Thứ Ba, 28/1/2025
Giải quyết những vấn đề bức xúc, tạo đồng thuận từ cơ sở

Bảo đảm quyền lợi người dân

Những ngày đầu tháng 1-2019, nhiều quận, huyện của Hà Nội bị ùn ứ rác thải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân là do từ ngày 10-1, một số người dân sống quanh khu vực Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã chặn xe ô-tô vận chuyển rác vào bãi rác, vì cho rằng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư quá chậm, không thỏa đáng. Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cùng đại diện ba xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn đã nhanh chóng tiếp cận để vận động, tuyên truyền người dân. Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, chính quyền kiên trì đối thoại, giải thích cho các hộ dân đến nửa đêm. Ngày 13-1, lãnh đạo thành phố cũng trực tiếp xuống hiện trường, lắng nghe, trả lời và cùng ngày đã có văn bản giao các cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị chính đáng của người dân với thời gian, tiến độ cụ thể. Nhờ đó, đến chiều 14-1, tình hình đã ổn định trở lại, các xe chở rác có thể vận chuyển vào Khu liên hợp.

Tại huyện Gia Lâm, việc xử lý kịp thời vấn đề người dân bức xúc cũng được thực hiện hiệu quả ngay từ đầu, không để phát sinh thành “điểm nóng”. Đơn cử như đầu năm học 2018 - 2019, hàng trăm học sinh ở Trường tiểu học Cao Bá Quát tại khu đô thị Đặng Xá nhận thông báo sẽ phải chuyển sang Trường tiểu học Cổ Bi vì quá tải. Cư dân sinh sống trong khu đô thị bức xúc kéo ra trường, lên huyện vì cho rằng quyền lợi chính đáng của con em bị ảnh hưởng khi phải đi học xa nhà. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, cùng với việc xuống nắm tình hình, tổ chức đối thoại, lãnh đạo huyện họp khẩn và chỉ đạo nhà trường tiếp nhận học sinh trong khu đô thị, bố trí cơ sở vật chất, giáo viên phù hợp, cho nên dù hơi đông, nhưng vẫn có thể khắc phục được.

Vụ việc nêu trên là hai trong số rất nhiều việc các cấp, các ngành của TP Hà Nội giải quyết hiệu quả thời gian qua để bảo đảm ổn định tình hình từ cơ sở. Không “khoán trắng” cho chính quyền, các cấp ủy chủ động vào cuộc ngay từ khi sự việc mới phát sinh, huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay giải quyết. Ngày 16-12-2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. Tiếp đó, ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Đây là những căn cứ quan trọng để nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp, người dân bức xúc ở cơ sở.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đánh giá, bước đầu yêu cầu công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém được thực hiện hiệu quả. Thành phố chỉ rõ 200 vụ việc phức tạp, bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng tự rà soát hơn 300 việc cần tập trung giải quyết. Trên cơ sở phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tiến độ giải quyết, đến nay thành phố còn 97 vụ việc, tại các địa phương còn khoảng 100 vụ việc cần tiếp tục xử lý. Bên cạnh việc củng cố các tổ chức đảng, thành phố luôn chú trọng giải quyết ngay những vấn đề bức xúc, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.


 Lãnh đạo phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cùng Tổ hòa giải khu dân cư số 21 bàn công tác giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở.

Tăng chỉ số niềm tin

Không chỉ giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, Hà Nội coi trọng việc lắng nghe, trao đổi, nắm bắt thông tin để xử lý, giải quyết những nguyện vọng của người dân ngay từ cơ sở. Điều này thể hiện rõ qua “Năm dân vận chính quyền 2018” đã được các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Đào Ngọc Triệu cho rằng, chính quyền các cấp ngày càng gần dân, sát dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ, cầu thị, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Năm 2018, toàn thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 4.899 vụ khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết 4.168 vụ, đạt tỷ lệ 85,07%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi hơn 2,76 tỷ đồng và 3.617 m2 đất; trả cho công dân hơn 3,2 tỷ đồng và 2.445 m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể, 55 cá nhân để xảy ra sai phạm.

Các cấp ủy, chính quyền nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Ở cấp thành phố đã tổ chức bốn cuộc tiếp xúc, đối thoại; 30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 217 hội nghị và 584 xã, phường, thị trấn tổ chức 1.056 hội nghị. Qua các hội nghị, những kiến nghị, đề xuất của nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp thu, chỉ đạo giải quyết kịp thời, qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ở một “kênh” khác, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tham gia cùng các cơ quan chức năng thành phố tổ chức nhiều cuộc họp báo để cung cấp thông tin kịp thời các vụ việc "nóng", bức xúc diễn ra trên địa bàn như: Việc quy hoạch, sắp xếp lại Bến xe Mỹ Đình; vi phạm trật tự xây dựng ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì); những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục (đồng phục, thu - chi đầu năm học), ngành y tế (tiêm vắc-xin, quản lý phòng khám bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài, nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại một số bệnh viện tuyến huyện). Ban Tuyên giáo các cấp đã tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cùng cấp nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn công tác tuyên truyền giải quyết những vấn đề người dân bức xúc, công tác xây dựng và quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của người dân... Cụ thể như việc khiếu nại thu hồi đất ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh); khiếu nại nhà máy rác thải gây ô nhiễm môi trường ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết những vấn đề bức xúc của Hà Nội vẫn còn những hạn chế, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết các kiến nghị. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo: “Đi giám sát nhiều địa phương, cử tri phản ánh còn nhiều kiến nghị chưa được giải quyết. Những vấn đề nhỏ nếu giải quyết từ cơ sở thì sẽ không bị góp lại thành vấn đề lớn. Đây là việc phải rà soát và kiên trì đeo bám để giải quyết”. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, các cấp, các ngành của thành phố phải nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng các cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó, kịp thời giải quyết những vấn đề người dân bức xúc, những nội dung phản ánh, kiến nghị để bảo đảm ổn định tình hình, tạo đồng thuận từ cơ sở.

Theo nhandan.com.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi