Thứ Sáu, 24/1/2025
Chiến thắng Bình Giã - Bài học về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân

 Tượng đài Chiến thắng Bình Giã

Những kết quả đó cho thấy Chiến dịch Bình Giã có ý nghĩa lịch sử vượt ra ngoài phạm vi một chiến dịch thông thường; nó không chỉ đánh dấu sự thất bại về cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, mở đầu cho một thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam, mà còn có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay, trong đó có bài học về “Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân”.

Thứ nhất, dựa vào thế chiến tranh toàn dân, thế chiến lược để xây dựng thế trận tác chiến chiến dịch.

Chiến dịch Bình Giã trong mùa khô 1964 - 1965 là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ và cũng là chiến dịch đầu tiên của lực lượng vũ trang ta trên chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là một chiến dịch tiến công có tính chất tổng hợp, ta tiến công địch bằng cả quân sự và chính trị, kết hợp cả du kích, bộ đội địa phương huyện, tỉnh và hai quân khu (7 và 6) với chủ lực Quân giải phóng miền Nam làm nòng cốt. Phạm vi chiến dịch trải rộng trên địa bàn gần 500km thuộc các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và Bình Thuận (nay là tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận). Hướng chủ yếu nằm trên tỉnh Bà Rịa, khu vực Chi khu Đức Thạnh - ấp chiến lược Bình Giã. Chọn địa bàn này, quân và dân ta có điều kiện chuẩn bị tốt các mặt cho tác chiến tập trung lớn của lực lượng chủ lực. Mặt khác, đây cũng là địa bàn xung yếu trong hệ thống phòng thủ phía đông Sài Gòn của địch nên khi bị ta đánh chúng sẽ tập trung đối phó, tạo ra cơ hội để bộ đội ta đánh địch ngoài công sự, làm thay đổi cục diện chiến trường. Cụ thể:

Về phía địch, nhằm đẩy mạnh việc tạo thế phòng thủ án ngữ mặt bắc và đông bắc bảo vệ căn cứ hải quân Vũng Tàu, địch tăng cường thiết lập ở tỉnh Bà Rịa Tiểu khu quân sự Phước Tuy trực thuộc Đặc khu Phước Biên (một tổ chức quân sự của 2 tỉnh Bà Rịa - Biên Hòa ghép lại vào  giữa năm 1964) đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy. Dưới Tiểu khu Phước Tuy có 4 chi khu là Đức Thạnh, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc; một số yếu khu quân sự,  một căn cứ huấn luyện. Ngoài lực lượng tại chỗ, địch còn tăng cường “1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 chi đội cơ giới, 2 trung đội pháo 105mm, lực lượng cơ động của Quân đoàn 3 ngụy”(1) chi viện trực tiếp và sẵn sàng ứng cứu cho đặc khu bất kể là ngày hay đêm...

Trong khi đó, về phía ta, Bộ Chỉ huy Miền đã huy động hầu như toàn bộ quân chủ lực Miền tham gia chiến dịch, ước tính khoảng 7.000 quân, ngoài ra còn có lực lượng phục vụ chiến đấu của Miền, các quân khu, các tỉnh có liên quan. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ (sau đổi thành Trung ương Cục miền Nam), với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn đã có hàng nghìn cán bộ, đảng viên kiên trì bám trụ địa bàn, vận động quần chúng xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, nổi bật là ở các xã ở vùng nông thôn trong tỉnh Bà Rịa đã có chi bộ và tổ Đảng; các đoàn thể quần chúng như hội phụ nữ, thanh niên, công đoàn giải phóng cũng đã được thành lập. Các huyện cơ bản đã xây dựng được đại đội mạnh, được trang bị cả cối 82mm và đại liên; du kích xã được củng cố và phát triển, mỗi xã có 1 trung đội trang bị súng tốt...

Từ thực tế trên đã cho thấy nhờ phát huy tính chủ động dựa vào thế chiến tranh toàn dân, thế chiến lược mà đến trước khi ta mở Chiến dịch Bình Giã, về cơ bản thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương đã có sự phát triển tương đối vững chắc. Trên cơ sở đó, quân và dân tỉnh Bà Rịa đã phá rã cơ bản ấp chiến lược của địch, mở ra nhiều vùng giải phóng liên hoàn từ bờ biển Xuyên Mộc lên đến căn cứ. Nhiều xã trở thành nơi tranh chấp mạnh giữa ta và địch. Một số trục lộ giao thông bị ta cắt đứt và làm chủ nhiều đoạn. Căn cứ quân sự Biên Hòa, Long Khánh, Vũng Tàu đều bị uy hiếp. Nhất là từ tháng 10/1964, ta đã sử dụng Đại đội 445 của tỉnh 3 lần đánh ấp chiến lược Bình Giã và tích cực mở rộng vùng giải phóng nối liền với căn cứ của Miền thành một vòng cung rộng lớn từ Tây Ninh đến Bình Tuy đã tạo thuận lợi cho một số đơn vị chủ lực của Miền có chỗ đứng chân và hoạt động tác chiến.

Như vậy, trên nền của thế trận chiến tranh nhân dân đã phát triển, các lực lượng vũ trang ta có thể bám trụ vững chắc trong các địa bàn chiến lược để đánh thắng quân địch theo cách đánh của ta mà chỗ dựa vững chắc nhất là “thế trận lòng dân”. Nói cách khác, Chiến thắng Bình Giã là thắng lợi của chiến tranh nhân dân tại chỗ, có sự lãnh đạo của Đảng kết hợp với “quả đấm” của bộ đội chủ lực là bộ đội tập trung ở Khu lại hoạt động vào vùng sâu địa hình rừng núi, sông nước, sát cơ quan đầu não của địch, nhưng sống được, ở được và đánh được địch trước hết là do lòng yêu nước của Nhân dân, phong trào cách mạng của quần chúng và được các đội vũ trang thoát ly, du kích trên địa bàn chiến dịch hỗ trợ về mọi mặt (tinh thần, dẫn đường, tiếp tế...). Thực tế đó còn cho thấy quan điểm của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch dựa vào thế chiến tranh toàn dân, thế chiến lược để xây dựng thế trận tác chiến chiến dịch là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo và có ý nghĩa rất quan trọng đối với thắng lợi của chiến dịch; nhất là, từ tính chất chính nghĩa của chiến dịch, nhân tố chính trị - tinh thần ngày càng tỏa sáng, quy tụ toàn dân vào một mặt trận đoàn kết kháng chiến, đặc biệt có sự chỉ đạo chiến lược, sáng tạo của Đảng, có phương pháp cách mạng đúng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của chiến dịch.

Thứ hai, chủ động khai thác lợi thế của địa hình, thế mạnh của từng thứ quân để bố trí, triển khai thế trận tác chiến chiến dịch.

Chiến dịch Bình Giã diễn ra trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Long Khánh có khá nhiều thuận lợi, đó là căn cứ địa mở rộng có thể chứa một lực lượng lớn bộ đội chủ lực; căn cứ địa lại tiếp cận sát các mục tiêu quan trọng của địch, sát các đường giao thông chính, rất tiện lợi cho ta tổ chức tác chiến và căng kéo địch khi cần; phong trào cách mạng của Nhân dân cũng phát triển mạnh; hệ thống tổ chức đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang vững vàng; có dân trong vùng giải phóng đông; mối quan hệ giữa Nhân dân vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm lưu thông thuận tiện cho công tác bảo đảm hậu cần, cứu chữa thương bệnh binh cho một chiến dịch lớn. Bộ đội chủ lực Miền, bộ đội địa phương của Bà Rịa - Long Khánh khá mạnh, du kích các xã trong vùng có khả năng cung cấp tình hình, dẫn đường và tác chiến tốt... Tuy nhiên, ta mở Chiến dịch Bình Giã vào thời điểm lực lượng vũ trang cách mạng (nói chung) còn ít về số lượng, kém về trang bị vũ khí, kỹ thuật. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích tình hình, Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận thấy: Để giành được mục tiêu Chiến dịch đề ra, với lực lượng nhỏ, trang bị có hạn, chủ lực ta không đủ sức dàn ra trên một không gian rộng 500km. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quyết định vận dụng phương thức tác chiến chiến tranh nhân dân, đánh địch rộng khắp trên các hướng, tạo điều kiện cho chủ lực tập trung thực hiện những trận then chốt, trận then chốt quyết định ở hướng chủ yếu...

Theo đó, ở giai đoạn tác chiến tạo thế và triển khai chiến dịch, ta đã tổ chức sử dụng một số phân đội đặc công, xây dựng một số đơn vị pháo binh chuyên trách, sử dụng vũ khí mà ta đang có đánh theo kiểu đặc công vào căn cứ không quân Biên Hòa nằm sâu trong hậu phương của địch; đồng thời, tích cực phát triển thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ, ở trong sào huyệt địch. Đêm 31/10/1964, lực lượng pháo binh (trang bị cối 82mm và ĐKZ 57mm) được hướng dẫn của lực lượng địa phương đã “tiếp cận, nổ súng bất ngờ vào sân bay Biên Hòa, phá hủy 59 máy bay (có 29 chiếc B-57 mới đưa từ Philíppin đến)”(2) và nhiều thiết bị quân sự khác. Cùng với việc tổ chức triển khai lực lượng pháo binh tập kích căn cứ không quân Biên Hòa, mọi công tác chuẩn bị, lót ổ, nắm địch và đánh chặn các đoàn xe cơ giới của địch trên các tuyến giao thông cũng được chuẩn bị chu đáo, tạo thế thuận lợi cho bộ đội chủ lực bí mật hành quân từ Chiến khu Đ vượt qua các căn cứ, các đường giao thông để ngày 20/11/1964 vào triển khai ở vị trí tập kết cuối cùng, sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 02/12/1964, Chiến dịch Bình Giã mở màn, bộ đội ta đã sử dụng pháo binh tập kích Chi khu quân sự Đức Thạnh, đồng thời Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Đại đội 445 của tỉnh Bà Rịa bất ngờ tiến công ấp chiến lược Bình Giã. Đánh vào 2 vị trí này, ta vừa tránh được hỏa lực pháo binh của địch ở tiểu khu mà vẫn thực hiện được ý định chiến dịch là uy hiếp Đường số 2, cắt Bà Rịa khỏi Long Khánh và Đường số 1, nhử chủ lực địch ra ngoài công sự để diệt... Nhất là, ta đã triển khai bố trí Trung đoàn 761 ở nam Xuân Sơn, phía đông ấp chiến lược Bình Giã kết hợp cùng công binh tổ chức trận địa phục kích sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không; sử dụng Trung đoàn 762 bố trí ở đông nam Núi Nghệ, phía tây Lộ số 2, sẵn sàng đánh địch phản kích đường bộ... Khi địch điều quân đến giải vây cho Đức Thạnh, Bình Giã, chúng đã rơi vào thế trận phục kích của ta, sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn trận đánh, tiêu diệt gọn Chi đoàn 3 thiết giáp, gồm 14 xe M-113, diệt 100 tên địch, trong đó có 9 tên cố vấn Mỹ và 5 sĩ quan ngụy, bắn cháy và bị thương 7 chiếc máy bay lên thẳng, 1 máy bay trinh sát vũ trang L-19, thu một số vũ khí, trang bị của địch(3).

Trên hai hướng phối hợp, tại hướng Nhơn Trạch - Long Thành, lực lượng chủ lực của Quân khu 7 thực hiện đánh địch trên Đường số 15 để nghi binh đánh lạc hướng, thu hút địch, tạo thuận lợi cho hướng chính. Hướng Hoài Đức - Tánh Linh do Quân khu 6 đảm nhiệm, có nhiệm vụ tích cực phối hợp với hướng chính tác chiến tiêu diệt địch, tận dụng thời cơ phá ấp, mở vùng, mở rộng căn cứ. Cũng trong thời gian này, Đoàn pháo binh Miền được Nhân dân ta đưa đường đã luồn sâu vào sát căn cứ địch đánh vào Chi khu Đức Thạnh và sau đó tập kích vào các căn cứ Vạn Kiếp, Hòa Long... Bị đánh những đòn đau ở phía trước và phía sau hậu cứ, địch bất ngờ, lúng túng không biết chủ lực của ta ở đâu, quân số của ta bao nhiêu để tập trung binh lực phản kích. Chúng buộc phải dùng một bộ phận lực lượng để đối phó với chiến tranh nhân dân địa phương của ta.

Rõ ràng, các hoạt động tích cực của lực lượng vũ trang địa phương đã góp phần giam chân chủ lực địch, buộc chúng phải đối phó nhiều nơi, hỏa lực bị phân tán... tạo điều kiện cho chủ lực ta phát huy tác dụng. Chiến thắng của chủ lực lại góp phần cổ vũ, động viên Nhân dân và chiến tranh nhân dân địa phương hỗ trợ cho quần chúng diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ. Sự kết hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và Nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, vừa đánh thắng quân chủ lực của địch có trang bị hiện đại, vừa phá tan các đơn vị dân vệ, phá banh các ấp chiến lược, mở mảng, giành dân. Phát huy thắng lợi, sau Chiến dịch Bình Giã với vùng giải phóng mở rộng liên hoàn từ huyện Hàm Tân đến huyện Hoài Đức, tỉnh Bình Thuận, mở rộng Căn cứ Hắc Dịch và đông tây Lộ số 2 nối liền với Chiến khu Đ, tạo điều kiện cho ta hoàn chỉnh thế trận chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đương đầu với quân Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ”... Như vậy là ở ngay sát những căn cứ quân sự lớn của địch như Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu, thế trận chiến tranh nhân dân của ta vẫn thể hiện được tính ưu việt và đã góp phần đánh thắng chủ lực ngụy được Mỹ trang bị và yểm trợ bằng những vũ khí hiện đại.

Thứ ba, tích cực kết hợp hậu cần của trên với dưới và hậu cần nhân dân để xây dựng thế trận hậu cần chiến dịch.

Ở thời kỳ đầu chống Mỹ, Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch đầu tiên ta tập trung bộ đội chủ lực quy mô lớn và trên phạm vi chiến trường rộng. Bộ Chỉ huy Miền đã rất chủ động, tích cực quan tâm tổ chức và đạt được sự hiệp đồng tương đối tốt về chiến dịch và cả chiến lược từ miền Bắc tới miền Đông Nam Bộ; từ miền Tây, từ nội đô Sài Gòn đến các tỉnh miền Đông... để bảo đảm đủ lương thực, vũ khí. Đặc biệt, ta đã vận dụng được sức mạnh hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân; trước và trong chiến dịch, ta đã huy động được hàng ngàn lượt người đi chợ mua gạo; hàng trăm xe bò, xe lam tải gạo, tải thương; các bệnh xá, kho tàng của địa phương đều trở thành cơ sở vật chất, kỹ thuật góp phần tạo thành mạng hậu cần hoàn chỉnh trong phạm vi 500km của chiến dịch. Nhất là, sự kết hợp giữa Hậu cần Quân đội với địa phương trên khu vực chiến trường đã dựa trên cơ sở xây dựng mối quan hệ đoàn kết hợp đồng gắn bó nhau, với tư tưởng chỉ đạo “tất cả cho chiến trường” mọi tổ chức đều có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, liên kết thành sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho chiến dịch càng đánh càng mạnh… Có thể nói, thành công về bảo đảm hậu cần các mặt cho chiến dịch và địa phương vượt mức kế hoạch đề ra là nhờ sự nỗ lực của ngành Hậu cần Miền, đặc biệt là sự vận động nhân dân của các huyện, tỉnh vùng mở chiến dịch. Đây rõ ràng không chỉ là vấn đề lương thực, thực phẩm mà trở thành cuộc vận động cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong quần chúng ở địa phương.

Ngoài ra, khi ta mở chiến dịch đánh lớn của chủ lực ở chiến trường Bà Rịa còn có một yếu tố thuận lợi không kém phần quan trọng, đó là ở Căn cứ Hắc Dịch (nằm về phía nam Đường số 2 và không xa Bình Giã), ta đã có một kho vũ khí khoảng 500 tấn gồm súng ống, đạn dược và một số phương tiện được vận chuyển từ các bến ở Bến Tre, Cà Mau chuyển qua Chiến khu Rừng Sác và đưa về dự trữ ở đây từ đầu năm 1964 để đưa qua các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh; nhưng vì ta còn thiếu phương tiện và nhân lực nên đưa qua sông Đồng Nai được rất ít. Chủ lực ta về đây lấy vũ khí, trang bị đầy đủ trước khi thực hiện trận đánh mở đầu và bổ sung trong quá trình chiến dịch là một sự kết hợp rất hợp lý về bảo đảm vật chất kỹ thuật. Không những thế, ta còn tận dụng bờ biển dài của tỉnh Bà Rịa để tổ chức vận tải từ miền Bắc vào, trực tiếp trang bị cho chủ lực trong và sau chiến dịch... Cũng nhờ mở rộng vùng giải phóng đến tận ven biển nên ta đã tổ chức được bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc đưa vào bằng đường biển, kịp thời đáp ứng nhu cầu xây dựng lực lượng và tác chiến chiến dịch...

Công việc tổ chức bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Bình Giã là một mô hình mở ra phương hướng tổ chức Hậu cần Quân đội trong thế trận chiến tranh nhân dân; đó là mô hình hậu cần khu vực bố trí trên khắp chiến trường, kết hợp hậu cần chính quy và hậu cần nhân dân, kết hợp tổ chức của Quân đội và tổ chức của địa phương; ở đó những người lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch biết dựa vào dân, tin ở dân; kết hợp trí tuệ, sự dũng cảm, tài tổ chức và quyết tâm cao vượt mọi khó khăn nguy hiểm. Cũng từ những kinh nghiệm xây dựng thế trận hậu cần trong Chiến dịch Bình Giã, sau này Hậu cần B2 đã xúc tiến việc xây dựng tổ chức hậu cần theo từng khu vực chiến trường, liên kết nhau thành thế trận hậu cần liên hoàn, bảo đảm cho ba thứ quân đứng chân, xây dựng và tác chiến được thường xuyên, liên tục tại chỗ và bảo đảm cho lực lượng Miền cơ động tác chiến khắp các chiến trường; điều đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.

Phát huy tinh thần của Chiến thắng Bình Giã, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về quốc phòng, an ninh, trong đó xây dựng nền quốc phòng toàn dân được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố... Những thành công đó đã kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, bạo loạn chính trị, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước, không để các thế lực thù địch từ bên ngoài lấy cớ can thiệp, giữ vững môi trường ổn định, hòa bình cho sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng thế trận quốc phòng ở các khu vực trọng yếu; nhất là đầu tư xây dựng tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

60 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Bình Giã, trong đó có bài học xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, vẫn rất cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống để tiện lợi trong quá trình nghiên cứu, vận dụng và phát triển bài học xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở thời kỳ mới, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa./.

Thượng tướng, PGS. TS. TRẦN VIỆT KHOA

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng

-----------------------------------------

1. Ban Chấp hành Đảng bộ Bà Rịa - Vũng Tàu - Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Chiến thắng Bình Giã, một mốc lịch sử đáng ghi nhớ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 24.

2. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Bình Giã Đông - Xuân 1965 - 1965, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam ấn hành, 1988, tr. 15.

3. Bộ Tư lệnh Quân khu 7 - Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, 50 năm Chiến dịch Bình Giã - Thắng lợi và bài học lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 175.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác