Thứ Hai, 23/12/2024
Sự đồng thuận của nhân dân là thước đo hiệu quả công tác dân vận trong tình hình hiện nay
 
 Vườn hoa ven sông Hàm Luông (Phú Sơn, Chợ Lách, Bến Tre)

1. Năm nay, kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022) và 23 năm Ngày Dân vận của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2022) trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đang tập trung mọi nỗ lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau 02 năm tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết, kế hoạch năm 2022 đã đề ra. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế và kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục, một số lĩnh vực đang phát triển tốt, đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Kết quả đó là công sức chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, mà một trong những yếu tố quan trọng chính là sự đồng thuận của nhân dân đã góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác dân vận. 

Trải qua chặng đường lịch sử 92 năm, những thế hệ cán bộ dân vận của Đảng với nhiều gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào, công tác dân vận của Đảng nói chung và những cán bộ làm công tác dân vận cả nước qua các thời kỳ đã có những đóng góp quan trọng trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào những thành tựu chung của đất nước, của quê hương. Trong mỗi thời kỳ, chặng đường, giai đoạn của cách mạng, công tác dân vận đều để lại những dấu ấn đi vào lịch sử và những bài học có giá trị thực tiễn sâu sắc. Bài học lịch sử về hoạt động của Đảng ta cho thấy, mỗi khi gặp khó khăn, thử thách, thậm chí trong những tình thế rất hiểm nghèo, nhưng với đường lối đúng, biết làm tốt công tác dân vận, động viên được lòng yêu nước của toàn dân, phát huy được mọi nguồn lực, trí tuệ, sáng tạo của nhân dân, thì chúng ta đều vượt qua được khó khăn thử thách và giành được thắng lợi.

Cùng với cả nước, ở Bến Tre, sự ra đời của công tác dân vận tỉnh là một tất yếu để dẫn đến phong trào hành động cách mạng diễn ra sôi nổi, rầm rộ và liên tục, được đông đảo nhân dân tự giác tham gia, đánh dấu mốc quan trọng về công tác vận động quần chúng trong suốt thời kỳ cách mạng. Trải qua 02 cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt, các thế hệ cán bộ dân vận tỉnh đã gắn bó mật thiết với nhân dân, tuyên truyền, tổ chức vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào hành động cách mạng. Đặc biệt, phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre thật sự là nơi hội tụ “Ý Đảng - Lòng dân”, thể hiện sức mạnh to lớn của nhân dân trong tỉnh.

Suốt 92 năm qua, đội ngũ những người làm công tác dân vận tỉnh đã kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre vượt qua  khó khăn, bắt tay vào xây dựng lại quê hương với tinh thần thi đua “Đồng Khởi mới”. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy, vai trò tham mưu của ban dân vận các cấp, nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động mang tính quần chúng sâu sắc đã được triển khai một cách sâu rộng, liên tục và đạt hiệu quả, như phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền… góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh, tạo cho Bến Tre một diện mạo mới, nhiều khởi sắc.

2. Năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình công tác dân vận với chủ đề: “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân”. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh (do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập) chủ động triển khai công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với từng công trình, dự án, với quan điểm “Công tác dân vận phải đi trước một bước”; chủ trì xây dựng Sáng kiến cấp tỉnh “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án của tỉnh” (được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre công nhận tại Quyết định số 1821, ngày 18/8/2022) và đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Hướng dẫn quy trình công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho các ngành, các huyện trong tỉnh vận dụng thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Trong triển khai phong trào thi đua “Đồng khởi mới” theo Chỉ thị số 01, ngày 17/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, Ban Dân vận Tỉnh ủy và ban dân vận các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, chọn điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, hưởng ứng thực hiện chủ trương xây dựng các công trình, dự án và tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Kết quả, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chọn 13 tập thể, 09 cá nhân điển hình tiêu biểu để làm cơ sở cho việc thực hiện theo phương thức thi đua: “Học tập điển hình”, “Bắt kịp điển hình” và “Vượt qua điển hình” và sẽ tổ chức họp mặt, giao lưu với các điển hình nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng; đối với ban dân vận các huyện, thành phố cũng đã xây dựng, chọn những điển hình tập thể, cá nhân như cách làm của tỉnh, cho thấy sự đồng bộ, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, để phát triển phong trào theo hướng thực chất, năm nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Bộ thủ tục hành chính về xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” (gồm 04 quy trình, 05 biểu mẫu theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ từ việc đăng ký, xét, công nhận các mô hình “dân vận khéo” các cấp). Đây cũng là sự cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng theo Kế hoạch số 92-KH/TU. Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy và ban dân vận các huyện, thành phố, một mặt tiếp tục duy trì, củng cố nâng chất, phát triển bền vững những mô hình “Dân vận khéo” đã được công nhận các năm trước; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Mặt khác, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhân rộng những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, có sức lan tỏa và tác động tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là giải pháp để bồi dưỡng và phát triển phong trào thi đua một cách bền vững, thực chất.

3. Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng, tạo sự đồng thuận của nhân dân, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống; cụ thể việc thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 với chủ đề “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”; nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác dân vận trong thời gian tới là phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm lan tỏa và phát huy cao độ sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”. Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các tổ chức trong hệ thống chính trị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, phải tiếp tục đổi mới và làm thật tốt công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò của công tác dân vận. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Nghị quyết 25- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị... Mỗi cơ quan, đơn vị, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà xác định nội dung công tác dân vận cho phù hợp, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu trước nhân dân và có trách nhiệm làm tốt công tác dân vận theo phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Thứ hai, Ban Dân vận các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo công tác dân vận, đưa nội dung công tác dân vận vào nghị quyết, chương trình của cấp ủy hằng năm; phối hợp với chính quyền đẩy mạnh việc thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, tổ chức có hiệu quả việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời giải quyết những yêu cầu, bức xúc và kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, sinh hoạt chi đoàn, chi hội phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm tình hình cụ thể của từng đối tượng cụ thể, trên từng địa bàn, từng thời điểm thích hợp. Phát huy hiệu quả việc công tác giám sát, phản biện xã hội, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời phản ánh và tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp giải quyết những vấn đề bức xúc và công việc liên quan đến đời sống nhân dân. Tích cực tham gia và đóng góp một cách hiệu quả vào phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong nhiệm kỳ mới.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống dân vận có đủ phẩm chất, có kỹ năng và nhiệt tình với công tác dân vận, được nhân dân tín nhiệm, từng bước xây dựng hình ảnh người cán bộ dân vận theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt phương châm “ở đâu có dân, ở đó phải làm công tác dân vận”, chú trọng việc chọn những vấn đề khó, nhất là vận động dân đồng thuận thực hiện các công trình, dự án; đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở các cấp./.

Bùi Văn Bia

UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác