Thứ Năm, 26/12/2024
Tăng cường công tác dân vận, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô

 Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến
thăm mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, có cả thời cơ và thách thức đan xen, công tác dân vận của Đảng phải không ngừng đổi mới theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Để thực hiện tốt các nội dung trên, cần phải tăng cường phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam ngày càng cường thịnh. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta.

Để thực hiện tốt công tác dân vận và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; sự đồng thuận của nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng cao, đạt được một số kết quả nổi bật, như: Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, giai đoạn 2011 - 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành đạt gần gấp 4 lần năm 2008, chiếm 65,4% quy mô GRDP vùng đồng bằng sông Hồng và 17,7% giá trị tổng sản phẩm bình quân cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106% dự toán và có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 12,2%/năm. Chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng từ mức 120,3 triệu đồng/người năm 2019 lên 128,2 triệu đồng/người năm 2021 (gấp 1,4 lần so với bình quân cả nước và 1,2 lần so với bình quân vùng). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội giảm còn 0,16%. Việc thực hiện dân chủ tại cơ sở ngày càng được quan tâm, các vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở. Thành ủy tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân; chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh tại cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng phát sinh thành “điểm nóng”. Công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong các vụ án hành chính được tăng cường. Số lượng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố đã giảm rõ rệt: Năm 2017, Thành phố đã tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, Thành phố tiếp nhận và xử lý 446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo và 1.748 đơn kiến nghị, phản ánh, nặc danh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nội dung hoạt động của Thành ủy chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng là địa bàn quan trọng để tổ chức các hoạt động; xây dựng các kế hoạch, phát động và triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đạt kết quả tích cực; có sự phối hợp, hiệp thương phân công giữa MTTQ, các tổ chức thành viên, không để chồng chéo, hình thức, mọi hoạt động đều hướng mạnh về cơ sở. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng sâu rộng. Trong những năm qua, nhân dân Thủ đô đã hiến hàng triệu mét vuông đất để mở đường giao thông liên thôn, liên xã, nâng cấp, cải tạo đường làng, ngõ xóm, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống thủy lợi nội đồng để đóng góp cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới... Đến nay, 15/18 huyện, thị xã, 100% các xã trên địa bàn Thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 05 xã nông thôn mới kiểu mẫu thuộc huyện Đan Phượng, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước.

Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, các hội đồng tư vấn, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo làm hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, làm cơ sở cho việc xây dựng nội dung, phương pháp vận động quần chúng; đồng thời, đề xuất với cấp ủy, chính quyền điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó, có nhiệm vụ là trung tâm quy tụ, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo, triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; có nhiều hoạt động phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các hoạt động của MTTQ, đoàn thể như: Hội nghị đại biểu nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, chung sức xây dựng nông thôn mới, vận động thực hiện cưới tiết kiệm, tang văn minh, hoạt động nhân đạo, từ thiện, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, chăm lo cho đoàn viên, hội viên được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả, mặc dù do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, song, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Trong những năm gần đây, toàn Thành phố đã tiếp nhận đăng ký, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền trên 303 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ vận động được, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.637 Nhà đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 10.476 người nghèo. Trong đó, cấp Thành phố đã trích Quỹ “Vì người nghèo” và phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với tổng số tiền trị giá 35,3 tỷ đồng. Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, tham gia ủng hộ Quỹ Cứu trợ vào từng thời điểm cụ thể, được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào rộng lớn và có hiệu quả thiết thực, trong những năm vừa qua đã vận động trên 132,5 tỷ đồng ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; vận động trên 236 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chuyển 203 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại quần đảo Trường Sa; trích gần 105,6 tỷ đồng từ Quỹ “Cứu trợ” Thành phố để hỗ trợ các tỉnh miền Trung, Tây Bắc khắc phục hậu quả bão lũ, gia đình các nạn nhân trên địa bàn bị tai nạn, bị thiệt mạng do hỏa hoạn.

Đặc biệt, trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cùng các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch, đã tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền và hàng hóa trị giá 1.352,8 tỷ đồng; tiếp nhận ủng hộ 14 tỷ đồng tiền mặt cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; chuyển hỗ trợ công tác phòng, chống dịch 427,2 tỷ đồng. Nhiều hoạt động sáng tạo do Mặt trận các cấp triển khai để hỗ trợ công tác phòng chống dịch đã huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhân dân đồng tình và đánh giá cao như: Mô hình “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”..., chương trình “Đoàn kết chống dịch” cung cấp số điện thoại đường dây nóng từ Thành phố đến cơ sở để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn; Chương trình hỗ trợ 158.709 người lao động, sinh viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không được nhận hỗ trợ của Nhà nước với tổng số tiền trị giá 79,35 tỷ đồng; Mô hình hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội gặp khó khăn do dịch COVID-19 hỗ trợ 714 người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội; vận động miễn, giảm tiền thuê nhà...

Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trọng tâm bàn việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là hoạt động thường niên được Thành phố triển khai gần 20 năm qua ở các khu dân cư và các xã, phường, thị trấn. Hội nghị đã trở thành nét đẹp, biểu thị cho tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng quê hương tại mỗi cộng đồng dân cư. Đến năm 2021, số hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa đạt 88%; số Làng văn hóa đạt 62%, số Tổ dân phố văn hóa đạt 72%; tỷ lệ hỏa táng đạt 68%.

 Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức hằng năm với nhiều đổi mới, sáng tạo, đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị trong các tầng lớp nhân dân. Đây là dịp tôn vinh các tập thể, cá nhân người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư. Năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ký và triển khai kế hoạch liên tịch giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Ngày hội cũng nhận được sự quan tâm, tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các địa phương, là nguồn cổ vũ, động viên cả về vật chất và tinh thần nhân dân ra sức phấn đấu xây dựng khu dân cư tốt đẹp hơn.

Trong những năm tới, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đổi mới nội dung, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, toàn Đảng bộ Thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, cùng Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, về “công tác dân tộc” và “công tác tôn giáo” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, đổi mới phương thức lãnh đạo để Đảng bộ và tổ chức đảng các cấp thực sự phát huy được vai trò là hạt nhân lãnh đạo của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"”.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc, gắn với giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Bốn là, phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Thành phố trong công tác tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nói riêng và Thành phố nói chung.

Năm là, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của Thành phố đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo. Các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo. Các cấp chính quyền quan tâm làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, bảo đảm các hoạt động của tôn giáo phải theo đúng quy định của pháp luật./.

Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác