Thứ Năm, 18/4/2024
Thêm điểm văn hóa tâm linh ý nghĩa
 
Không gian tâm linh của Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. 


Đặc biệt từ những điều nhỏ nhất

Di tích Đồi F được lựa chọn là vị trí xây dựng Đền thờ bởi đây là ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Nơi đây còn là ngọn đồi có diện tích đất rộng, có địa hình dạng đồi lượn sóng chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, đỉnh đồi tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi về địa thế để xây dựng Đền thờ. Tổng thể không gian Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ có diện tích gần 50.000m2, thiết kế theo kiến trúc truyền thống với bố cục thắt mở, được chia thành 3 không gian chính: Không gian dẫn nhập (từ vị trí cổng vào đến Sân dẫn nhập), không gian tĩnh tâm (gồm Sân tĩnh tâm và Hồ tĩnh tâm), không gian tâm linh - Đền thờ chính. Xen kẽ kết nối giữa các không gian chính là các đường dẫn chuyển tiếp cao độ, các sườn đồi trồng hoa và tiểu cảnh.

Đây là công trình có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, thể hiện sự trang nghiêm, linh thiêng, xứng tầm với chiến thắng và những hi sinh to lớn của các liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Vậy nên mọi chi tiết thiết kế của công trình đều có ý nghĩa đặc biệt. Ngay cả ngày khởi công xây dựng cũng chọn ngày 13/3/2021 - trùng với ngày diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đặc biệt nữa, hoa văn chủ đạo của cả công trình Đền thờ là mây và vân mặt trời. Theo lý giải của vị kiến trúc sư thiết kế công trình này, những chiến sĩ đã hi sinh năm xưa có thể hóa thành những áng mây trên bầu trời Mường Thanh. Còn hoa văn mặt trời đại diện cho ý chí mãnh liệt của họ. Thêm nữa, là mảnh đất của hoa ban nên đây là cây xanh chủ đạo trong khuôn viên Đền thờ: Bao quanh bên ngoài có trồng 19 cây ban đỏ tượng trưng cho 19 dân tộc tỉnh nhà; 54 cây ban trắng tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam...

Đền thờ có 3 không gian chính, không gian đầu là không gian giao lưu, là sân dẫn nhập, trước khi vào không gian trung tâm sẽ qua đường dẫn 1 với 9 bậc. Theo quan niệm Á Đông, số 9 là số linh thiêng tức là đi qua đây như đang đi đến với những điều linh thiêng nhất. Trong không gian này còn có 1 cây gạo, đến mùa hoa nở, rụng xuống những cánh đỏ gợi nhắc về sự hi sinh anh dũng của những người chiến sĩ năm xưa. Đến không gian tĩnh tâm là Hồ tĩnh tâm hình bán nguyệt tượng trưng cho con ngươi trong mắt của người chiến sĩ khi ngã xuống. Bầu trời trong đôi mắt của người lính tại thời điểm ấy là hình ảnh cuối cùng được in trong đôi mắt của họ. Và bầu trời Mường Thanh hôm nay như mẫu số chung giữa chúng ta và những người đã hi sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ. Khi nhìn vào, đó chính là sự chia sẻ, cảm nhận giữa người sống và người đã khuất. Lòng hồ có hệ thống đèn chiếu sáng và 56 cây đèn tạo thành hình ngôi sao 5 cánh tượng trưng ngôi sao trên lá cờ Tổ quốc. 56 cây đèn tượng trưng cho 56 ngày đêm bão lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tượng trưng cho ý chí, lý tưởng chiến đấu của các chiến sĩ vì độc lập tự do của Tổ quốc. 56 cây đèn cũng tượng trưng cho những nén hương thắp lên tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh để làm nên chiến thắng.

Bước vào không gian linh thiêng nhất - Không gian tâm linh với điểm đến là Đền thờ chính. Kế thừa và phát triển từ kiến trúc truyền thống với bố cục chữ Đinh gồm: Đền thờ chính được thiết kế 2 tầng, 8 góc mái đao nhà Tiền tế và hai khối Tả vu, Hữu vu được bố trí hai bên sân đền… tất cả đều được làm bằng gỗ Lim, mái đền lợp ngói mũi hài. Trên bậc thềm của sân đền có bố trí trụ biểu, lư hương và 1 bình phong đá. Toàn bộ không gian tâm linh được giới hạn bởi một vành đồi hình oval, đỉnh đồi ở phía sau cao 2,5m. Đền thờ ở phía trước so với vành đồi và theo lý thuyết “tựa sơn” của những ngôi đền cổ ở Việt Nam. Vành đai bao bọc đó không chỉ gợi ý về đặc thù địa hình của lòng chảo Điện Biên Phủ mà cũng nhằm thể hiện những người đã hi sinh luôn luôn ở trong một tổng thể của một đất nước, dân tộc và sẽ không bao giờ bị lãng quên. Không gian bên trong Đền chính gồm 3 ban thờ chất liệu gỗ, đặt gian cuối Đền thờ: Bước cột chính giữa là Bàn thờ liệt sĩ; bước cột bên trái là Ban thờ sơn thần, thổ địa; bước cột bên phải là Ban thờ đồng bào tử nạn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Không gian thờ tự tại Đền thờ chính như chiếc cầu nối tâm linh giữa cuộc sống hiện tại của con người với cõi thiêng của đất trời, là nhịp cầu vô hình nối kết, giao hòa giữa hai cõi âm dương.

Điểm du lịch tâm linh ý nghĩa

Công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được thực hiện thi công trong khoảng thời gian 12 tháng, dưới điều kiện thi công phức tạp do địa hình đồi F khá cao, công tác vận chuyển vật tư, thiết bị máy móc khó khăn, đại dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Tuy nhiên, xác định đây là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên Phủ, các đơn vị tham gia thi công công trình đã và đang quyết tâm, triển khai các hạng mục hoàn thành và về đích đúng tiến độ đề ra, sẵn sàng cho lễ khánh thành vào ngày 16/5 tới.

Hiện nay, dù chưa bàn giao và đưa vào sử dụng nhưng với tình cảm của người dân với các anh hùng liệt sĩ Điện Biên Phủ, nhiều người đã lên thăm Đền thờ. Nhất là mới đây khi một loạt hình ảnh Đền thờ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Từ khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm ban ngày đến sự lung linh rực rỡ của Đền thờ khi về đêm khiến cho nhiều người mong ngóng ngày khánh thành để sớm được lên dâng hương, tham quan tại đây. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ đã tiếp đón nhiều đoàn khách tới dâng hương. Trong dòng người tìm về đó, có một bà cụ mái đầu đã bạc trắng, chân bước khó khăn, đang cố vịn vào người cháu gái để lên từng bậc thang. Đó là bà Vũ Thị Doan, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh lên Điện Biên thăm người thân trong dịp nghỉ lễ. Năm nay đã 84 tuổi, sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng khi nghe trên đỉnh đồi F có đền thờ các anh hùng liệt sĩ là bà nằng nặc đòi người cháu gái đưa đi. Thắp nén hương thơm, bà Doan xúc động: Ý nghĩa, thiêng liêng lắm cháu ạ! Anh trai ruột của bà cũng là chiến sĩ Điện Biên, từng chiến đấu và anh dũng hi sinh trên mảnh đất này. Biết bao lần gia đình muốn đi tìm hài cốt nhưng có lẽ thân xác của anh cùng bao người đồng đội đã hòa vào với đất… Bây giờ, ngôi đền thờ này được xây dựng để có nơi thờ phụng, để con cháu đời sau biết được công lao của những anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc!

Chỉ ít ngày nữa, công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ sẽ hoàn thành. Xét về tổng quan, công trình ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đến Điện Biên. Việc đầu tư xây dựng công trình còn từng bước góp phần thực hiện Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đã được phê duyệt. Không chỉ vậy, ngôi Đền thờ được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của những thế hệ hôm nay và mai sau còn trở thành điểm văn hóa tâm linh ý nghĩa, thiêng liêng cho du khách thập phương khi về thăm mảnh đất Điện Biên.

(baodienbienphu.info.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất