Phát huy thành tích đạt được, năm 2024, công tác dân vận trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tiếp tục được đổi mới, từng bước nâng cao hiệu quả, phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
ĐỔI MỚI CẢ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC
Những năm qua, công tác dân vận luôn được cấp ủy huyện và cơ sở quan tâm đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với chính quyền tích cực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Từ đó, công tác dân vận góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
|
Ban Dân vận Trung ương làm việc tại huyện Châu Thành
|
Theo UBND huyện, tính đến nay, toàn huyện có trên 50 mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” được nhân rộng; trên 500 tổ, nhóm, với 12.500 thành viên tham gia, trong đó có những mô hình tiêu biểu như: Công sở thân thiện, cán bộ, công chức trách nhiệm; Tổ Hỗ trợ người dân trong việc liên hệ UBND xã giải quyết các thủ tục hành chính; Tổ Thanh niên chuyển đổi số; phân loại rác thải tại hộ gia đình; bê tông hóa đường giao thông nông thôn; phát huy vai trò tôn giáo tham gia xây dựng mô hình tuyến đường hoa gắn với bảo vệ môi trường; Tổ Phòng, chống rác thải nhựa; Tổ Liên kết sản xuất, kinh doanh; đổi rác thải nhựa lấy cây xanh...
Bên cạnh đó, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị - xã hội còn vận động kinh phí hỗ trợ tặng quà, xây nhà đại đoàn kết, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn..., với tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Cùng với đó là vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân hiến đất, vật kiến trúc và đóng góp ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện với trị giá trên 400 tỷ đồng.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện đã thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, bám sát thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thông qua công tác dân vận, huyện Châu Thành đã tăng cường, củng cố và phát huy được sức mạnh đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, công tác dân vận của các cấp chính quyền thời gian qua đã khơi dậy, huy động được sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Qua đó, công tác dân vận góp phần củng cố mối quan hệ của Đảng, chính quyền và nhân dân, đây là cơ sở để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, thi đua dân vận khéo, dân vận chính quyền góp phần quan trọng cho việc hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, chính trị, nhất là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó, công tác dân vận ngày càng sinh động và đi vào chiều sâu một cách hiệu quả.
QUYẾT TÂM THỰC HIỆN
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước vấn đề trên, đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch và đề xuất khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong chuyên đề thi đua.
|
Các đoàn thể tham gia trồng hoa
|
Đồng thời, địa phương sẽ tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để giải quyết các kiến nghị sao cho đối thoại ngày càng hiệu quả hơn. Cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với nhân dân thông qua nhiệm vụ chuyên môn để hiểu ý dân, tiếp thu trực tiếp ý kiến đóng góp của nhân dân, phản ảnh trực tiếp ý kiến của nhân dân với lãnh đạo để có hướng giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân.
Song song đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành cũng yêu cầu các địa phương, các đơn vị khi thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần gắn thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, xem đó là biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, cần phân công trách nhiệm từng cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác chuyên môn phải luôn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của nhân dân, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, hòa giải đúng quy trình, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục xây dựng, củng cố vững mạnh về tổ chức, hoạt động ngày càng thiết thực và hiệu quả để thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi nhất, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể phải thực sự đổi mới, bám sát các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, sát với cơ sở, cộng đồng dân cư; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, cộng đồng dân cư và hộ gia đình, triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, chi, tổ hội ở ấp, khu phố, góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, khắc phục các hoạt động hành chính, phô trương hình thức./.
(baoapbac.vn)