Xác định vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, những năm qua, hệ thống chính trị Sơn La từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; giữ ổn định tình hình, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
|
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La khảo sát, nắm tình hình
tại bản Cột Mốc, xã Tân Xuân (Vân Hồ)
|
Ngược dòng lịch sử, tháng 10/1930, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z; bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Tháng 10/1999, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Đồng chí Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La, cho biết: Phát huy truyền thống công tác dân vận của Đảng, những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy các cấp chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Nhận thức về công tác dân vận của cả hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền đối với công tác dân vận được đổi mới. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tham gia các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chương trình phối hợp về công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ gắn với công tác dân vận và phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế”. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện đi vào hoạt động. Hiện nay, 204 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế một cửa; 19/20 cơ quan cấp tỉnh (Sở Ngoại vụ không có thủ tục hành chính), 12 huyện, thành phố thực hiện mô hình một cửa hiện đại...
Công tác dân vận của lực lượng vũ trang chú trọng vận động nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng ngừa và tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để phát sinh các điểm nóng. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, hình ảnh những chiến sỹ biên phòng ngày đêm canh gác tại các chốt ở biên giới; những chiến sỹ công an, bộ đội xung phong vào tâm dịch Phù Yên thực hiện các nhiệm vụ chống “giặc Covid-19” đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền; của người đứng đầu, của cán bộ, công chức về quyền làm chủ và vai trò của nhân dân; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được thực hiện đồng bộ, cụ thể và hiệu quả; quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, phát huy trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác giải quyết đơn thư được tập trung thực hiện, số lượng đơn thư ngày càng giảm. 5 năm qua, tổ chức hơn 1.000 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả. Toàn tỉnh tiếp tục duy trì 2.665 mô hình “Dân vận khéo” (1.921 tập thể, 744 cá nhân) trên các lĩnh vực của đời sống; các mô hình triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực, mang tính lan tỏa sâu rộng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Trong bước đi tiếp theo, tỉnh ta tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và nghị quyết đại hội Đảng các cấp xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững./.
(baosonla.org.vn)