Thứ Bảy, 23/11/2024
“Huyền thoại mẹ” làng Linh An…
 

Khu lăng mộ họ tộc Lê Công của chồng mẹ Hẹ


“Đại gia đình cách mạng đặc biệt”

Giữa những ngày cả nước đang kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chúng tôi về làng quê Linh An tìm nhà Bà mẹ VNAH Lê Thị Hẹ. Căn nhà xiêu vẹo mưa nắng nằm quay mặt ra cánh đồng làng nay đã được thay thế bằng căn nhà xây khang trang hơn. Khi chúng tôi đến, 2 người cháu nội của mẹ Hẹ là chị Lê Thị Đẳng và chị Lê Thị Thiểu đang gấp rút quét sơn lại bức bình phong trước nhà. Chị Đẳng cho biết, đại gia đình của chị có đến 7 Bà mẹ VNAH và 17 liệt sĩ là con, cháu, dâu, rể bên nhà chồng và cả bên nhà mẹ Hẹ trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Lần tay lên bức bình phong - nơi đặt tấm bia ghi danh những người thân trong đại gia đình là Bà mẹ VNAH và các liệt sĩ - cả chị Đẳng và chị Thiểu đều vô cùng xúc động. Trong đại gia đình của các chị có đến 5 Bà mẹ VNAH hai thế hệ và 11 liệt sĩ gồm: Bà mẹ VNAH Lê Thị Hẹ và các con dâu, con gái, con rể, cháu nội, cháu ngoại, cháu nội dâu gồm: Bà mẹ VNAH Lê Thị Xá (con dâu); Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Con (con dâu); Bà mẹ VNAH - liệt sĩ Nguyễn Thị Xân (con dâu); Bà mẹ VNAH - liệt sĩ Lê Thị Con (con gái); liệt sĩ Lê Công Lạp (con trai); liệt sĩ Lê Đình Trầm (con rể); liệt sĩ Lê Công Đổng (cháu nội); liệt sĩ Lê Công Hùng (Diệm, cháu nội); liệt sĩ Lê Công Lạc (cháu nội); liệt sĩ Lê Công Điến (Điện, cháu nội); liệt sĩ Trần Thị Dẫn (cháu nội dâu); liệt sĩ Lê Đình Thiêm (cháu ngoại); liệt sĩ Lê Phổ (cháu ngoại). Trong số 11 liệt sĩ  trong gia đình thì có đến 5 liệt sĩ đã từng tham gia và phục vụ trong quân đội.

Một người con khác của mẹ Hẹ là ông Lê Công Biên, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, là thương binh trong kháng chiến chống Pháp và bị địch bắt tù đày nhiều lần và 2 lần bị kết án tử hình trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Biên mất vào năm 2003. Ngoài bên nhà chồng, bên nhà mẹ ruột, Bà mẹ VNAH Lê Thị Hẹ còn có em dâu là Nguyễn Thị Cương và cháu dâu là Nguyễn Thị Ném là Bà mẹ VNAH và 6 người cháu gọi bằng cô ruột, gọi bằng bà là liệt sĩ. Như vậy, tổng cộng cả 2 bên gia đình chồng và bên gia đình cha mẹ đẻ thì đại gia đình Mẹ Lê Thị Hẹ có đến 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ. Chị Đẳng và chị Thiểu đều là cán bộ hiện đã nghỉ hưu và thường xuyên về chăm nom, nhang khói cho người thân tại căn nhà của bà nội. Chị Đẳng tâm sự: “Mấy năm gần đây, khi chị em chúng tôi đã nghỉ hưu thì mới có nhiều thời gian về chăm sóc, nhang khói cho bà nội, bố mẹ, các bác, chú, thím, anh em. Mỗi lần nhắc đến truyền thống cũng như sự mất mát quá lớn của gia đình, mấy chị em không thể cầm được nước mắt. Quá khứ đau thương, hào hùng nhưng đó cũng chính là niềm tự hào lớn mà những người con, người cháu như chúng tôi luôn ghi tạc trong lòng để phấn đấu vươn lên”. Những câu chuyện chiến đấu bi hùng, anh dũng hi sinh mà những người thân trong đại gia đình chị Đẳng, chị Thiểu đã cống hiến cho cách mạng chẳng thể nào diễn tả hết trong câu chuyện ngắn ngủi…

Về người mẹ ruột anh hùng Nguyễn Thị Xân của mình, chị Thiểu ngắn gọn thế này: “Ngay từ khi tôi mười mấy tuổi đã chứng kiến mẹ hoạt động cách mạng, bị địch truy lùng rất gắt gao. Có mấy lần mẹ tôi bị lính Mỹ - Ngụy phát hiện trên vùng rú cát, truy đuổi rất ác liệt nhưng mẹ đều thoát được. Có lần mẹ tôi bị bắt, đưa lên lao xá Quảng Trị, mẹ nhanh trí khai tên giả rồi xin đi ra ngoài vệ sinh sau đó trốn thoát. Lần cuối cùng, khi hầm trú ẩn bị phát hiện, mẹ trốn vào khu rừng trên rú cát. Địch không tìm ra được bèn huy động gánh rơm rạ lên chất vây quanh khu rừng đốt mới bắt được mẹ tôi. Sau nhiều lần tra tấn dã man, mẹ tôi nhất quyết không khai đồng chí, đồng đội nên bọn chúng giết, đốt xác mẹ đưa lên giấu trên rú cát, gia đình tìm mãi mới đưa được xác về chôn cất”.

Chị Đẳng, chị Thiểu cũng có người anh ruột Lê Công Điến (Điện) là bộ đội đặc công, cũng chiến đấu và hi sinh vô cùng oanh liệt. “Khi bị địch phát hiện, chúng ráo riết truy đuổi dồn anh Điến ra tận cánh đồng làng. Lúc ấy nhiều đồng đội đã hi sinh, chỉ còn anh sống sót, chân anh bị thương, anh cũng chỉ còn đúng 1 quả lựu đạn, súng còn vài viên đạn nữa. Khi tốp lính lần theo vết máu mà anh trườn theo vệt cỏ để lại tiếp cận gần chỗ anh ẩn nấp, anh mở chốt ném lựu đạn về phía tốp lính nhưng đạn không nổ. Biết trước sau gì cũng hi sinh, anh đứng lên hô khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” rồi bắn vào bọn chúng. Nhưng một mình bị thương, quân địch quá đông nên cuối cùng chúng đã giết được anh ấy. Sự hi sinh oanh liệt của anh Điến đến nay dân làng vẫn còn kể mãi…”, trong niềm xúc động, hai chị kể.              

Cảm kích những tấm lòng

Ngôi nhà của Bà mẹ VNAH Lê Thị Hẹ vừa được xây dựng lại khá khang trang từ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm trở thành nơi thờ phụng tổ tiên và những người quá cố của gia đình. Có một điều đặc biệt là cùng với bàn thờ truyền thống, những bảng vàng ghi công vì nước được treo trang trọng trong nhà, thì tấm bình phong trước sân nhà là một tấm bia tưởng niệm ghi danh 7 bà mẹ VNAH  và 17 liệt sĩ của gia đình mẹ VNAH Lê Thị Hẹ. Chị Đẳng cho biết, trước kia ngôi nhà thờ cúng chung các Bà mẹ VNAH và các liệt sĩ do bố chị là ông Lê Công Biên - con trai của mẹ Hẹ - đảm nhiệm. Năm 2003, ông Biên qua đời, nên mấy anh chị em chị Đẳng đứng ra thờ cúng, hương khói. Năm 2012, ngôi nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng, lo lắng nhà có nguy cơ đổ sập vì đã sử dụng 36 năm, nên ông Lê Công Bằng và bà Lê Thị Thiểu đại diện gia đình làm đơn xin hỗ trợ kinh phí tu sửa ngôi nhà để tiện việc thờ phụng. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Sở LĐ-TB-XH tỉnh xác định rằng không thể hỗ trợ kinh phí để làm nhà thờ cúng liệt sĩ và Mẹ VNAH được.

 
Chị Đẳng, chị Thiểu sơn phết lại tấm bình phong nơi ghi danh “đại gia đình anh hùng” của mình        

Không nhận được sự hỗ trợ, ông Bằng và bà Thiểu cùng các anh em trong gia đình quyên góp, vay mượn để xây dựng lại nhà thờ cúng. Tuy nhiên, kinh phí có hạn nên ngôi nhà thờ cúng các Bà mẹ VNAH và các liệt sĩ chỉ được xây dựng tạm bằng tường gạch, xà tre và mái tôn phi bờ-rô xi măng. “Trong đợt mưa bão lớn năm 2016, sau khi hết bão tôi về thăm thì thấy căn nhà hư hỏng nặng, mái tôn tốc vỡ vụn, các xà nhà bị sập… Nhìn căn nhà thờ cúng của đại gia đình mình mà mấy chị em tôi xót xa vô cùng. Cuộc sống mấy chị em cũng không khấm khá gì nên không thể gắng gượng được. Buồn và xót xa quá nên tôi có chụp mấy bức ảnh đưa lên mạng xã hội cho khuây khỏa. Nhưng sau đó một số anh em, bạn bè bất ngờ biết được hoàn cảnh quá đặc biệt của gia đình nên kêu gọi hỗ trợ…”, chị Đẳng nói.                       

Sau đó, qua sự kết nối của nhiều người bạn thì có ông Lữ Ngọc Cư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, ông Lê Nguyễn và ông Nguyễn Sỹ Khoa hoạt động doanh nghiệp ở Đà Nẵng dù chưa quen biết nhưng đã đứng ra vận động hỗ trợ giúp gia đình mẹ Hẹ xây dựng nhà tưởng niệm với số tiền 150 triệu đồng. Cùng với số tiền này, sau đó tỉnh Quảng Trị cũng đã hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để cùng xây dựng nhà tưởng niệm cho mẹ Hẹ. “Có được 200 triệu đồng, mấy anh chị em của chúng tôi cũng ít nhiều phụ thêm tiền, tự bỏ công sức ra để xây dựng căn nhà, làm tường rào và cải tạo lại vườn tược khang trang hơn để thờ cúng được đàng hoàng, ấm cúng. Đến nay chúng tôi cũng cảm thấy mãn nguyện, ấm lòng lắm rồi. Đặc biệt là chúng tôi luôn khắc nhớ tấm lòng của bác Cư, anh Lê Nguyễn, anh Khoa”, chị Đẳng tâm sự.  

Theo chị Đẳng, người anh liệt sĩ Lê Công Hùng (Diệm) của chị hi sinh năm 1962 tại chiến trường Quân khu V đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. “Tôi đã có 2 lần vào Quảng Nam- Đà Nẵng để tìm anh nhưng vẫn chưa tìm thấy. Mới đây tôi có nghe thông tin là hiện thời mộ của anh tôi đang được an táng ở NTLS xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Sắp tới tôi sẽ vào tìm. Có điều mà tôi luôn cảm thấy cảm kích hơn nữa là những lần tôi vào tìm kiếm anh tôi thì anh Nguyễn Sỹ Khoa luôn giúp đỡ, lo mọi khoản kinh phí đi lại, ăn ở…”, chị Đẳng nói thêm. Hay như mới đây, lúc làm lăng mộ cho gia đình chị, anh Nguyễn Văn Nhân, chủ cơ sở đá hoa cương ở thị trấn Cửa Việt sau khi biết gia đình chị có nhiều Bà mẹ VNAH và liệt sĩ đến vậy cũng gọi điện vào bảo là chỉ lấy tiền đá, công thợ còn bao nhiêu sẽ hỗ trợ giúp gia đình. “Anh Nhân làm đá trọn gói 48 triệu đồng nhưng sau này tính công chỉ lấy có 34 triệu đồng. Thật sự mấy chị em tôi không biết làm sao để cảm ơn hết những tấm lòng đã thầm lặng giúp đỡ gia đình mình”, chị Thiểu góp chuyện.                                                 

Đồng chí Trần Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho biết, sự hi sinh của đại gia đình mẹ Hẹ là quá lớn lao, xứng đáng là những tấm gương sáng để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. “Chúng tôi mong muốn rằng, Nhà tưởng niệm Bà mẹ VNAH Lê Thị Hẹ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để làm sao để nơi này trở thành một địa chỉ đỏ, xứng đáng nơi tìm về của cán bộ, nhân dân, thế hệ trẻ để tỏ lòng tri ân với những đóng góp lớn lao mà gia đình mẹ đã cống hiến cho tổ quốc”, ông Hoài cho biết. Đất nước Việt Nam anh hùng có hàng triệu người mẹ, người phụ nữ anh hùng, bất khuất sinh trưởng nên những người con anh hùng. Mẹ Lê Thị Hẹ cũng là một trong những người mẹ như thế. Sự hy sinh của đại gia đình mẹ hơn cả một khúc tráng ca vì độc lập, như là một “huyền thoại mẹ” sống mãi nơi làng quê Linh An bình dị...

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT

Gửi cho bạn bè

Các tin khác