Thứ Sáu, 27/12/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, kết luận cuộc họp.

Tại cuộc họp, Thường trực BCĐ thống nhất đánh giá: Từ sau phiên họp thứ 19 (tháng 1/2021) của BCĐ đến nay, mặc dù tập trung cao độ cho công tác tổ chức Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tổ chức cho nhân dân đón Tết trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra sáu vụ án/70 bị can; ban hành cáo trạng truy tố năm vụ án/45 bị can; xét xử sơ thẩm bốn vụ án/15 bị cáo; xét xử phúc thẩm một vụ án/một bị cáo; mở rộng điều tra, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án. Nhất là, đã hoàn thành xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam.

Tích cực điều tra, truy tố một số vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); (2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); (3) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; (4) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan.

Cũng trong thời gian này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thành lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc, mới phát sinh. Thanh tra Chính phủ hoàn thành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có được những kết quả đó là do BCĐ, Thường trực BCĐ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, khoa học, bài bản; có sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, trong BCĐ và Thường trực BCĐ, sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân. Các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng, làm chắc từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó. Càng làm chúng ta càng rút ra được nhiều kinh nghiệm hay để làm quyết liệt, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án chậm tiến độ do bị can là chủ mưu trốn ra nước ngoài; do hạn chế trong đánh giá tài sản tuy được khắc phục những vẫn chậm; việc thu hồi tài sản có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao, chưa hết, còn bị tẩu tán ra nước ngoài cần phải có thời gian.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh PCTN với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không dừng”, “không nghỉ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Đồng thời, khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020. Tinh thần là, nhiệm kỳ Đại hội XIII phải làm mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước; không ngại khó, càng khó càng phải quyết tâm cao, càng phải phối hợp tốt hơn nữa. Các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Phấn đấu kết thúc điều tra bốn vụ án; ban hành cáo trạng truy tố tám vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án; xét xử phúc thẩm tám vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc theo đúng kế hoạch của BCĐ. Nhất là khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm năm vụ án: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quận 1, TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương và một số đơn vị có liên quan; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; (3) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; (4) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); (5) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thường trực BCĐ thống nhất đề xuất BCĐ kết thúc chỉ đạo xử lý đối với bảy vụ án, một vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc việc xử lý theo quy định của pháp luật; chuyển bảy vụ án, một vụ việc cho Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; thống nhất bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Đối với một số kiến nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gợi mở có thể báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị bổ sung, chức năng, nhiệm vụ của BCĐ, không chỉ có chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng mà bao gồm cả tiêu cực, lãng phí. Vì thế, có thể gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng, kể cả tham nhũng chính trị, ham hố quyền lực, chạy bè kéo cánh. Cũng vì tham nhũng mà làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đấu tranh phòng, chống trong lĩnh vực này ngày càng thấy cần thiết, rất cần thiết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng ý cho rằng, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ đúng Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ BCĐ, cán bộ ở các cơ quan PCTN phải có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng, phải là những cán bộ mẫu mực. Đồng thời có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, làm tốt thì khen thưởng cả vật chất và tinh thần, để khích lệ làm tốt hơn. Tiền thưởng phải lấy từ ngân sách nhà nước, không lấy từ tiền tham nhũng thu hồi được. Cơ quan, cá nhân làm không tốt thì có hình thức xử lý đúng mức.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong chỉ đạo có sự  phối hợp, phân công, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn nữa, bảo đảm làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, không bỏ sót, không được “cua cậy càng, cá cậy vây”, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tất cả vì sự nghiệp chung để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất