|
Hà Nội hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19 |
Trên địa bàn quận Tây Hồ có gần 44.000 hộ dân, với 166.000 nhân khẩu, quận không còn hộ nghèo, có 10 hộ cận nghèo tại 04 phường (Bưởi, Thụy Khuê, Xuân La và Phú Thượng). Trên địa bàn quận có hơn 5.000 doanh nghiệp và hơn 6.000 hộ kinh doanh cá thể.
Để công tác thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ và Thành phố trên địa bàn quận Tây Hồ được triển khai kịp thời, đúng quy định. UBND quận Tây Hồ đã đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quận; các phòng, ban, ngành quận; UBND các phường; các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận, căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai ngay một số nội dung, nhiệm vụ.
Đồng thời, Quận cũng thành lập 03 Tổ thẩm định hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 23 và Quyết định số 3642; UBND quận mời Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ quận và đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận tham gia các tổ thẩm định để trực tiếp giám sát công tác triển khai thực hiện, thẩm định hồ sơ. Tây Hồ có 8/8 phường đã thành lập Hồi đồng xét duyệt hồ sơ do Chủ tịch UBND phường làm Chủ tịch hội đồng; Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội làm Phó Chủ tịch hội đồng; các thành viên gồm: Trưởng công an, công chức các phòng LĐTB&XH, Tư pháp – Hộ tịch; Lãnh đạo Ủy ban MTTQ phường; Trưởng ban công tác mặt trận các khu dân cư, tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực.
UBND Quận đã tổ chức quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 68/QĐ-TTg Quyết định số 23/QĐ-TTg, Quyết định số 3642/QĐ-UBND và triển khai Công văn số 1290/UBND-LĐTBXH của UBND Quận về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn so đại dịch COVID – 19 trên địa bàn quận Tây Hồ đến thủ trưởng các đơn vị liên quan, lãnh đạo UBND các phường. UBND Quận cũng mời lãnh đạo Ban KTXH – HĐND Quận, Thường trực UBMTTQ Quận, lãnh đạo Liên đoàn lao động Quận tham dự.
Trên cơ sở kết quả rà soát, dự kiến số lượng, kinh phí hỗ trợ đối với từng đối tượng được hỗ trợ của UBND 8 phường và Bảo hiểm xã hội, Phòng LĐTB&XH; UBND Quận bố trí tạm ứng đợt 1 kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho các đơn vị đảm bảo công tác chi trả kịp thời, đúng quy định. Số kinh phí dự kiến hỗ trợ trên địa bàn quận là hơn 49 tỷ đồng; dự kiến hỗ trợ tới 9.800 người lao động tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc; 1.600 hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động; 11.000 người lao động làm việc không có hợp đồng lao động (lao động tự do).
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ đã giải quyết giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.709 đơn vị với 29.998 lao động và số tiền giảm trong tháng 7 là hơn 970 triệu đồng.
Bảo hiểm xã hội quận đã tiếp nhận và xác nhận 05 doanh nghiệp với 71 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động.
Long Biên đề xuất 11 nghìn người sẽ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Đại diện lãnh đạo quận Long Biên cho biết, ngay sau khi nhận được Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 22/7/2021 Chủ tịch UBND Quận đã chủ trì tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, ngành quận, UBND các phường triển khai việc hỗ trợ.
Đến nay 14/14 phường triển khai văn bản, thành lập Hội đồng xét duyệt hỗ trợ do Chủ tịch UBND Phường làm Chủ tịch Hội đồng.
Quận cũng phối hợp Viettel Long Biên lập số điện thoại đường dây nóng ( đã sử dụng để thực hiện hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42 lần trước) 0964.352.668 để tiếp nhận thông tin, trả lời ý kiến với doanh nghiệp và người lao động.
Đồng thời chỉ đạo Văn phòng HĐND-UBND sắp xếp vị trí tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính quận (bộ phận Một cửa) để Phòng LĐTBXH quận phân công cán bộ ra trực tiếp hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Tính đến hết tháng 7, quận Long Biên đã chỉ đạo các ngành, UBND các phường rà soát sơ bộ số lượng, kinh phí sẽ thực hiện cho các nhóm đối tượng chi trả trực tiếp từ nay đến hết năm 2021, khoảng 11 nghìn đối tượng dự kiến sẽ được hưởng.
Đến 28/7, BHXH Quận đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho trên 4.438 đơn vị, số tiền trên 27 tỷ đồng.
Đồng thời tiếp nhận 14 hồ sơ của các đối tượng trẻ em và F1 đang cách ly tại khu cách ly do UBND quận quản lý vận hành (Trường Cao đẳng Đường sắt, phường Thượng Thanh); 34 hồ sơ của người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương thuộc các trường mầm non; hướng dẫn cho các doanh nghiệp tại quận dự kiến đề nghị vay vốn trả lương cho 2.500 người lao động.
Các phường của quận Long Biên đang triển khai đến các tổ dân phố, tổ liên gia tự quản,… rà soát người lao động tự do, hướng dẫn hồ sơ thực hiện, đang tiếp nhận các hồ sơ tại trụ sở UBND các phường, thực hiện chi trả sớm nhất. Các đối tượng khác trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để thực hiện và tiến hành chi trả (do thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thành phố nên người dân, người lao động, người sử dụng lao động hạn chế việc đi lại, nên số lượng hồ sơ nộp chậm hơn)
Đại diện quận Long Biên cho biết, hiện đang khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Thời gian tới, các địa phương của Hà Nội sẽ phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết, thẩm định hồ sơ. sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt chính sách hỗ trợ đến người dân trên đài truyền thanh các phường, Cổng Thông tin điện tử quận; các tổ chức, đoàn thể, UBND các phường cũng thông tin tuyên truyền Nghị quyết, Quyết định, văn bản của Trung ương, Thành phố và quận qua các tổ dân phố, đoàn viên, nhân dân.
Đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, Sở đang đôn đốc các địa phương còn lại hoàn thành danh sách sớm trong đầu tháng 8, tiếp tục triển khai hỗ trợ đến người lao động và các doanh nghiệp sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
(chinhphu.vn)