Thứ Sáu, 8/11/2024
Tiếp tục phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

 Ban Chấp hành  Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hoà Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Với sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh; uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp được công nhận. Các doanh nhân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của một doanh nhân đối với đời sống, xã hội và sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đóng góp vào ngân sách, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, tham gia công tác từ thiện. Thông qua sự kêu gọi, các doanh nghiệp mạnh dạn đưa hàng về tận vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo thị trường hàng hóa ổn định, thuận lợi cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành nên đội ngũ doanh nhân mới ngày càng năng động và kinh doanh có hiệu quả.

Sau10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hòa Bình lớn mạnh không ngừng, trở thành lực lượng xung kích, đóng góp tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộiTính đến ngày 30/6/2021, toàn tỉnh có 4.022 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn 10 huyện, thành phố với tổng số vốn đăng ký là 54.345,2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực, như: Công nghiệp, xây dựng, chế biến, thương mại, dịch vụ, nông lâm, thủy sản,.... Hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ hoạt động kinh doanh đa dạng trên các lĩnh vực ngành, nghề, vốn ít, sử dụng lao động không nhiều. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%, kết quả hoạt động sảm xuất, kinh doanh từng bước có sự phát triển nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước từ 232 tỷ năm 2012 lên 1.800 tỷ đồng năm 2020, giải quyết việc làm ổn định cho trên 70.000 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng. Có 46 doanh nghiệpcó tổ chức đảng, với 05 đảng bộ cơ sở, 33 chi bộ cơ sở, 08 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua công tác xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế, đó là: Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ còn khó khăn như: tiếp cận nguồn vốn, tiền thuê đất,… Công tác phát triển Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các Hiệp hội doanh nghiệp,...

 Trong thời gian tới,để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt các nội dungcủa Nghị quyết số 09-NQ/TW gắn với thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp; Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025.Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; các văn bản pháp luật, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp, doanh nhân.

Hai là,chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; tập trung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có năng lực cạnh tranh cao nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.Tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp phù hợp với  điều kiện thực tế của địa phương.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh đúng định hướng, có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; kịp thời xử lý vi phạm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh,nhất là trong lĩnh vực  nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đó tạo lập môi trường thuận lợi, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KHCN). Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể; không ngừng nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của tổ chức hợp tác và các thành viên hợp tác trong thời kỳ hội nhập.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và mở rộng quỹ phát triển KHCN; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp thu, làm chủ từng bước tham gia tạo ra công nghệ mới. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Năm là, thường xuyên chăm lo củng cố kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nhằm phát huy được vai trò lãnh đạo, định hướng hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đảng viên, đoàn viên, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển SXKD hiệu quả, đúng pháp luật. Tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng, kết nạp quần chúng trong doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp, cán bộ đoàn thể đủ điều kiện vào Đảng.Huy động các nguồn lực để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, rút kinh nghiệm, tìm ra những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng; tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhânkịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp./.

Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình

Gửi cho bạn bè