Thứ Năm, 26/12/2024
Phú Thọ: Vận động nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh

 Tái hiện cảnh “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”

Nhận thức rõ những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống tốt đẹp ông cha để lại, quan điểm phát triển văn hóa của Phú Thọ là xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc. Xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước. Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Tín ngường thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ” gắn với phát triển du lịch. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Với định hướng đó, những năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền về các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các di sản văn hóa, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Phú Thọ hiện có 1.938 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ, trong đó 324 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng (Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt; 73 di tích cấp quốc gia; 250 di tích cấp tỉnh); 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan đến Hát Xoan; 05 bảo vật quốc gia. Ngoài ra, tỉnh có 650 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, nhận diện và phân loại, trong đó nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã, hội Phết Hiền Quan, hội Rước voi Đào Xá, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức, Phượng Lâu… Đặc biệt có 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Tín ngường thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ. Đồng thời, Phú Thọ đã phối hợp với các tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Mo Mường” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Hoạt động kiểm kê, rà soát, đánh giá hiện trạng di tích lịch sử văn hóa, lập hồ sơ, dự án đề nghị xếp hạng, đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích được thực hiện thường xuyên. Văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ. Một số đơn vị cấp huyện đã ban hành các nghị quyết, đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thực tiễn địa phương như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy… xây dựng, ban hành đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, huy động các nguồn lực tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.

Đến nay, Phú Thọ đã có 1.064 di tích được kiểm kê. Số lượng di tích đề xuất tu bổ là 205/324 di tích đã được xếp hạng (chiếm 63,2%). 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn có di tích xếp hạng đã thành lập ban quản lý di tích cấp xã. Đây là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tiềm năng để xây dựng thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Chỉ tính năm 2023, tổng doanh thu du lịch dịch vụ của tỉnh đạt 3.365 tỷ đồng, ước đạt 108,5% kế hoạch năm, tăng 27% so với năm 2022; với 776.000 lượt khách lưu trú, tăng 13,3% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 8.860 lượt, tăng 18,1%...

Nhiều phương thức tuyên truyền đã được thực hiện hiệu quả, phát huy hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động quảng bá di sản văn hóa, xây dựng hệ thống mã QR nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách trên các nền tảng thông tin. Tiêu biểu như tổ chức Đoàn Thanh niên, năm 2023 bám sát chủ đề công tác “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” đã tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên, hội viên và thanh thiếu niên; duy trì và hoàn thiện website: https://www.ditichphutho.vn đăng tải thông tin di tích lịch sử văn hoá, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình thanh niên tham gia chuyển đổi số phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu các địa chỉ đỏ, địa chỉ văn hóa, du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh, mô hình này đã được UBND tỉnh phê duyệt trong danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện mới năm 2024. Hội Liên hiệp Phụ nữ quan tâm chăm lo các nữ nghệ nhân, toàn tỉnh có 28/34 nữ Nghệ nhân ưu tú, 5/6 nữ Nghệ nhân nhân dân; Nghệ nhân nhân dân Hà Thị Lịch vinh dự đạt Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021; tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường phụ nữ làng Mai Thịnh, xã Địch Quả (huyện Thanh Sơn). Trong hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, phát huy hiệu quả vai trò các nghệ nhân trong việc truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của Hát Xoan trong cộng đồng, khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ, tạo lực lượng kế cận, sức lan tỏa mạnh mẽ của Hát Xoan trên địa bàn tỉnh. 100% các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản”. Cùng với Hát Xoan, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được biên soạn đưa vào chương trình giáo dục địa phương của tỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 - 2022. Các tiết học, các chương trình ngoại khóa giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của di sản quê hương, biết vận dụng những kiến thức đã học để chung tay bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu đó. Nhiều hoạt động thiết thực khác như phong tặng, vinh danh khen thưởng cho các nghệ nhân Hát Xoan; có chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động của các phường Xoan gốc; mở lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng; khôi phục Miễu Lãi Lèn; tu bổ, tôn tạo hạ tầng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng… đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao.   

Công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được chỉ đạo thường xuyên và theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường. Vận động Nhân dân có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phục dựng, phát huy các di sản văn hóa; vận động xã hội hóa bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích đạt kết quả tích cực; cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã bảo tồn, giữ gìn di tích, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Kịp thời ngăn chặn việc xâm hại di tích lịch sử văn hóa, hạn chế việc lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan và các hành vi thiếu văn hóa khi tham gia các hoạt động lễ hội tại di tích. Hiện nay, đa số các di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh đều có các nguồn thu chi riêng trong công tác lễ hội và hoạt động lễ hội, được công khai tài chính rõ ràng, minh bạch. Công tác tổ chức các lễ hội, các hoạt động gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận gắn với giá trị tiêu biểu của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Miếu Lãi Lèn, Đình Hùng Lô, Đền Tam Giang (thành phố Việt Trì), Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa) và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như nhiều di tích lịch sử văn hóa xuống cấp; nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế; việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn khó khăn…

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Đất Tổ cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân về vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân. Bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa của Nhân dân vùng Đất Tổ gắn với tiếp tục nâng cao nhận thức xây dựng xã hội có ý thức, hành vi văn hóa, lối sống văn minh, tạo nên đời sống tinh thần tốt đẹp với hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Đất Tổ đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển.

Hai là, rà soát các quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tế. Xây dựng đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa có tâm huyết, có trình độ, năng lực chuyên môn. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ làm công tác văn hóa thông tin, nhất là ở cơ sở; đội ngũ quản lý bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm giới thiệu vùng Đất Tổ gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngường thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” trong vùng Thủ đô và cả nước để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vùng Đất Tổ như: du lịch hành hương về miền Đất Tổ; du lịch kết hợp tìm hiểu về các địa danh lịch sử, các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội đặc sắc; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc… Đồng thời, xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Thọ - Về với cội nguồn dân tộc”. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường; ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Bốn là, chú trọng giáo dục lịch sử, văn hóa quê hương cho học sinh thông qua học tập, tham quan, các hoạt động trải nghiệm tại các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay. Di tích lịch sử văn hóa là môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân. Nhân rộng các mô hình, điển hình và kịp thời biểu dương khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, qua đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa vùng Đất Tổ.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng trong quá trình triển khai các dự án; ngăn chặn kịp thời việc lấn chiếm, xâm hại hành lang bảo vệ di tích, xâm hại di tích; chỉ đạo quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi từ hoạt động phát huy giá trị di tích theo đúng quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các di tích./.

NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ

Gửi cho bạn bè