Sáng 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Angela Pratt, Trưởng đại điện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do, có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường. Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và sâu răng. Chúng góp phần khiến con người thừa cân và béo phì, cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư. Nó gây ra gánh nặng cho cá nhân và xã hội do tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa đồ uống có đường và bệnh tim, nhất là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Theo TS Angela Pratt trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này. Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe, đồng chí Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao sức khỏe, giảm hành vi gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Kế hoạch nhấn mạnh vai trò của một số chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường.
|
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo |
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định ban hành kế hoạch cung cấp thông tin báo chí về đồ uống có đường và vai trò kiểm soát chính sách thuế năm 2024. Thông qua Hội thảo này, các phóng viên, biên tập viên cập nhật được những thông tin, kiến thức mới liên quan đến tác hại của đồ uống có đường, hệ lụy đối với sức khỏe và biện pháp kiểm soát tiêu dùng đối với sản phẩm này. Từ đó, thông qua công tác tác nghiệp viết tin, bài sẽ giúp nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng đồ uống có đường, giúp phòng, chống các yếu tố nguy cơ và dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu về y tế, dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng của Bộ Y tế, WHO, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Trường Đại học Y tế công cộng cũng tập trung thảo luận về các chủ đề: Tình trạng thừa cân, béo phì, tác hại của tiêu thụ đồ uống có đường tới sức khỏe; ước tính tác động của chính sách thuế đồ uống có đường tới giảm thiểu gánh nặng thừa cân béo phì ở Việt Nam; bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường và khuyến nghị giải pháp kiểm soát cho Việt Nam…
Tin và ảnh: Mai Khôi