Thứ Bảy, 23/11/2024
Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 200 năm danh xưng và 30 năm tái lập tỉnh
Buổi lễ có nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cùng dự còn có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chia sẻ, những thành quả của 30 năm qua là kết tinh của lịch sử văn hóa, của sự đồng lòng, phấn đấu của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Ninh Bình. Tất cả những nỗ lực và thành quả đó không chỉ đã và đang phục vụ thiết thực hơn cho đời sống nhân dân, xây đắp vững chắc hơn niềm tin của nhân dân với Đảng; là nền tảng, tiền đề quan trọng để Ninh Bình vững bước cho chặng đường phía trước mà còn làm cho danh xưng Ninh Bình thêm vang mãi khi liên tục được bình chọn là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu châu Á.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ niềm vui mừng khi cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình. Theo đồng chí, từ khi có Đảng, truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương Cố đô tiếp tục được phát huy cao độ, là nguồn động viên to lớn, giúp Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình vượt qua mọi gian khó, hy sinh để xây dựng và bảo vệ quê hương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong những năm qua. Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, đây là dịp để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình ôn lại chặng đường vẻ vang đã qua, biến nó thành sức mạnh, thành hành động của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chặng đường sắp tới; phấn đấu đến năm 2030, Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Với tinh thần ấy, đồng chí Võ Văn Thưởng gợi ý một số nội dung để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh Ninh Bình quan tâm trong thời gian tới.

Theo đó, Ninh Bình cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù riêng có của mình, nhất là lợi thế vị trí kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong tứ giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững; chú trọng quy hoạch liên kết vùng; tiếp tục chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa cao đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; phát triển du lịch; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho mỗi người con quê hương Ninh Bình trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước…

Là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, với vị trí chiến lược quan trọng, ranh giới của 3 khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung bộ, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý Ninh Bình phải hết sức quan tâm công tác quốc phòng, an ninh; chú trọng củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; giải quyết tốt những vấn đề an ninh phức tạp ngay từ cơ sở, bảo đảm ổn định xã hội để phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh cũng cần tăng cường và tạo chuyển biến thực sự công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo nội dung Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị; qua đó, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng và quy chế làm việc. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức chính trị-xã hội, trước hết là người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đồng thời khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung…

(qdnd.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác