Thứ Tư, 1/1/2025
Hoàng Văn Thụ - Một tấm gương chói lọi của đạo đức cách mạng

 Khai mạc triển lãm chuyên đề "Hoàng Văn Thụ - Sáng mãi tên anh"

ĐI THEO CÁCH MẠNG

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4-11-1906, trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, lúc nhỏ là Hoàng Hảo Do, trong những năm tháng hoạt động cách mạng đồng chí mang các bí danh: Lô Minh Hạ, Lý, Giáo, Vân…

Từ nhỏ, đồng chí được học cả chữ Hán và chữ quốc ngữ. Tháng 8-1923, vào học tại trường Tiểu học Pháp - Việt (thị xã Lạng Sơn), đồng chí đã kết bạn với Hoàng Đình Dong (Roong, Gioong) và Lương Văn Chi. Tại đây, chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi và một số học sinh đã bí mật tiếp nhận, phân phát sách báo và tài liệu của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, vận động tổ chức nhóm học sinh yêu nước tại trường, rồi tìm cách liên lạc với cán bộ của Hội.

Năm 1926, đồng chí cùng Lương Văn Chi thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Cuối năm 1927, đồng chí cùng Lương Văn Chi sang Bản Đáy (Quảng Tây, Trung Quốc) - nơi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đang tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, nhưng bị vây bắt và chạy thoát về Long Châu. Tiếp tục hoạt động, cuối năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung và được phân công phụ trách Lạng Sơn.

Sau hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Long Châu đã chuyển thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ do chi bộ Long Châu phân công, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nhiều lần bí mật về nước hoạt động. Để đảm bảo bí mật, đồng chí đã gây dựng cơ sở cách mạng ở Lũng Nghịu làm nơi liên lạc với trong nước và phát triển cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động, đã bắt liên lạc với Ban liên Tỉnh ủy Cao - Lạng và “nhờ sự giúp đỡ tích cực của Ban liên Tỉnh ủy trong đó có đồng chí Hoàng Văn Thụ mà đồng chí Lê Hồng Phong nhanh chóng nắm được tình hình và chắp được mối với các đảng bộ, chuẩn bị cho cuộc hội nghị giữa Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước và các đại biểu đảng bộ trong nước họp vào tháng 6 năm 1934”(1). Cuối năm 1934, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng các đồng chí trong Ban liên Tỉnh ủy lâm thời tổ chức hội nghị cán bộ liên tỉnh, kiểm điểm tình hình và cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao, Trung Quốc.

Sau Đại hội, đồng chí được Trung ương giao nhiệm vụ in Văn kiện Đại hội chuyển về trong nước để tuyên truyền. Những năm tháng hoạt động ở vùng biên giới, do có quan hệ tốt với đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở vùng biên, giúp đỡ các đồng chí bạn trong công tác vận động quần chúng, nên hoạt động của đồng chí gặp nhiều thuận lợi. Cuối năm 1937, “đồng chí được Trung ương triệu tập ra Hồng Kông để học tập chủ trương, chính sách mới của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Phùng Chí Kiên hướng dẫn. Đầu năm 1938, đồng chí được Trung ương cử về nước bắt liên lạc với Xứ ủy Bắc kỳ để truyền đạt chỉ thị của Trung ương và nhận công tác ở Xứ ủy”(2). Lúc này, công tác vận động công nhân và các tổ chức cơ sở đảng ở các vùng tập trung công nhân còn yếu và gặp nhiều khó khăn nên Xứ ủy đã cử đồng chí đến các vùng mỏ, nhà ga, bến tàu để nắm lại tình hình, tuyên truyền, vận động và củng cố, phát triển phong trào cách mạng. Sau đó không lâu, đồng chí về Hà Nội để báo cáo công tác và được bổ sung vào Xứ ủy và tham gia Ban vận động công nhân. Sự hoạt động tích cực và những kinh nghiệm của đồng chí đã góp phần chắp mối, củng cố các cơ sở cách mạng ở vùng mỏ và nhiều địa phương, thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở những vùng trọng điểm, “tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công cuộc vận động cách mạng ở Bắc Kỳ sau thời gian bị địch khủng bố và bọn Tờ-rốt-kít phá hoại”(3).

Tại hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì ở Vạn Phúc, Hà Đông (9-1939), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng khu vực Hà Nội, vùng phụ cận và báo “Giải phóng” - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Bắc Kỳ.

SÂU SÁT THỰC TIỄN, GẮN BÓ VỚI NHÂN DÂN, BẤT KHUẤT TRƯỚC KẺ THÙ

Là một cán bộ lãnh đạo luôn sâu sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân, một trong những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ là giác ngộ, vận động quần chúng, góp sức phát triển phong trào cách mạng, thành lập các tổ chức đảng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Yên; củng cố, xây dựng nhiều cơ sở ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Thời gian hoạt động ở Hà Đông, cơ quan Xứ uỷ Bắc Kỳ bị theo dõi, khủng bố ráo riết, để tránh bị lộ, đồng chí thường xuyên cải trang, di chuyển, ở trong nhiều nhà dân và đã vận động được nhiều người tham gia cách mạng. Ngoài công việc Xứ uỷ, đồng chí còn trực tiếp phụ trách Thành uỷ Hà Nội, góp sức khôi phục lại Thành ủy Hà Nội nhiều lần bị phá hoại do nội phản.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường đàn áp phong trào cách mạng và bắt giam nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật, đồng chí đã cùng đồng chí Trường Chinh bí mật đi đến nhiều địa phương để chắp nối các cơ sở cách mạng. Cuối tháng 12-1940, Hoàng Văn Thụ sang Trung Quốc liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhận chỉ thị của Người, đồng chí về làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng, chuẩn bị địa điểm đón Người về nước và tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Đầu năm 1941, đồng chí dự Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương ở Bắc Ninh và được cử đi dự hội nghị Trung ương 8 ở Cao Bằng. Thời gian này, địch tiến hành khủng bố ác liệt phong trào cách mạng trong nước, phong tỏa các tuyến giao thông, nhất là vùng biên giới Việt - Trung từ Lạng sơn lên Cao Bằng, vì thế, hành trình của đoàn đại biểu Trung ương đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 2-1941, đoàn đại biểu Trung ương đến Khuổi Nọi, Vũ Lễ (Bắc Sơn). Trong thời gian dừng chân ở Bắc Sơn, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc phát triển căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai, ngày 29-2-1941, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng đã gặp Ban chỉ huy đội du kích Bắc Sơn để chỉ thị về những công tác cần kíp trước mắt. Tại đây, “đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương thông báo tình hình nhiệm vụ cách mạng mới, chủ trương phát triển đội du kích Bắc Sơn thành đội cứu quốc quân làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng của Đảng”(4); trực tiếp chỉ đạo việc duy trì, phát triển đội du kích Bắc Sơn rút vào bí mật, bảo toàn lực lượng và xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng thời, “đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đội cứu quốc quân đưa đường và bảo vệ đoàn cán bộ Trung ương đi dự hội nghị ban Chấp hành trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng”(5).

Tại hội nghị Trung ương 8 (5-1941), đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương, phụ trách công tác Mặt trận và binh vận. Không chỉ góp phần đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết các giai cấp, tầng lớp nhân dân đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật mà trên cương vị phụ trách công tác Mặt trận và binh vận, đồng chí còn giác ngộ được nhiều binh lính người Việt trong quân đội Pháp ủng hộ cách mạng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, nhiều cơ sở cách mạng được gây dựng, củng cố và phát triển rộng khắp, tạo sự  lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng.

Đồng chí cũng nhiều lần vượt qua mạng lưới mật thám để có mặt ở những nơi mũi nhọn, chỉ đạo sát sao các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đòi quyền lợi thiết thân hằng ngày như cải thiện chế độ làm việc, chống chế độ cúp phạt… Các cuộc đấu tranh đó lan rộng trong các xí nghiệp mộc, in và các ngành thủ công khác, lôi kéo cả một bộ phận tiểu thương tham gia ủng hộ. Vì thế, dù bị kiểm soát ngặt nghèo, nhưng công nhân vẫn hưởng ứng các cuộc vận động, quyên góp ủng hộ cách mạng, lưu hành truyền đơn, Báo Cờ giải phóng, Báo Cứu quốc... Tháng 8-1941, đồng chí về dự hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ ở Thanh Ba, Vĩnh Phúc, sau đó về Vĩnh Yên làm việc với chiến khu “Đ” và ban cán sự của tỉnh, đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng, củng cố lực lượng trong tình hình mới.


Cuối tháng 1-1944, thực dân Pháp đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ ra xét xử tại Tòa án binh. Căn cứ vào hồ sơ, tòa kết án 20 năm tù, nhưng trùm mật thám E. Lanéc - Phó Chánh Sở Mật thám hằn học nói tại phiên tòa: “Hoàng Văn Thụ là một lãnh tụ cách mạng. Nếu không xử tử hắn thì nước đại Pháp không thể đàn áp được cách mạng Việt Nam”(6), do đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bị tòa án thực dân tuyên án tử hình.Sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, phong trào cứu quốc phát triển mạnh trong cả nước. Từ năm 1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương giao nhiệm vụ giác ngộ binh lính địch ở khu vực Hà Nội. Ngày 25-8-1943, giữa lúc phong trào cách mạng đang trên đà phát triển, thì đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt ở khu Tám Mái, Hà Nội, sau đó đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò. Biết đồng chí là một cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ toàn quyền Đông Dương lệnh cho Sở mật thám bằng mọi cách bắt Hoàng Văn Thụ cung khai để tìm ra cơ quan đầu não của Trung ương. Song, mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, sự tra tấn dã man hay đòn tâm lý thâm hiểm “sẽ cho thăm lại gia đình” của kẻ thù đều thất bại trước dũng khí quả cảm của người cộng sản. Trong nhà lao Hỏa Lò, dù bị hơn 20 trận tra tấn nặng, có nhiều trận kéo dài từ 9 giờ đêm tới 3 giờ sáng, nhưng đồng chí vẫn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, vẫn tranh luận với các thủ lĩnh Đảng Đại Việt giúp họ nhận thức được chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo và tranh thủ cảm hóa các giám ngục, binh lính trông tù để họ hiểu hơn về cách mạng, ủng hộ cách mạng.

Mặc dù bị giam trong xà lim chờ thi hành án, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn tiếp tục truyền kinh nghiệm đấu tranh, lý luận cách mạng và nêu cao tấm gương đạo đức, để không chỉ động viên tinh thần các chiến sĩ cách mạng, quần chúng đang bị giam cầm mà còn góp phần vạch trần bộ mặt của những kẻ làm tay sai cho phát xít Nhật. Sáng ngày 24-5-1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giải ra pháp trường. Trước câu hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”, đồng chí thẳng thắn tuyên bố: “Tôi không cần nói gì nữa! Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”(7). Khi viên giám mục bày trò rửa tội, đồng chí Hoàng Văn Thụ nói: “Cảm ơn ông. Tôi không có tội. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang chiến đấu chống phát xít Đức ở bên đất nước ông đều là có tội cả. Ông về hỏi xem họ có tội không?”(8). Sự hiên ngang của đồng chí ở trường bắn không chỉ truyền thêm dũng khí, sức mạnh tinh thần cho Đảng ta, nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn làm cho kẻ thù thán phục và xúc động thốt  lên: “Một người gang thép!”(9).

Không chỉ là người cán bộ, đảng viên lãnh đạo của Đảng gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ do Đảng phân công, khi cách mạng cần, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn là một người đồng chí chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, chan hòa, gần gũi với quần chúng, lôi cuốn và tập hợp, đoàn kết được mọi người, được đồng chí cảm phục, nhân dân yêu mến. Với các cơ sở cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn hòa mình vào cuộc sống bình dị hằng ngày của đồng bào, cùng làm các công việc như một thành viên ruột thịt trong mỗi gia đình cơ sở, nên đi đến đâu cũng được dân thương, đùm bọc và nuôi giấu. Ở vùng mỏ Hà Lầm, Hòn Gai, đồng chí trực tiếp lao động như một công nhân thực thụ, khiêm tốn, chân thành, giản dị trong cuộc sống đời thường với những người công nhân. Sâu sát thực tiễn và gắn bó với cơ sở, nên dù hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung, khu mỏ, nhà ga, bến tàu hay trong Thành ủy Hà Nội, ở đâu đồng chí bí thư Xứ ủy cũng được cán bộ, đảng viên và quần chúng kính trọng, chở che.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ không dài, nhưng tấm gương người cộng sản luôn đảm nhận những công việc khó, luôn gần dân, sâu sát địa bàn cơ sở và kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của đồng chí được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ và tôn vinh đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(10)./.

(Tuyengiao.vn)

----------

(1), (2), (6), (8), (9) Đức Vượng - Nguyễn Đình Nhơn: Những người cộng sản, Nxb. Thanh Niên, H, 2000, tr.104, 106, 114, 116, 117.

(3), (4), (5), (7) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn: Hoàng Văn Thụ - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung bất khuất, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Lạng Sơn, 1984, tr.23, 30, 30, 34.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.11, tr.602.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất