Thứ Năm, 26/12/2024
Nghị quyết đúng - trúng lòng dân

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Toàn huyện Châu Đức có 15 dân tộc thiểu số, như: Ê Đê, Gia Lai, Thổ, M’Nông, Lào, Sán Dìu, Cao La, Châu Ro, Mường, Hoa, Khmer, Tày, Nùng, Thái… Do kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, nên kinh tế của đồng bào phát triển chậm. Đồng thời, có một số ít đồng bào dân tộc thiểu số không có đất và thiểu đất sản xuất, không có việc làm ổn định phải đi làm thuê nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hộ nghèo là đồng bào dân tộc có 119 hộ, chiếm 16,86% so với hộ nghèo trong toàn huyện.


Huyện nông thôn mới Châu Đức

Nhận thức rõ ý nghĩa tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), trên cơ sở kết quả đạt được từ những năm trước. Huyện Châu Đức xác định nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn, là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi của xây dựng nông thôn mới. Căn cứ kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 01/3/2022 Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn; Căn cứ Kế hoạch số 10/KH-SKHĐT ngày 21/02/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về kế hoạch khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Các Nghị quyết, chương trình của Đảng bộ huyện ban hành đúng lúc, kịp thời đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân. “Nghị quyết đúng, trúng lòng dân”. Người dân cũng đồng hành với hệ thống chính trị, với tinh thần: “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong xây dựng NTM và thực hiện chương trình xã hội hóa cầu, đường giao thông nông thôn cùng nhiều chương trình khác do địa phương phát động. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Đức đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát huy quyền làm chủ của người dân. Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng này vào thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, Đảng bộ huyện Châu Đức đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, tập hợp được giới trí thức, văn nghệ sỹ, nông dân, công nhân, dân tộc, tôn giáo. Công tác tiếp xúc và đối thoại với người dân của chính quyền ngày càng đi vào nề nếp.

Đời sống của người dân từng bước được nâng cao. “Đến nay, thu nhập bình quân đầu người các xã nông thôn mới đạt 70 triệu đồng/người/năm.“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lời căn dặn của Bác là bài học vô cùng quý giá cho Đảng ta. Thực hiện lời căn dặn này, Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Đức đã vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn triển khai chính sách, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết ngay trong nội bộ Đảng và phát huy sức mạnh của đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương” - Chủ tịch huyện Châu Đức, ông Nguyễn Tấn Bản chia sẻ.

Các công trình xây dựng mang tính trọng điểm như điện, đường, trường, trạm và các cơ sở vật chất  trên địa bàn được hoàn thành từ rất sớm. Điều quan trọng nhất là công trình giao thông được huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong việc hiến đất làm đường. Kết quả tất cả các tuyến đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; đường trục chính liên ấp được cứng hóa cấp đảm bảo ô tô, phương tiện xe cơ giới vận chuyển hàng hóa quanh năm, đặc biệt là phục vụ tốt cơ giới hóa trong nông nghiệp và được bảo trì, duy tu thường xuyên. Hệ thống điện được chú trọng cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, hoàn thành đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp, đảm bảo cho các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt thường xuyên và an toàn, điện phục vụ sản xuất. Về hệ thống điện thắp sáng đường giao thông, đến nay trên địa bàn 15 xã hơn 250 km đường giao thông có hệ thống điện chiếu sáng; Ngoài ra, có 249,1km đường được người dân đóng góp, lắp đèn chiếu sáng, góp phần thuận lợi trong việc lưu thông của người dân, giảm thiểu tai nạn giao thông vào ban đêm.

Ông Nguyễn Tấn Bản cho biết thêm, trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Đức luôn nhất quán, phát huy cao độ trí tuệ và sức mạnh nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà chính quyền đã đặt ra. Để người dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện các phong trào phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, cần phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền phù hợp, hiệu quả gắn với nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thực của người dân như: Chăm lo tốt an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần. Cụ thể, đến nay có 50/59 trường được đầu tư xây dựng đạt chuẩn và được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn 15 xã là 44/53 trường đạt 83,02%. Đối với các trường Trung học phổ thông do tỉnh quản lý có 3/5 trường đạt chuẩn quốc gia. Nhìn chung, cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống trường học từ cấp mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu cho công tác giảng dạy và học tập. Cơ sở vật chất văn hóa cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trang bị các phương tiện, vật chất tương đối hoàn chỉnh gồm: Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện,Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng các xã,... phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ và các hoạt động thể thao của nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Châu Đức, ông Hoàng Nguyên Dinh phấn khởi nói: “Sau chặng đường hơn 12 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Đức đã đạt được bước tiến dài, nhờ có sự đồng thuận đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện, quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức dẫn đến chuyển biến thành hành động. Cụ thể, toàn huyện có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã NTM nâng cao (Suối Nghệ, Bình Ba, Xà Bang và Cù Bị). Cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo trong huyện còn 689 hộ (giảm 17 hộ so với năm 2021), chiếm tỷ lệ 1,7%”.

Ghi nhận thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Đức, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, huyện Châu Đức chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 22-04-2022.

Quán triệt quan điểm “dân làm gốc” trong quá trình đổi mới

Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo 16 xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện mô hình “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, ông Nguyễn Tấn Bản: “Việc triển khai mô hình đã giúp giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc của người dân ngay tại cơ sở. Để gần dân, thực sự lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của dân như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu xã, thị trấn và lãnh đạo huyện đã xác định rõ thẩm quyền, chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, đặc biệt là các vấn đề nóng. Chỉ có sự lắng nghe, đi đến cùng vụ việc, mới tránh được tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo chạy lòng vòng, vượt cấp. Cùng với đó, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp được phát huy sẽ giúp tháo gỡ những lực cản lớn cho địa phương trong việc tạo ổn định, đồng thuận để phát triển kinh tế - xã hội”. Lắng nghe, tiếp thu và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, những vấn đề bức xúc trong dân của người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền. Góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân và phát huy vai trò của người dân trong xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền.

Tôi rất tâm đắc với việc người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền UBND huyện dành thời gian tổ chức các cuộc họp để tiếp dân, đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân. Tại các cuộc họp tôi tham dự, phần lớn các kiến nghị chính đáng của người dân đều được xử lý, tiếp thu, trả lời rõ ràng, xử lý nhanh, như: Đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về giảm nghèo của các hội viên nhằm nâng cao nhận thức giúp đỡ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Đề xuất này đã được thực hiện”, Bí thư chi bộ thôn Trung Thành, ông Nông Đình Cố, người dân tộc Tày, xã Quảng Thành chia sẻ.

Nói về những đóng góp của người dân từ các chương trình, phong trào phát động, thực hiện tốt chính sách theo phương châm: “Nhà nước giảm cho, tăng trách nhiệm của người dân”. Châu Đức đã vận động được trên 22 tỷ đồng từ các doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, từ “Nghị quyết đúng - trúng lòng dân”, phong trào vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện năm 2022, đã vận động được 3.448.718.031 đồng, đạt 265,286% kế hoạch. Hỗ trợ xây dựng 26 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 2.105.000.000 đồng, mỗi căn nhà là 80 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ 60 triệu, người dân đóng góp tối thiểu 20 triệu). Sửa chữa 31 căn, trị giá 654.460.000đồng. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ phát triển sản xuất với các mô hình như nuôi gà thả vườn, bò, dê sinh sản, trồng rau ăn lá, trồng cây ăn quả với định mức 20 triệu đồng, trong đó người dân phải có đối ứng đóng góp 10 triệu đồng.

Nhờ công tác dân vận tốt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện tốt hơn. Số hộ khó khăn về nhà ở, chưa có nhà vệ sinh, điện nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất… đã giảm đáng kể. Huyện tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực các chính sách hỗ trợ của Đề án phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022- 2025./.

Thúy Hạnh

Gửi cho bạn bè

Các tin khác