|
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thăm hỏi, động viên đồng bào vùng lũ huyện Cẩm Xuyên
|
Quán triệt quan điểm đó và kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết của quê hương cách mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng bộ, là nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo“ trên các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2022, mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng Hà Tĩnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế phục hồi và tiếp tục tăng trưởng; thu ngân sách đạt cao nhất từ trước đến nay, toàn tỉnh thu 18.100 tỷ đồng; các dự án trọng điểm như Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án sản xuất Pin được đẩy nhanh tiến độ. Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm. Dân chủ và thực hành dân chủ được phát huy mở rộng; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân được tăng cường; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố.
Những kết quả trên có vai trò đóng góp rất quan trọng của công tác dân vận hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh. Ban Dân vận cấp ủy đã làm tốt vai trò tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận; làm tốt vai trò trung gian, khâu nối giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về công tác dân vận đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện tốt các Chương trình ký kết giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ chế, chính sách trước khi ban hành đều được tham vấn, lấy ý kiến của Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, do vậy cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Đặc biệt, các cơ quan chính quyền đã quan tâm làm tốt công tác cải cách hành chính, tiếp dân, đối thoại, giải quyết các vụ việc tồn đọng và đơn thư phản ánh của các tổ chức và cá nhân; sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân về chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên. Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 8 cả nước; chỉ số đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân xếp thứ 5 cả nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp với từng thời điểm, từng nhiệm vụ cụ thể; thực hiện tốt vai trò tham mưu nòng cốt cho tỉnh trong công tác vận động nhân dân, góp phần quan trọng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh trong công tác dân vận đã góp phần quan trọng phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Trong đó, rõ nét nhất là trên các lĩnh vực công tác sau:
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh xây dựng nông thôn mới với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia; huy động các nguồn xã hội đóng góp được hơn 20.130 tỷ đồng tiền mặt và hàng vạn ngày công; có gần 1.200 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau hơn 10 năm, diện mạo nông thôn Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến rõ nét. Toàn tỉnh có 70% (09/13) huyện, thành phố, thị xã; trên 98% (178/182) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 27% (50/182) xã đạt chuẩn nâng cao; gần 4% (07/182) xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Tỉnh đang tập trung cao thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới.
Trong khắc phục thiên tai, dịch bệnh, Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên phải đối diện với thiên tai khắc nghiệt do mưa lũ gây nên, nhưng điều phấn khởi là trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được khơi dậy mạnh mẽ. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã chung tay quyên góp, hỗ trợ, tặng hàng vạn suất quà cho các đối tượng bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm 2021, 2022, toàn tỉnh đã huy động xây dựng được gần 4.000 nhà ở kiên cố, mỗi nhà từ 120 - 150 triệu đồng cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai; huy động hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình trường học, nhà nội trú giáo viên...
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trong đợt dịch COVID-19, tỉnh trực tiếp đưa 5.000 công dân là thai phụ, học sinh, lao động nghèo về quê tránh dịch; kêu gọi nhân dân đóng góp hơn 1.300 tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam. Hiện nay, theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.800 lao động trở về quê hương do ảnh hưởng dịch đang ở trên địa bàn. Tỉnh đang tuyên truyền, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để những người trong độ tuổi lao động ở lại làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong an sinh xã hội, Hà Tĩnh đã phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác an sinh xã hội. Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã huy động các nguồn xã hội hóa ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trên 25 tỷ đồng, nguồn an sinh xã hội vận động được gần 50 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 715 nhà, trị giá gần 260 tỷ đồng; tặng hơn 130.000 suất quà cho các gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 70,5 tỷ đồng; ủng hộ gần 23 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học đại học; đỡ đầu 3.500 trẻ mồ côi… Thông qua các hoạt động đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong xã hội.
Trong an ninh trật tự, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm ẩn; các thế lực thù địch, phần tử cực đoan không ngừng lợi dụng vấn đề tôn giáo, sự cố môi trường biển để xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài; đồng thời quan tâm làm tốt công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trong năm 2022, toàn tỉnh tổ chức 391 cuộc đối thoại, riêng Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức 3 cuộc đối thoại trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 20.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh.
Khi triển khai các công trình, dự án trọng điểm, tỉnh đã thực hiện tốt phương châm Dân vận, Mặt trận và đoàn thể đi trước, đến tận ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động. Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn dài trên 103 km, đến nay đã bàn giao mặt bằng đạt trên 81% kế hoạch, vượt tiến độ.
Đạt được những kết quả trên có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân quan trọng là Hà Tĩnh đã phát huy có hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Trong đó, có vai trò rất quan trọng của cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác dân vận. Vừa tham mưu kịp thời, vừa chỉ đạo, phối hợp tốt với các lực lượng để triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác dân vận tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc của tỉnh mà dư luận xã hội và nhân dân đang quan tâm.
Từ thực tiễn công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh gắn với phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, hệ thống chính trị các cấp phải thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chú trọng công tác đối thoại để nhân dân, đoàn viên, hội viên được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, hiến kế cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.
Thứ hai, cấp ủy phải luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của chính quyền các cấp, tiếp tục đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để củng cố lòng tin trong nhân dân. Gắn trách nhiệm thực hiện mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xử lý các tồn đọng, khó khăn ở các lĩnh vực, địa bàn đối với từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh, cấp huyện phụ trách.
Thứ ba, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp thực sự đoàn kết, gương mẫu để dẫn dắt phong trào; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có kỹ năng, tâm huyết. Duy trì tốt việc lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân nơi cư trú hằng năm đối với cán bộ để phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, xem đây là kênh quan trọng để đánh giá cán bộ. Phải luôn chú trọng xây dựng nhân tố điển hình, phát huy vai trò của hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sức lan tỏa những điều hay, việc tốt.
Thứ tư, chú trọng vai trò cốt cán tôn giáo để xây dựng hệ thống chính trị vùng giáo, tranh thủ tốt các linh mục, chức sắc tham gia các nhiệm vụ ở địa phương./.
Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh