Thứ Ba, 23/4/2024
Thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt và mưu lược

Việc xác định đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, tài thao lược xuất sắc của Đảng, nhất là ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến.

Sau khi Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, trước ý đồ thay thế Pháp, xâm lược miền Nam nước ta của đế quốc Mỹ, tháng 7/1954, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Đảng ta đã sớm xác định kẻ thù chính của nhân dân thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương là đế quốc Mỹ.

Tiếp theo đó, Đảng ta đã tìm ra phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp nên đã đối phó có hiệu quả với địch, đưa cách mạng tiếp tục phát triển. Bước chuyển biến mới, rõ rệt nhất của cách mạng ở miền Nam là sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng (tháng 1/1959), lực lượng ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp từng bước hình thành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.

Đảng ta đã sớm xác định kẻ thù chính của nhân dân thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương là đế quốc Mỹ.

Các căn cứ địa cách mạng tại chỗ được khôi phục và mở rộng; đường bộ 559, đường biển 759 được hình thành và phát huy tác dụng… Sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của miền Bắc đã thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển; đã vượt qua thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và giữ gìn lực lượng đã chuyển sang thế tiến công.

Sau đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam; thể hiện rõ tư duy lý luận chiến lược về lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng ta. Đảng đã sớm xác định và chỉ rõ kẻ thù mới của dân tộc ta là đế quốc Mỹ và tay sai, sớm vạch ra một cách đúng đắn hai chiến lược cách mạng; khẩn trương ổn định tình hình, củng cố miền Bắc làm hậu phương vững chắc, là trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng cả nước; vạch ra đường lối, phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn, có lợi nhất, đưa đến cuộc đồng khởi vĩ đại, đánh thắng chiến lược đầu tiên của đế quốc Mỹ; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giải phóng miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng quốc tế.


 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960)
đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Đảng ta cũng đã kịp thời chuyển cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng; đưa cuộc chiến tranh của nhân dân ở miền Nam phát triển phù hợp với tình hình mới; đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, bằng cả ba mũi giáp công; trên cả ba vùng chiến lược.

Nhờ đó đã kìm chế và làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ,” đưa quân Mỹ và chư hầu trực tiếp xâm lược, tham chiến ở miền Nam, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn cản sự chi viện từ Bắc vào Nam.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dự kiến sớm và đúng xu thế diễn biến của chiến tranh nên đã đề ra các chủ trương đối phó đúng đắn, chủ động và sáng tạo. Khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đi đến thất bại, Đảng ta đã dự kiến địch có thể leo thang lên nấc cao hơn và có thể đánh ra miền Bắc. Lúc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, Đảng ta đã đánh giá đúng so sánh lực lượng địch-ta; kiên định quyết tâm đánh Mỹ; đã chủ động kết hợp tốt phản công với tấn công.

Việc xác định đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, tài thao lược xuất sắc của Đảng.

Tại các hội nghị của Bộ Chính trị, của Trung ương Đảng năm 1967, đầu năm 1968, Đảng ta vạch rõ: Cần phải tạo ra một chuyển biến lớn về tình hình có lợi cho ta giữa lúc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đang hoang mang, dao động, phải tạo được một bước ngoặt lớn của chiến tranh, dùng cách đánh mới, hiểm, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ.

Đảng ta đã lựa chọn hướng tiến công không phải là rừng núi và nông thôn mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, nơi địch đang sơ hở… Đồng thời dự kiến các khả năng và quyết định Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Điều này thể hiện rõ tư duy quyết đoán, sáng tạo và cách đánh mới rất bất ngờ, đầy hiệu lực của Đảng ta. Nhờ đó đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngày 1/11/1968, đế quốc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và đánh phá (lần thứ nhất) trên toàn bộ miền Bắc, đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh cục bộ.”

Đảng ta cũng đã dự kiến trước khả năng Mỹ có thể đánh bom, bắn phá trở lại miền Bắc, mở rộng chiến tranh sang Lào, Campuchia để gây sức ép với ta. Đồng thời thấy rõ những điểm yếu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Đảng ta đã tìm ra phương hướng chiến lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.”

Với những phán đoán đúng và dự kiến sớm, ta đã chuẩn bị tốt và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai trên miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội (tháng 12/1972), buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.


 Tháng 5/1964, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”
(Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần),
xuất phát từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tháng 5/1973 và sau đó, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp đợt 1 từ ngày 19/6 đến 6/7; đợt hai từ ngày 1/10 đến 4/10/1973) đã phân tích sâu sắc diễn biến tình hình trên chiến trường, trong nước, trong khu vực và trên thế giới có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam; chỉ rõ âm mưu, hành động chống phá Hiệp định Paris ngày càng trắng trợn của Mỹ-ngụy.

Từ đó, Đảng ta khẳng định dứt khoát con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kỳ trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, mềm dẻo để đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Từ giữa năm 1974, nguồn viện trợ kinh tế, quân sự từ Mỹ ngày càng bị cắt giảm, làm cho chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Nắm bắt thời cơ, Đảng ta đã chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến trường. Các binh đoàn chiến lược được thành lập, hệ thống đường ống dẫn dầu được mở rộng; một khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh được chuyển nhanh ra tiền tuyến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 7/1974, Bộ Tổng Tham mưu khởi thảo kế hoạch giải phóng miền Nam.

Tháng 10 và tháng 12/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cùng Bộ tư lệnh miền Nam họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và dự kiến nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

 Đảng ta khẳng định dứt khoát con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kỳ trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công.

Và trước tình thế cách mạng và thời cơ đã đến, Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên với trận đột phá chiến lược Buôn Ma Thuột (10/3/1975). Với chiến thắng này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Sau khi Huế được giải phóng (26/3) và Đà Nẵng được giải phóng (29/3), đến ngày 3/4, ta giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26/4 và đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam

Từ tháng 7/1954, Đảng ta đã xác định phải xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 3/1955), nhiệm vụ của hai miền được xác định rõ hơn: “Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.”

Tiếp theo đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 12/1957), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trong đó, nhiệm vụ củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội có tính chất quyết định thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới; lực lượng cách mạng miền Nam cần tiếp tục duy trì và phát triển.

Đảng ta coi đó là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 


 Đảng ta tiếp tục khẳng định tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc
là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), vị trí của cách mạng mỗi miền được Đảng ta tiếp tục khẳng định tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Còn đồng bào ta ở miền Nam có nhiệm vụ trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam đng thời cũng là “theo yêu cầu của cả nước, góp phần bảo vệ miền Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà

Thực tế đã chứng minh, sự gắn bó của cách mạng hai miền đã tạo nên sức mạnh vô địch trên toàn đất nước. “Miền Bắc đã dốc vào chiến tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và hoàn thành một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước.”

Còn nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng trong cuộc chiến đấu kiên cường, dẻo dai, vượt qua mọi thử thách ác liệt, sáng tạo ra nhiều cách đánh đầy uy lực như đồng khởi, vành đai diệt Mỹ, đánh địch bằng hai chân, ba mũi, ba vùng... xứng đáng là thành đồng của Tổ quốc.

Nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân phát triển tới đỉnh cao

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam đã phát triển tới đỉnh cao. Nhân tố bảo đảm cho sự phát triển không ngừng của chiến tranh nhân dân đó là lực lượng vũ trang nhân dân, gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được xây dựng vững mạnh, bố trí rộng khắp; trong đó, các binh đoàn chủ lực giữ vai trò nòng cốt trong các chiến dịch, thực hiện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Nắm vững quy luật chiến tranh, vận dụng và thực hiện sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, chúng ta đã từng bước chuyển hóa cục diện chiến trường theo hướng có lợi, luôn đánh địch trên thế mạnh, thế chủ động, thế bất ngờ.


 Dân quân dũng cảm bắn trả máy bay Mỹ
trong đợt chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất

Nét đặc sắc, độc đáo của chiến tranh nhân dân còn được thể hiện ở chỗ đã kết hợp chặt chẽ các nhân tố “thế, lực, thời, mưu” trong từng trận đánh, từng chiến dịch một cách linh hoạt, làm cho địch không thể lường được các hướng, mũi, lực lượng và sức mạnh tiến công của ta. Đó là cơ sở để Đảng ta kiên trì thực hiện phương châm chiến lược: đánh đổ từng bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả vĩ đại của nhân dân ta, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Với đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, Đảng ta đã huy động được cao nhất sức mạnh của cả nước, bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh chính trị-tinh thần, sức mạnh truyền thống yêu nước nồng nàn của đất nước ngàn năm văn hiến cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược lâu dài, cam go, quyết liệt.

Nét đặc sắc, độc đáo của chiến tranh nhân dân còn được thể hiện ở chỗ đã kết hợp chặt chẽ các nhân tố “thế, lực, thời, mưu” trong từng trận đánh, từng chiến dịch một cách linh hoạt, làm cho địch không thể lường được

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với quan điểm đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng, Đảng ta đã phát huy hiệu quả sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Việt Nam mãi mãi biết ơn và không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em; đặc biệt là sự đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Sự ủng hộ to lớn cả vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế…

Từ thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta có cơ sở để phát huy cao độ tiềm lực của cả nước, thực hiện đại đoàn kết 54 dân tộc anh em trong một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khắc phục mọi khó khăn, thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.


 Nhân dân Sài Gòn tham gia cuộc míttinh mừng
 Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975

(TTXVN)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất