hoạt động của Tổ; Ban Dân vận Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra hoạt động thực tế nên hầu hết các Tổ đều hoạt động hiệu quả, thực sự là hạt nhân đưa toàn thể nhân dân tham gia vào công tác phòng chống dịch, các biện pháp chống dịch đã đến từng nhà, từng người chấp hành tốt. 6 huyện bị cách ly xã hội, gần 70.000 công nhân ở trọ thuộc vùng phong tỏa, 5.766 ca mắc F0, 30.692 F1 đi cách ly tập trung, 111.891 F2 cách ly tại nhà và việc thu hoạch, tiêu thụ an toàn 215.852 tấn vải thiều toàn tỉnh trong bối cảnh dịch đã cho thấy vai trò quan trọng, quyết định, chiến lược của Tổ COVID  cộng đồng. Trong giai đoạn có dịch, Tổ đã không quản ngại hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở, hỗ trợ, vận động toàn dân tham gia chống dịch. Gần 70.000 công nhân được các thành viên của Tổ đảm bảo lương thực thiết yếu đến tận nhà trọ trong hơn 30 ngày phong tỏa; mọi nhu cầu đặc biệt của người dân, công nhân đều được đảm bảo như: thuốc chữa bệnh mãn tính, chăm sóc sức khỏe công nhân mang bầu, nuôi con nhỏ, thậm chí sữa cho các cháu có mẹ bị đưa đi cách ly cũng đã được Tổ COVID cộng đồng đảm bảo. Các Tổ đã giám sát phát hiện gần 1.500 trường hợp có biểu hiện nghi mắc, trong đó trên 100 trường hợp test nhanh và xét nghiệm là F0 đã giúp cách ly sớm ca nhiễm ra khỏi cộng đồng; nhiều trường hợp từ vùng dịch trở về được Tổ phát hiện, yêu cầu cách ly khai báo cũng đã trở thành F0 sau khi xét nghiệm. Với đặc tính lây lan mạnh của biến chủng Delta lần này, việc phát hiện sớm và ngăn ngừa đối tượng mắc COVID-19 lây lan ra cộng đồng là rất có ý nghĩa, vì từ 01 ca mắc, nếu chậm phát hiện sau 5 ngày thì đã qua 2 vòng lây, số người sẽ lên đến hàng chục người mắc cộng đồng. Những việc làm của Tổ trong phát hiện sớm ca mắc có ý nghĩa rất quan trọng đến kết quả công tác chống dịch của tỉnh.

Luôn ghi nhớ lời chỉ dạy của Bác Hồ

Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thành công của công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang lần này đã chứng minh rõ điều đó. Tổ COVID cộng đồng đã được Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đánh giá là nhân tố có vai trò quyết định, là vũ khí chiến lược để có được kết quả phòng chống dịch thành công được như hiện nay. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở đều nói lời cảm ơn COVID cộng đồng, nếu không có Tổ, các cấp cơ sở không biết xoay sở ra sao. Tình làng, nghĩa xóm, tình thương yêu được nảy nở trong dịch bệnh thông qua hoạt động của Tổ. Nhiều tấm gương cá nhân, tập thể Tổ điển hình đã được tặng bằng khen, giấy khen của cấp tỉnh, cấp huyện. Thành công của Tổ đã nhắc nhở cấp ủy, chính quyền bài học cũ nhưng luôn mới: Mọi việc khó khăn, chỉ cần ngồi xuống bàn bạc với dân, dân sẽ giúp chúng ta cùng vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra./.

Phạm Văn Thịnh - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất