Thứ Hai, 27/1/2025
Hội thi “Dân vận khéo” tỉnh Sơn La lần thứ III, năm 2022

Dự khai mạc có các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức Hội thi; Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức hội thi; Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang tỉnh; Thường trực các huyện ủy, thành ủy.

Phát biểu khai mạc hội thi, đồng chí Lò Minh Hùng, nhấn mạnh: Hội thi là hoạt động chính trị thiết thực trong công tác dân vận của Đảng bộ, nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, sinh động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận; cổ vũ, khuyến khích, động viên, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”; là dịp để giao lưu học hỏi, nâng cao năng lực, khuyến khích tinh thần nhiệt tình và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Đồng chí đề nghị Ban tổ chức, các thí sinh thực hiện nghiêm túc nội quy hội thi; nắm rõ mục đích, yêu cầu, xác định rõ trách nhiệm, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm thể hiện thật tốt các phần thi của mình, góp phần tích cực vào thành công của Hội thi.

 
Màn chào hỏi của đội thi thuộc Đảng bộ huyện Yên Châu. 

Hội thi “Dân vận khéo” tỉnh Sơn La lần thứ III, năm 2022 có sự tham gia của 17 đội thi, 85 thí sinh đến từ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Các đội thực hiện 3 phần thi, gồm: Chào hỏi, kiến thức, xử lý tình huống.

Ở phần thi chào hỏi, các đội sẽ giới thiệu khái quát về đơn vị, kết quả thực hiện công tác dân vận, nhận thức mục đích, ý nghĩa của hội thi theo hình thức sân khấu hóa. Phần thi kiến thức sẽ bốc thăm trả lời các câu hỏi về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong đó có công tác dân tộc, tôn giáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận của chính quyền. Phần thi xử lý tình huống được thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm và trả lời câu hỏi tình huống, như: Việc xử lý các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, khiếu kiện tập thể, phòng chống tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, nhiệm vụ công xây dựng nông thôn mới, chia sẻ những cách làm hay trong công tác vận động quần chúng…

Ngay sau phần khai mạc, 17 đội thi đến từ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã bước vào phần thi chào hỏi. Các đội dự thi đã giới thiệu khái quát về đơn vị, thành viên trong đội. Kết quả thực hiện công tác dân vận của đơn vị; mục đích, ý nghĩa và tinh thần tham gia Hội thi theo hình thức sân khấu hóa. Các đội thi đã triển khai hiệu quả và sinh động các nội dung trình bày, huy động tất cả các thành viên trong đội tham gia.

Một trong những đội thi được đánh giá thể hiện ấn tượng trong màn chào hỏi là đội thi đến từ Đảng bộ huyện Mộc Châu. Đội đã khéo léo lồng ghép để chuyển tải đến khán giả những kết quả nổi bật trong công tác dân vận của toàn Đảng bộ huyện với nhiều mô hình điển hình “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, huyện Mộc Châu đã xây dựng được trên 300 nhà đại đoàn kết, 200 km đường điện chiếu sáng, hơn 160km đường giao thông nông thôn, vận động gần 25 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo và phòng, chống Covid-19...

Màn chào hỏi, đội thi đến từ Đảng bộ Quân sự tỉnh giới thiệu được những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, tập trung vào các nhiệm vụ: “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Tham gia xây dựng chính trị cơ sở”; “Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo”; “Quân đội chung sức, đồng lòng phòng chống dịch bệnh Covid-19”...  Thực hiện mô hình dân vận khéo, mỗi cán bộ, chiến sỹ là 1 tuyên truyền viên trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Thực hiện phương châm gần dân, sát cơ sở, các cán bộ đã thường xuyên bám nắm địa bàn, thực hiện “3 cùng” với cán bộ, nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo, thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Theo quy định, màn chào hỏi của mỗi đội được thể hiện trong 5 phút, với sự chuẩn bị chu đáo, sáng tạo, khéo léo lồng ghép các bài hát, thơ, hò, vè… các đội thi đến từ Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Đảng bộ các huyện Mường La, Thuận Châu, Phù Yên... đã thể hiện nổi bật vai trò cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trong công tác dân vận cũng như ở địa phương, đơn vị mình. Với phong cách thể hiện tự nhiên, các đội thi đem đến cho khán giả những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu và lan tỏa nhiều thành tích trong công tác dân vận của địa phương đạt được thời gian qua.

Sau phần thi giới thiệu đã diễn ra phần thi kiến thức và xử lý tình huống.

Phần thi kiến thức được thi dưới dạng trắc nghiệm với 5 lượt thi, mỗi lượt thi gồm 4 đội tham gia. Nội dung gồm các gói câu hỏi liên quan đến các chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, trong đó có dân tộc, tôn giáo, quy chế dân chủ ở cơ sở, dân vận của chính quyền; nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các chủ trương lớn triển khai tại địa phương, đơn vị... Sau khi bốc thăm gói câu hỏi, các đội cùng trả lời bằng cách chọn đáp án trên máy tính.

 
Các đội thi tham gia phần thi kiến thức. 

Phần xử lý tình huống gồm 2 nội dung thi: Tiểu phẩm và trả lời câu hỏi tình huống. Lần lượt từng đội thực hiện phần thi của mình theo số thứ tự đã bốc thăm. Nội dung tiểu phẩm tái hiện lại tình huống dân vận cụ thể trong cuộc sống đã được giải quyết, xử lý thành công tại cơ sở, địa phương, cơ quan, đơn vị có hiệu quả. Sau khi thể hiện xong tiểu phẩm, các đội bốc thăm giám khảo đặt câu hỏi tình huống trong tiểu phẩm vừa thể hiện, để đánh giá sát hơn kỹ năng xử lý tình huống của các đội thi.

Với kiến thức trong công tác dân vận, các thí sinh đã trình bày mạch lạc, rõ ràng, lôgic, truyền cảm, có liên hệ thực tiễn sâu sắc ở cơ sở, tạo được sự sinh động, sức thuyết phục cao ở các phần thi. Đặc biệt, tình huống xây dựng trong tiểu phẩm được các đội thi dàn dựng thông qua hình thức sân khấu hóa mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc với sự đầu tư công phu, chu đáo về nội dung và đạo cụ.

Lôi cuốn, hấp dẫn là phần thi tiểu phẩm “Ươm mầm bảo vệ biên cương” của đội thi thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Tiểu phẩm đã mang đến những thông tin kịp thời về tình hình tội phạm mua bán người, chiêu trò dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của kẻ xấu để người dân biên giới cảnh giác và không nghe theo. Thông qua tiểu phẩm, các thành viên trong đội thi cũng đã giới thiệu những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu như: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Tự chủ, tự quản đường biên cột mốc”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Bữa sáng cho em”.... Thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” với đồng bào các xã biên giới, những người lính biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, không di cư tự do, buôn bán ma túy, nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.

Bên cạnh đó, còn có nhiều tiểu phẩm ấn tượng, như: “Con đường vào bản” của đội thi huyện Quỳnh Nhai; “Khi lòng dân đồng thuận” của đội thi huyện Mai Sơn; “Một mét vuông” của đội thi huyện Thuận Châu... Cùng với  đó là các tình huống xây dựng trong tiểu phẩm là những sự việc xảy ra thực tế tại địa phương, được các đội thi dàn dựng thông qua hình thức sân khấu hóa mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Các tiểu phẩm thể hiện được sự khéo léo trong công tác vận động, thuyết phục người dân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trước khi diễn ra hội thi, các đại biểu đã thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Tây Bắc.

(baosonla.org.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác