|
Hội thi "Dân vận khéo" Tỉnh Sơn La lần thứ III, năm 2022 |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt, học tập Nghị quyết và ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 01/8/2013 của Tỉnh ủy thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XI để thực hiện Nghị quyết. Từ tháng 6/2013 đến nay, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức 33 hội nghị quán triệt, triển khai và sơ kết, tổng kết văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác dân vận; quan tâm công tác biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết về công tác dân vận. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành 351 văn bản (trong đó: 09 nghị quyết, 15 chỉ thị, 20 quyết định, 01 đề án, 02 chương trình, 66 kế hoạch, 104 báo cáo, 60 thông báo, 40 kết luận, 01 hướng dẫn, 33 công văn) nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy đã cụ thể hóa và ban hành 6.495 văn bản triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết và chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh.
Tỉnh ủy Sơn La đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị 4 khóa XII; tổ chức hội nghị ký cam kết đối với 294 cán bộ chủ chốt của tỉnh, cam kết trách nhiệm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao đối với 268 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; ban hành Chỉ thị về nêu cao trách nhiệm, chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, về nâng cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, ngân sách, tài sản, đầu tư công..., tạo chuyển biến mạnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý kinh tế - xã hội.
Quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu trưởng, tổ trưởng tổ dân phố (tại 2.220/2.303 bản, tiểu khu, tổ dân phố, đạt 96,4%), đã phát huy được hiệu quả và tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ tại Đảng bộ tỉnh Sơn La được triển khai theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Thường xuyên cập nhật những kiến thức mới cho cán bộ đương chức và dự nguồn cấp ủy.
Kịp thời ban hành các văn bản thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái; việc giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; việc xử lý những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài, gắn với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời nắm bắt, giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy các cấp tổ chức được 2.731 cuộc, chính quyền các cấp tổ chức được 3.864 cuộc đối thoại với nhân dân, trong đó: cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh tổ chức được 57 cuộc đối thoại với nhân dân; người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức được 64 cuộc đối thoại với nhân dân.
Tăng cường đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị lực lượng vũ trang; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Hằng năm ban hành kết luận giao nhiệm vụ cho từng đơn vị hoặc căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giao nhiệm vụ chủ trì nhiệm vụ cụ thể, rõ việc, rõ lộ trình, thời gian, quá trình thực hiện thường xuyên báo cáo với Tỉnh ủy. Định kỳ hằng quý hoặc đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức giao ban với khối đoàn thể, nghe báo cáo về tình hình hoạt động và các đề xuất kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với Đảng và các cơ quan nhà nước.
Phát huy có hiệu quả, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định; đã tổ chức 1.191 hội nghị (trong đó 08 hội nghị cấp tỉnh; 156 hội nghị cấp huyện; 947 hội nghị cấp xã); gửi dự thảo 2.685 văn bản được phản biện (46 văn bản cấp tỉnh; 564 văn bản cấp huyện; 2.075 văn bản cấp xã); tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc với cơ quan, tổ chức 2.670 cuộc phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản (227 cuộc cấp huyện; 2.443 cuộc cấp xã). Những kiến nghị sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đều được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, phản hồi, góp phần nâng cao chất lượng văn bản. Tổ chức 8.991 cuộc lấy ý kiến góp ý đối với tổ chức đảng; 7.632 cuộc lấy ý kiến góp ý đối đảng viên; 13.204 cuộc góp ý đối với các cơ quan, tổ chức; 9.529 cuộc góp ý đối với cán bộ, công chức, viên chức các cấp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quy chế tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy; quy định rõ trách nhiệm tham mưu triển khai quy chế, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân và tổ chức tiếp dân định kỳ, đột xuất hằng tháng. Thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La phối hợp một số cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn, hằng năm về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, công tác dân tộc, tôn giáo, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp. Phối hợp nghiên cứu Đề án “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh” gắn với công tác cải cách hành chính; khảo sát đánh giá việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chế độ, chính sách của người dân. Các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang đã tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp để triển khai công tác dân vận, nắm tình hình nhân dân, tổ chức thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, công tác giám sát, phản biện xã hội, tiếp xúc cử tri...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức thông qua việc ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội... Các cấp ủy đảng đã tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” (lần thứ II, năm 2014; lần thứ III, năm 2022) với 2.625 lượt thí sinh toàn tỉnh tham gia. Giai đoạn 2016-2020, duy trì 2.665 mô hình; hiện có 1.683 mô hình (1.022 mô hình năm 2022 tiếp tục thực hiện; 661 mô hình đăng ký mới năm 2023). Các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tập trung tuyên truyền về các điển hình tiên tiến "Dân vận khéo"; tích cực tham gia Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động; năm 2020, có 149 bài đạt yêu cầu theo Thể lệ cuộc thi của Trung ương.
Giai đoạn 2016-2020, có 01 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 01 cá nhân được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen; 13 tập thể, 99 cá nhân điển hình tiêu biểu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tổ chức Giải báo chí viết về đề tài “Dân vận khéo” tỉnh Sơn La, giai đoạn 2023-2025.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, tỉnh Sơn La đã rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW phải được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt; phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; công tác dân vận phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị.
Hai là, cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên đánh giá và đổi mới phương thức lãnh đạo; phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm; đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân, giữ gìn tư cách, lối sống; thường xuyên rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; rà soát, ban hành kết luận, tập trung chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng kéo dài, tạo chuyển biến mạnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.
Ba là, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện xã hội; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia góp ý xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và từng giai đoạn cách mạng; các phong trào thi đua, các cuộc vận động phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực công tác, ngành, địa phương, cơ sở.
Bốn là, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải thường xuyên rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận, tích cực nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa các chủ trương của Đảng đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phong cách thực thi nhiệm vụ; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và đạo đức công vụ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năm là, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết về cải cách hành chính; rà soát, bổ sung sửa đổi, hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính; làm tốt việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các quy định về trình tự, thủ tục hành chính, nhằm tạo điều cho nhân dân giám sát có hiệu quả để kịp thời ngăn ngừa cán bộ, công chức có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác cán bộ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực chất, hiệu quả./.