Trong 17 năm qua, các thôn, khu dân cư trong cả nước tổ chức rộng rãi "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc". Đây là một sinh hoạt cộng đồng thiết thực, sinh động, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần chính đáng của nhân dân; và cũng là dịp để đánh giá các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; biểu dương, tôn vinh những tập thể, hộ gia đình, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khu dân cư đoàn kết, hạnh phúc.
Theo báo cáo của thôn Phù Liễn, làng hoa nổi tiếng của tỉnh Hải Dương, nhân dân trong thôn đã đoàn kết làm kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao (đến nay đạt trên 20,2 ha). Hằng năm đã cung ứng cho thị trường trên 2,2 đến 2,3 triệu cành, cây hoa và giống cây hoa các loại, giải quyết từ 14-15 lao động/ha trồng hoa-cây cảnh. Số hộ khá và giàu tăng trên 13%/năm.
Số hộ nghèo giảm còn 5 hộ, tương đương 1,37%, hộ cận nghèo còn 2 hộ, tương đương 0,55%. Các tuyến đường liên xóm được giao cho các chi hội, các xóm tự quản, đảm nhiệm việc tu bổ sửa chữa và vệ sinh sạch sẽ. 100% số hộ được dùng nước sạch và điện lưới quốc gia. Hệ thống đường giao thông và đường nội đồng trong thôn được bê tông hóa và có đèn chiếu sáng.
Phát biểu tại ngày hội, một số người dân trong thôn đều đánh giá cao chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh. Các ý kiến kiến nghị việc thành lập các tổ hợp tác, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tập trung phát triển làng nghề cây cảnh theo hướng quy mô lớn.
Nói chuyện với bà con trong thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mười mấy năm qua, năm nào ông cũng về chung vui ngày hội đại đoàn kết tại nơi cư trú và tại các địa phương. “Đi như thế mới hiểu cuộc sống nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh, bệnh quan liêu xa dân là bệnh nguy hiểm trong lãnh đạo.
Thủ tướng cũng chia sẻ, khi bước chân vào thôn, thấy không khí như ngày hội, người già, người trẻ đều vui tươi, thấy cuộc sống trong thôn đổi thay rất lớn, như “phố trong thôn”, “chúng ta không tưởng tượng được ở thôn mà có nhiều nhà cao tầng như thế”. Đây là điều đáng mừng. “Tôi có hỏi chị sản xuất hoa, cây cảnh ở đây thì biết một nông dân có thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/tháng”, Thủ tướng nói. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đây mới là nội dung thực chất, mới là “bông hoa đẹp nhất” trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân, kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Điều này cũng góp phần minh chứng cho đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”. Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Hải Dương trong việc thay đổi bộ mặt ở nông thôn và các cấp mặt trận đã vào cuộc trong việc vận động nhân dân.
“Mặt trận nơi mạch nguồn ý Đảng lòng dân, nơi kết nối đường lối, chính sách đến với người dân, nơi đoàn kết, thống nhất phong trào cách mạng ở địa phương”. Thủ tướng cho rằng, thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, Hải Dương đã thực hiện tốt điều này. Thủ tướng lấy ví dụ về kết quả mà nhiều nơi chưa làm được là 100% người dân ở Hải Dương có nước sạch. Đây là điều thiết thực đến đời sống, sức khỏe của người dân. “Ý chúng tôi muốn nói là chúng ta hãy làm những việc thiết thực vì nhân dân”.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, không được thỏa mãn với kết quả đạt được, còn ít người ở nông thôn có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng nên cần tiếp tục vận động nhân dân, phát huy dân chủ cơ sở, đẩy mạnh đoàn kết ở nông thôn. “Không dựa vào dân thì khó phát triển đất nước” và phát triển đất nước cũng để phục vụ nhân dân. Thủ tướng đề nghị thay đổi phương thức hoạt động của công tác mặt trận tốt hơn trong thời gian tới.
Cần rút kinh nghiệm đối với các vấn đề đặt ra trong công tác mặt trận như còn bệnh hình thức, chưa sát dân, sát cơ sở, chưa áp dụng những công nghệ mới trong việc vận động nhân dân… Vai trò của Mặt trận chính là vận động đồng thuận trong nhân dân ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chung sức đồng lòng phát triển đất nước với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” bởi “dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” như lời Bác Hồ dạy.
Thủ tướng mong muốn bà con trong thôn gắn bó đoàn kết, “tình làng nghĩa xóm”, khát vọng vươn lên, đóng góp xây dựng Hải Dương trở thành thành phố trong tương lai gần.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh, cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh có dân trí cao như Hải Dương phải đẩy mạnh áp dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất và cuộc sống. Kinh tế số phải đến từng nhà, áp dụng thương mại điện tử từ việc bán hoa tươi, gốm Chu Đậu cũng như các nông sản khác để nâng cao giá trị sản phẩm. Mặt trận cũng cần đứng ra vận động áp dụng kinh tế số.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến làng gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách, thăm Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc bảo tồn, phát triển, quảng bá giá trị gốm Chu Đậu. Đây được xem là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam, phát triển rực rỡ trong suốt thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc.
Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn Công ty tiếp tục đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, để nâng cao hơn nữa chất lượng, không chỉ là sản phẩm của Chu Đậu, của Hải Dương, mà là sản phẩm quốc gia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
(baochinhphu.vn)