Thứ Hai, 14/10/2024
Tỉnh ủy Quảng Ngãi đổi mới công tác dân vận theo hướng thực chất, bám sát và giải quyết các vấn đề nhân dân quan tâm

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại thị xã Đức Phổ

Hàng năm, ngay từ những tháng đầu, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực đề xuất cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản lãnh, chỉ đạo về công tác dân vận, trong đó xác định rõ giải pháp trọng tâm, những nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và có lộ trình thực hiện. Chủ động phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận chính quyền, nhất là trong công tác nắm tình hình nhân dân, tham gia xử lý các vấn đề bức xúc, nổi cộm, “điểm nóng” có liên quan đến đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tôn giáo…, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Định kỳ hàng quý, đột xuất, Ban Dân vận đều có báo cáo về tình hình nhân dân, dư luận xã hội, các vụ việc bức xúc, nổi cộm cho Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo kịp thời. Thường xuyên đề xuất Thường trực Tỉnh ủy đến thăm hỏi, động viên nhân dân, quan tâm công tác an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề cấp thiết ở những địa bàn có vụ việc bức xúc, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, nhất là khi có thiên tai, bão lũ, dịch bệnh hay dịp ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc.

Qua triển khai thực hiện, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như: Tham mưu ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Quyết định số 1711 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Đề án xây dựng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND về Quy định, tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại công tác dân vận của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Quyết định số 737/QĐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng triển khai mô hình “Tuyên truyền, vận động ngư dân chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định” tại các xã khu vực biên giới biển trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang tổ chức Chương trình an sinh xã hội “Thắp sáng niềm tin” tại các địa bàn có “điểm nóng”, khiếu kiện kéo dài… Đặc biệt, đã chủ trì tham mưu thành lập các Tổ Công tác giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tham gia tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng dự án Khu Đô thị, Công nghiệp, Dịch vụ VSIP với 191 hộ dân và 01 cộng đồng dân cư, dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với 219 hộ dân tự giác bàn giao mặt bằng. Hiện nay, Tổ Công tác đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng Dự án Thép Hòa Phát Dung Quất 2 trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất…

Điểm đổi mới ở đây là, Ban Dân vận Tỉnh ủy không chỉ theo dõi để báo cáo tổng hợp qua việc nắm thông tin từ hệ thống Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh mà còn trực tiếp bám sát cơ sở, có mặt ngay tại hiện trường hoặc địa bàn có vụ việc, tổng hợp hồ sơ, tài liệu, hình ảnh, tổng hợp ý kiến của nhân dân, cán bộ hưu trí, sau đó chủ động nghiên cứu kỹ quy định của Đảng, Nhà nước, có trao đổi, bàn bạc với cơ quan chức năng để qua đó tham mưu, đề xuất giải pháp có tính khả thi cao, đảm bảo chặt chẽ để Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo giải quyết. Sau chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Dân vận tiếp tục theo dõi, giám sát kết quả thực hiện, dư luận đồng thuận hay phản ứng để báo cáo kịp thời cho Thường trực Tỉnh ủy xử lý “có tình, có lý”, hợp lòng dân và đúng quy định.

Qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi rút ra một số bài học kinh nghiệm, cách làm trong công tác nắm tình hình nhân dân như sau:

Thứ nhất, Ban Dân vận Tỉnh ủy phải là cơ quan chủ động đầu mối, bám sát cơ sở trong công tác theo dõi, nắm tình hình nhân dân, đồng thời phải thông qua nhiều kênh để nắm tình hình (không chỉ qua kênh thông tin lâu nay là từ Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp) như: Thông tin từ báo chí, mạng xã hội, thông tin từ đi công tác cơ sở, dự các buổi tiếp dân, đối thoại, từ đơn thư phản ánh của công dân, thông tin từ cán bộ hưu trí... Nơi nào, địa bàn nào, lĩnh vực nào mà dư luận xã hội, người dân quan tâm thì Ban Dân vận phải nhanh chóng tìm hiểu, theo dõi, nhất là phải đi thực tế tại cơ sở mới hiểu hết sự việc, không chờ báo cáo từ cấp dưới hoặc chờ xử lý của các cơ quan khối nội chính, tư pháp.

Trên cơ sở nắm bắt kỹ lưỡng tình hình địa bàn, trao đổi trực tiếp với người dân, với cơ quan chức năng, địa phương, có lưu ý việc áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng, địa phương trong điều kiện pháp luật thường thay đổi và chồng chéo nhưng khi áp dụng thường thiếu toàn diện khiến người dân dễ bức xúc, khiếu kiện kéo dài, nghiên cứu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước, tổng hợp thông tin, hồ sơ, tài liệu, hình ảnh liên quan để kịp thời báo cáo nhanh cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết. Thời gian báo cáo từ 01 - 02 ngày sau khi có vụ việc hoặc sau khi tiếp nhận thông tin.

Thứ hai, sau khi báo cáo đề xuất giải pháp cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thì công tác theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện là cực kỳ quan trọng. Ban Dân vận phải là cơ quan theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và địa phương để thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo kịp thời, sát sao. Phải kiên trì đeo bám đến cùng sự việc, khi nào có kết quả giải quyết xong, được đại đa số nhân dân đồng thuận thì mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, Ban Dân vận phải chủ động vào cuộc trong công tác phối hợp với các cơ quan chính quyền, nhất là đối với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, UBND các cấp về triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cải cách hành chính trong khối các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều, bàn bạc, trao đổi, thảo luận trong phối hợp giải quyết “điểm nóng”, vụ việc bức xúc, nổi cộm hoặc trong quá trình tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết.

Thứ tư, Ban Dân vận phải chủ động, tích cực trong nắm tình hình nhân dân để tham mưu thực hiện hiệu quả Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân. Nhất là phải đề xuất được những chủ đề, nội dung, vụ việc đối thoại mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, những vụ việc bức xúc, nổi cộm kéo dài, những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của người dân mà trong thời gian gian dài chưa được quan tâm giải quyết. Trong công tác đối thoại, Ban Dân vận phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính về nội dung kiến nghị và phương án trả lời, chuẩn bị nội dung kết luận của Bí thư sau đối thoại, theo dõi thực hiện kết luận của Bí thư cấp ủy.

Thứ năm, để thực hiện hiệu quả cách làm trên, cấp ủy phải thực sự quan tâm lựa chọn, bố trí những cán bộ có tâm huyết, có năng lực, có bản lĩnh, có am hiểu về một số lĩnh vực quản lý nhà nước làm công tác dân vận; đồng thời tự thân mỗi cán bộ dân vận phải không ngừng học hỏi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng công tác dân vận, nhất là lĩnh vực công tác dân vận chính quyền, lĩnh vực thường xuyên có yếu tố bức xúc, khiếu kiện, dễ phát sinh “điểm nóng” như: đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, dân tộc, tôn giáo.../.

Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Gửi cho bạn bè