Thứ Năm, 26/12/2024
Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận góp phần phát huy sức mạnh của nhân dân trong thời kỳ mới

 Nơi chiến trường khốc liệt của 70 năm về trước giờ được thay thế
bằng diện mạo của một đô thị trẻ đang trên đà phát triển

Trong những năm vừa qua, tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương đã tháo gỡ, hỗ trợ khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, làm cơ sở để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra được những chủ trương, giải pháp đúng đắn. Từ đó, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang toàn tỉnh, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường và đổi mới công tác dân vận góp phần phát huy sức mạnh của nhân dân trong thời kỳ mới.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, theo hướng tăng số lượng các hội nghị chuyên đề học tập, quán triệt đảm bảo kịp thời, đồng bộ. Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được duy trì thực hiện nền nếp, 100% cấp ủy cấp huyện và cơ sở đã xây dựng, ban hành quy chế công tác dân vận của nhiệm kỳ mới và nghiêm túc thực hiện việc phân công 1 đồng chí cấp ủy viên trực tiếp phụ trách công tác dân vận của Đảng. Cùng với đó, thường trực cấp uỷ định kỳ tổ chức giao ban với Ban Dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành liên quan để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận tại địa phương, đơn vị.

Các cấp ủy, chính quyền đã chủ động cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy bằng các chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 10/11/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; đồng thời phân công, giao nhiệm vụ phụ trách, theo dõi các huyện cho các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; phân công các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 02 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; 48 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới) chiếm 41,73% tổng số xã toàn tỉnh; bình quân ước đạt 14,4 tiêu chí/xã; 160 thôn, bản được công nhận nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 26,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89,98%; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, vướng mắc, các yêu cầu chính đáng của người dân ngay từ cơ sở. Từ đó, phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.


Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - nơi lưu giữ và trưng bày hơn 1.000 hiện vật
trong chiến dịch, với điểm nhấn là bức tranh tường Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ
đặc biệt thu hút khách du lịch đến tham quan

Những kết quả đạt được trong công tác dân vận đã trực tiếp góp phần vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, với những kết quả nổi bật như: Kinh tế phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, biến động của tình hình thế giới, tỉnh Điện Biên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 9,33%/năm, tăng 2,33 điểm % so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020. Các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng; thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; chú trọng đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số; đến năm 2023, tổng số đảng viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 25.767/46.087 đảng viên, (chiếm tỷ lệ 55,09%). Mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường.

Cấp ủy các cấp tập trung chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để tăng cường, đổi mới công tác dân vận gắn với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của Điện Biên đạt 86,30/100 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 2 bậc so với năm 2021, là năm thứ 7 liên tiếp (tính từ năm 2016) chỉ số cải cách hành chính của tỉnh giữ vị trí cao so với các tỉnh miền múi phía Bắc.

Cùng với đó, công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đúng quy chế, quy định. Hằng năm, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đều tổ chức đối thoại với các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của đoàn viên, hội viên. Đặc biệt, những năm qua, việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân luôn được duy trì thực hiện tại 100% đơn vị cấp huyện và cấp xã. Thông qua đối thoại, các ý kiến kiến nghị, phản ánh chính đáng của Nhân dân đều được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, theo quy định của pháp luật. Từ đó, góp phần giảm dần số đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài, tạo sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cấp cơ sở.

Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng cũng luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng không ngừng nâng cao vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phối hợp tổ chức các hoạt động khắc phục hậu quả do thiên tai mưa lũ, dịch bệnh, kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân.


 Chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên thăm hỏi
và tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc Hà Nhì

Có thể khẳng định, công tác dân vận có vai trò quan trọng đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, làm thay đổi đời sống, kinh tế - xã hội nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ rệt, tham gia và thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; ý thức tự lực, tự cường được phát huy hiệu quả. Tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm mới cho trên 10 nghìn lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên. Khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, các dân tộc đã được thu hẹp; người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi; chính sách và các dịch vụ xã hội cơ bản của Nhà nước. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4-5%/năm, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 6 - 7%/năm; chất lượng giáo dục, y tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; giữ gìn và phát huy tốt văn hóa truyền thống, đoàn kết giữa các dân tộc…

Thông qua công tác dân vận, nhiều chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh được Nhân dân đồng tình ủng hộ như: Dự án xây dựng nâng cấp Sân bay Điện Biên Phủ trong thời gian 07 tháng, di chuyển ổn định tái định cư cho hơn 1.500 hộ; thực hiện chương trình giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các dự án thu hút đầu tư (trồng cây mắc ca, cây thảo dược, trồng rừng...); các chương trình, dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ. Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, địa phương chia sẻ các nguồn vốn, nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh; giai đoạn 2019 - 2022, thông qua các chương trình, nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh đã phân bổ hỗ trợ, hoàn thành xây dựng, làm nhà cho hàng nghìn hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông... Đặc biệt, hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong chưa tới 01 năm, tỉnh đã hoàn thành triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chương trình làm Nhà đại đoàn kết do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.

Bên cạnh những điều kiện, cơ hội thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực tiễn phong phú đặt ra cho cấp ủy, chính quyền của tỉnh nhiều vấn đề cần phải giải quyết; trong đó, bảo đảm tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ này đòi hỏi công tác dân vận phải không ngừng đổi mới, nắm chắc tình hình, nắm bắt quy luật, tác động của kinh tế thị trường đến sự biến đổi, ảnh hưởng tới đời sống, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người dân cùng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra…

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị tỉnh Điện Biên tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu để quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, tới từng cán bộ, đảng viên và người dân. Chú trọng đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động và phương thức nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng đó, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp gắn với triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 07/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo”. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; tăng cường đối thoại; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lấy sự hài lòng của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Quan tâm chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án, nhất là tại những dự án trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm “Chính quyền thân thiện" trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả. Phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên trong tổ chức; làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; làm nòng cốt chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với phong trào thi đua "Dân vận khéo" góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Xây dựng phát triển tỉnh Điện Biên đến năm 2030 là trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái Quốc gia./.

LÒ VĂN MỪNG - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên

Gửi cho bạn bè

Các tin khác