Thứ Tư, 27/11/2024
Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ: Quyết định lịch sử của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tuy không nằm trong kế hoạch ban đầu của cả hai bên, nhưng với quyết định này, Điện Biên Phủ đã chính thức trở thành trận quyết chiến chiến lược giữa ta và thực dân Pháp, mở đường cho thắng lợi “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.


 Bộ đội kéo pháo vào trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu



Ý chí quyết tâm cao


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, tạo ra những bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến, như mở Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Hòa Bình… Song, quyết định tiến công vào Điện Biên Phủ là quan trọng nhất, thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn bộ cuộc kháng chiến.

Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược quan trọng để kiểm soát miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc.

Ban đầu, quân Pháp, trực tiếp là tướng Nava, chỉ coi Điện Biên là một cứ điểm bình thường để ngăn chặn các hành động quân sự của ta. Tuy nhiên, từ cuối năm 1953, khi phát hiện quân ta di chuyển nhiều lực lượng lên hướng Tây Bắc, quân Pháp đã chú trọng tăng cường cho Điện Biên Phủ để biến nơi đây trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.

Ngày 6-12-1953, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã họp bàn, nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm phương án tác chiến mùa xuân năm 1954, trọng tâm là Mặt trận Điện Biên Phủ. Sau khi nghe báo cáo của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đã bàn bạc, cân nhắc kỹ và thống nhất đi đến quyết định: Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ bí danh là “Trần Đình”. Đảng ủy Mặt trận được thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao giữ chức Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Có thể thấy rằng, quyết định tấn công Điện Biên Phủ là một quyết định mang tính lịch sử. Khi hạ quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị không chỉ nhìn nhận những chỗ mạnh của địch, những khó khăn, trở ngại của ta mà còn phân tích thấu đáo trên mọi phương diện để tìm ra chỗ yếu của quân địch mà ta có thể lợi dụng, thấy được khả năng to lớn của quân đội và nhân dân ta có thể vượt qua; đồng thời, chỉ ra những thuận lợi mang tính quyết định của ta.

Trong cuốn “Hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích: Chúng ta đã nhìn thấy hai nhược điểm lớn của “con nhím Điện Biên Phủ”.

Trước hết là tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm mà quân địch đã lựa chọn. Tập đoàn cứ điểm là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm, nhưng trong thực tế, vẫn là những cứ điểm tách rời. Quân địch ở đó tuy đông, nhưng khi một cứ điểm bị tiến công thì lực lượng đối phó chủ yếu vẫn là lực lượng của bản thân cứ điểm, cộng thêm với sự yểm trợ hỏa lực từ xa và sự can thiệp của một lực lượng quân ứng chiến không đông mà ta có điều kiện để hạn chế. Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt từng cứ điểm do ta lựa chọn vào thời điểm thích hợp.

Thứ hai, là tính cô lập của bản thân “con nhím Điện Biên Phủ”. Trên thực tế, Điện Biên Phủ nằm chơ vơ giữa vùng rừng núi mênh mông đã hoàn toàn giải phóng, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện và tiếp tế đều phải dựa vào đường hàng không. Nếu đường hàng không bị hạn chế hay cắt đứt nó sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phân tích: Về phía ta, lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ có tinh thần chiến đấu cao, trình độ trang bị kỹ thuật có tiến bộ, hăng hái phấn khởi, quyết tâm tiêu diệt địch. Quân ta đã có những kinh nghiệm nhất định về đánh địch trong công sự vững chắc, đã được bước đầu huấn luyện để đánh tập đoàn cứ điểm, có khả năng khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cần thiết trong tiêu diệt tập đoàn cứ điểm...

Từ những tính toán trên đây, Tổng Quân ủy khẳng định rằng: “Trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay… Sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn”.

Khát khao giải phóng dân tộc

Khi Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được nhân dân ta và nhân dân tiến bộ thế giới, nhất là nhân dân các dân tộc bị áp bức hết lòng ủng hộ.

Theo báo cáo của Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương vào ngày 10-7-1954, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, “đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên Khu III, Liên Khu IV đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra khoảng 13 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và bán thô sơ khác. Về mặt bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác...”. Đây là sự đóng góp và cố gắng vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam. Đánh giá về kỳ tích này, tướng Pháp Gra nhận xét: “Cả dân tộc Việt Nam đã tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính cũng như dự kiến của Bộ Tham mưu Pháp”.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam còn nhận được sự theo dõi và ủng hộ to lớn của nhân dân tiến bộ thế giới.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã tích cực tham gia cùng các tướng lĩnh Việt Nam trong các khâu khảo sát, lên kế hoạch, chuẩn bị chiến trường, ủng hộ sự thay đổi trong các phương án tác chiến mà phía Việt Nam đề ra. Về mặt vật chất, trong chiến dịch, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch; 3.600 đạn pháo 105mm, chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng.

Phía Liên Xô cũng dành sự quan tâm thích đáng và có nhiều sự chi viện cho Việt Nam. Chia lửa với Chiến dịch Điện Biên Phủ, còn là phong trào giải phóng dân tộc diễn ra tại nhiều nơi ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ - Latinh; ngoài ra có phong trào phản chiến ở nhiều nước tư bản, nhất là phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Pháp.

Sự ủng hộ to lớn của quần chúng nhân dân Việt Nam, nhân dân tiến bộ thế giới là minh chứng cho thấy quyết định tấn công vào Điện Biên Phủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là phù hợp với đòi hỏi của lịch sử và nguyện vọng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Sau khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhanh chóng bước vào giai đoạn chuẩn bị và tiến hành chiến dịch. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, mở màn cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, 17h30 ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng cũng đầy anh dũng của quân và dân ta. Chiến thắng này đã ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh thời đại, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia. Chiến thắng đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; kịp thời nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, chỉ đạo chiến lược kiên quyết, nhạy bén, sắc sảo nhằm tập trung sức mạnh cả nước để giành thắng lợi. Những bài học kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trường

(hanoimoi.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất