|
Mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1)
hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
|
Phát huy các nguồn lực trong nhân dân
Trong thời gian qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố, nhất là các nội dung về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trên thực tế, đổi mới công tác dân vận để tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị không phải là vấn đề mới. Nội dung này đã được Thành ủy và cấp ủy các cấp quán triệt, triển khai thực hiện xuyên suốt, kiên trì, do đó hệ thống dân vận của Thành phố đã bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định, làm được nhiều việc có hiệu quả, có nhiều đổi mới và kết quả nổi bật.
Trong đó có việc làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu Thành ủy, cấp ủy các cấp lãnh đạo hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác vận động nhân dân; thực hiện sáng tạo, hiệu quả nhiều chủ trương chính sách, phát huy các nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng yếu năm 2022 của Thành phố dự kiến cơ bản đạt và vượt, nhất là tốc độ phục hồi phát triển kinh tế, thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, tham mưu cấp ủy chỉ đạo tăng cường, tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, tập trung chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân; xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác dân vận luôn được Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Qua đó nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cùng với đó là việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được duy trì, phát triển và đi vào chiều sâu. Số lượng, chất lượng điển hình “Dân vận khéo” ở các cấp không ngừng tăng lên. Các mô hình, cách làm hay của phong trào được nhân rộng và có sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội.
Trong lúc Thành phố Hồ Chí Minh căng mình phòng chống đại dịch COVID-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị các cấp của Thành phố, nhất là Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố đã vào cuộc quyết liệt, chủ động tham mưu, triển khai công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thành phố thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, giãn cách xã hội. Công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân và lực lượng tuyến đầu cũng được phối hợp thực hiện tốt với quan điểm “lấy sức dân, chăm lo cho dân”. Đặc biệt, Ban Dân vận Thành ủy đã kịp thời tham mưu Thành ủy chủ trương vận động tu sĩ, đồng bào có đạo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị các ca nhiễm để giải quyết khó khăn về nhân lực và giảm tải áp lực cho lực lượng tuyến đầu. Hoạt động này vừa mang ý nghĩa xã hội, vừa có tính lan tỏa rất lớn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thành phố chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, như việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách còn chậm, chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Một số bức xúc, kiến nghị của nhân dân chưa được các cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết đến nơi, đến chốn. Công tác dân vận của chính quyền còn hạn chế, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp… Đáng lưu ý, trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, nhiều hạn chế, khuyết điểm của hệ thống chính trị đã bộc lộ, nhất là khả năng dự báo, xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, phức tạp của một bộ phận cán bộ, công chức. Điều này đã được đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ 9: “Trong đại dịch, chúng ta càng thấy rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp của từng đồng chí cán bộ từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rõ những hạn chế, yếu kém của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống mà bình thường không thể thấy hết để chấn chỉnh khắc phục có hiệu quả”.
|
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hiện đại
|
Hướng đến giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân
Những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận đã được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm túc nhìn nhận và chỉ đạo quyết liệt khắc phục, nhằm đảm bảo công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố luôn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và thực hiện có hiệu quả trong từng thời điểm, mỗi giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, để công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới và góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, muốn vậy các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Thành phố cần quan tâm thực hiện một số nội dung trọng tâm:
Cấp ủy các cấp thường xuyên quán triệt, phổ biến các văn bản của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp khi triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân phải hướng đến giải quyết nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tạo đồng thuận của nhân dân, phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; loại bỏ các yếu tố tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, cục bộ, ngại khó, ngại làm, thiếu trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ không dài, những mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đề ra rất nhiều, trong đó có 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu, đặc biệt là 4 chương trình phát triển với 51 đề án thành phần. Khối lượng công việc và sự kỳ vọng của Trung ương, của cán bộ, đảng viên, người dân Thành phố rất lớn, do đó việc đưa nghị quyết vào cuộc sống đòi hỏi phải có nhiều giải pháp hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân Thành phố. Trong đó, việc đổi mới công tác dân vận để tăng cường đoàn kết, dân chủ, đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ là một trong những giải pháp trọng tâm.
Trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá trong thực hiện; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc. Quan tâm bảo vệ cán bộ, đảng viên dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động. Đồng thời, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa công tác cải cách hành chính. Cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu phải thường xuyên tiếp dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân và đối thoại với nhân dân; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Quan tâm lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp theo quy định pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực đồng hành, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân Thành phố tích cực tham gia xây dựng và phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh để các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu, lan tỏa và trở thành đặc trưng của người dân thành phố mang tên Bác, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững.
Đồng thời, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, động viên kiều bào hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình nhân dân và chú trọng tính bền vững, thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa, được sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực./.
NGUYỄN VĂN HIẾU
Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh