Thứ Ba, 28/1/2025
Gắn bó với dân để xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền biển đảo đã được Lữ đoàn thực hiện như thế nào?

* Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Chính ủy Lữ đoàn: Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay; từ đặc điểm tình hình địa bàn đóng quân, Lữ đoàn đã xác định nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong đó đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trực tiếp làm nhiệm vụ tuyên truyền.

Đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn và cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc quán triệt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về nhiệm vụ công tác tuyên truyền biển đảo trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và những hình thức đấu tranh chính trị với tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo của ta. Đồng thời đề ra chủ trương lãnh đạo, kịp thời chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các lực lượng, vận dụng các nội dung, hình thức đấu tranh chính trị phù hợp với tình huống cụ thể trên biển, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm của tàu thuyền nước ngoài, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo phía Bắc của Tổ quốc.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn Lữ đoàn đã thường xuyên coi trọng việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền biển đảo, về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Các cán bộ, chiến sỹ trong Lữ đoàn có nhận thức đầy đủ về tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; trên cơ sở đó triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền biển đảo trong thực hiện các nhiệm vụ trên biển.

Để cán bộ, chiến sỹ nắm chắc cơ sở pháp lý biển, đảo có liên quan đến công tác tuyên truyền biển đảo, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt, giáo dục bằng nhiều hình thức như: Thông qua nói chuyện thời sự để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ nắm chắc Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (Khoá X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, Luật Biển Việt Nam, cùng những văn bản quy định, quy chế về tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam...


Tuyên truyền Luật biển Việt Nam cho bà con ngư dân trên Vịnh Bắc Bộ


Hàng tháng, hàng quý, các tàu thuyền làm nhiệm vụ tuần tiễu quản lý vùng biển được thông báo tình hình biển Vịnh Bắc Bộ, cũng như được bồi dưỡng những nội dung cơ bản về hình thức, biện pháp tuyên truyền biển đảo trên biển trong mọi tình huống; tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh của cơ quan, đơn vị về chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn đưa nội dung tuyên truyền biển đảo vào chương trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, diễn tập chỉ huy tham mưu và diễn tập thực binh như: Nhận định, đánh giá trạng thái chính trị tinh thần địch, xác định thời cơ tiến công địch vận, biên soạn nội dung truyền đơn, băng đĩa tuyên truyền,... Các văn kiện diễn tập về công tác tuyên truyền biển đảo được soạn thảo riêng để chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị thực hiện.

Đối với các tàu làm nhiệm vụ tuần tiễu quản lý trên biển sử dụng truyền đơn, tờ rơi, ấn phẩm bằng các thứ tiếng (Trung Quốc, Anh) thả phao hoặc trực tiếp đưa cho các đối tượng người nước ngoài khi có điều kiện tiếp xúc để tuyên truyền, thông báo cho các đối tượng về chủ quyền vùng biển Việt Nam.

* Phóng viên: Công tác tuyên truyền biển đảo đã phát huy tác dụng như thế nào trong xử lý các tình huống trên biển, thưa đồng chí?

* Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Chính ủy Lữ đoàn: Trong quá trình xử lý các tình huống khi các tàu xâm phạm vùng biển của ta, vai trò ưu thế của công tác tuyên truyền biển đảo đã phát huy tác dụng như một hình thức tác chiến. Các trạm loa truyền thanh công suất lớn gắn trên các tàu của ta tích cực phát loa các nội dung đấu tranh chính trị bằng các thứ tiếng, kết hợp với  các hành động ép sát, vòng tránh của tàu, vừa kiên quyết, vừa kiên trì nên đã buộc tàu đối phương phải ngừng các hoạt động vi phạm vùng biển của ta. Ngoài ra, ta còn kết hợp tổ chức quay camera, chụp ảnh các hành động vi phạm của đối phương làm tư liệu báo cáo lên cấp trên, phục vụ cho công tác đấu tranh ngoại giao của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển theo nhiệm vụ của Quân chủng có nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo, tiến hành có hiệu quả công tác tuyên truyền biển đảo trong các tình huống đấu tranh với tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta bằng các phương tiện tuyên truyền trực quan, sử dụng ấn phẩm, thông qua hoạt động đối ngoại quân sự, kết hợp tuyên truyền đối nội với tuyên truyền đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm khẳng định chủ quyền vùng biển đảo, thềm lục địa Việt Nam...

* Phóng viên:  Xin đồng chí điểm vài nét về những kết quả nổi bật trong công tác dân vận, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo ở đơn vị trong thời gian qua?

 * Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Chính ủy Lữ đoàn: Năm 2018, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 170 Hải quân đã quán triệt, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Phong trào thi đua “Lữ đoàn 170 Hải quân chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.Lữ đoàn tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn..., thực sự là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn sinh sống trên các vùng biển, đảo.


 Cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 170 chung sức xây dựng nông thôn mới


Lữ đoàn tổ chức c
ứu nạn thành công tàu cá HP90017TS bị tai nạn thủng đáy cách đảo Bạch Long Vĩ 9 hải lý khi đang hành nghề câu mực, trên tàu có 5 thuyền viên; tham gia chữa cháy tại cây xăng Hà Tu, thành phố Hạ Long; hỗ trợ xây dựng Nhà tình nghĩa; tặng quà đối tượng chính sách; khám, tư vấn sức khỏe cho nhân dân…

Mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ trên địa bàn, các cán bộ, chiến sĩ Lữ doàn 170 luôn có mặt kịp thời giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả. Lữ đoàn đã tham ra di dời 30 ngư dân làng chài Vông Viêng tránh bão số 8 năm 2012 và giúp đỡ nhân dân tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả cơn bão lịch sử tháng 8/2015 và cơn bão số 1,2,3 tháng 7/2016. Lữ đoàn đã điều động 1267 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng Tàu 634 đi tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt nở đất đá trên địa bàn các phường: Hà Tu, Hà Phong, Hồng Hà, Cao Thắng, Hà Khánh, Yết Kiêu (thành phố Hạ Long); phường Quang Hanh ( thành phố Cẩm Phả) và huyện đảo Cô Tô. Điều xuồng tìm kiếm cứu nạn, di chuyển nhân dân và khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo Cô Tô về đất liền được 1646 người…

Lữ đoàn còn phối hợp với các lực lượng của tỉnh Quảng ninh tham gia tìm kiếm máy bay Su-30MK2 và CASA-212 bị mất tích và đã tìm thấy di vật (cặp, giầy, dép, khăn mặt, biển tên, áo, sổ, chìa khóa) của Thượng úy phi công Lê Đức Nam mất tích và bàn giao lại di vật cho quân chủng Phòng không - Không quân đầy đủ.

* Phóng viên:  Trong thời gian tới, đơn vị sẽ làm gì để đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền biển đảo góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn?

* Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Chính ủy Lữ đoàn: Trong thời gian tới, Lữ đoàn xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đóng quân để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ công tác tuyên truyền biển đảo trong tình hình mới, nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức và năng lực tiến hành công tác tuyên truyền biển đảo.

Bên cạnh nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương, các cơ quan, đơn vị, lực lượng trên địa bàn trong tiến hành công tác tuyên truyền biển đảo; Lữ đoàn đẩy mạnh vận động nhân dân tăng cường đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; giúp các hộ nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống.

Đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đóng quân vận động cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện ứng xử văn minh; xây dựng gia đình hạnh phúc;… góp phần xây dựng khu dân cư lành mạnh, an toàn.

Tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình Quân dân y kết hợp; tổ chức tư vấn truyền thông về sức khỏe, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Đồng thời thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; Hướng dẫn người dân ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, giúp các ngư dân đánh bắt xa bờ phòng tránh bão, hiểm họa thiên nhiên an toàn.

Đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền vận động cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương. Tham gia đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn đóng quân, xây dựng địa bàn an toàn, nhằm xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở theo nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên cơ sở thực hiện dân chủ đi đôi với củng cố, nâng cao kỷ luật, kỷ cương theo Pháp luật. Tích cực đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các phần tử lợi dụng dân chủ, có hành vi gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc..

*Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Cách đây 40 năm, trước yêu cầu bức thiết của việc quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Ngày 12/2/1979 Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 140/QP thành lập Lữ đoàn 170 trực thuộc Vùng 1 Hải quân, với nhiệm vụ ban đầu là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Vùng, đơn vị liên quan, tuần tiễu, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển và chi viện cho các đảo phía Bắc của Tổ quốc.

Trong những ngày đầu thành lập, chỉ với biên chế 5 đơn vị là Hải đội 1 tàu vận tải cao tốc và quét mìn; Hải đội 111 tàu tuần tiễu 79 tấn và vận tải 100 tấn; Hải đội 113, Hải đội 136 tàu vận tải phục vụ; Hải đội 115 tàu vận tải vỏ lưới thép xi măng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, doanh trại nhà tranh vách đất, cầu cảng dã chiến, lực lượng phân tán, tàu thuyền cũ và hư hỏng nhiều, cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen khẩn trương, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng đơn vị, nhưng với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn. 

Phát huy truyền thống các đơn vị tiền thân, bước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong thời kỳ mới, đối mặt với nhiều thử thách, khắc nghiệt, nhất là trước những diễn biến hết sức phức tạp trên biển. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 Hải quân luôn kiên định bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn xua đuổi hàng ngàn lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm đánh bắt trộm hải sản; hoàn thành tốt nhiệm vụ trinh sát, định vị, đấu tranh ngăn cản nhiều lượt giàn khoan, tàu thăm dò khảo sát của nước ngoài vi phạm vùng biển của ta…


Hoàng Phong - Huy Luyện (thực hiện)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi