Thứ Ba, 26/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri tại TP. Cần Thơ
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri quận Cái Răng


Theo Nghị quyết ngày 27/4/2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo từng đơn vị trong cả nước, có 5 ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 01 (gồm quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Điền) thuộc TP. Cần Thơ.

Các ứng cử viên là: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; ông Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ; bà Dư Thị Mỹ Hân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức, kiểm tra Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Cần Thơ; bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Abavina, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, sau khi nghe đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Cần Thơ giới thiệu tóm tắt tiểu sử của người ứng cử, 5 ứng cử viên đã lần lượt báo cáo cử tri về dự kiến chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV; trả lời các câu hỏi cử tri nêu ra.

Trong chương trình hành động, các ứng cử viên ưu tiên cho những vấn đề từ cương vị công tác của mình, cam kết hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, trọng dân, tin dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao nhất để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được giao phó, xứng đáng với sự tín nhiệm, tin tưởng, gửi gắm của cử tri.

Các ứng cử viên khẳng định sẽ không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức toàn diện, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của  đại biểu Quốc hội, thiết thực đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực các hoạt động của Quốc hội.

Các ứng cử viên cam kết sẽ làm việc hết sức mình, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV đã đề ra. Đồng thời, giải quyết những vấn đề mà cử tri Thành phố quan tâm trong thời gian vừa qua.

Ứng cử viên Dư Thị Mỹ Hân khẳng định sẽ tích cực nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các cơ chế, chính sách, huy động thêm nguồn lực cho phát triển Thành phố; kiến nghị các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cả nước và địa phương, đặc biệt quan tâm tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, các vấn đề an sinh xã hội…

Ứng cử viên Đào Chí Nghĩa bày tỏ quan tâm công tác quản lý đô thị, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, hỗ trợ người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hỗ trợ sinh viên nghèo, các gia đình chính sách; công tác phòng chống tham nhũng lãng phí; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Thành phố tham gia các hoạt động văn hóa lành mạnh, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên…

Ứng cử viên Nguyễn Thị Kim Thoa sẽ tích cực đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ các nút thắt phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển các sản phẩm có thương hiệu của ĐBSCL, đưa các sản phẩm này ra thế giới…

Ứng cử viên Nguyễn Văn Thuận cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyên môn, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lủi các loại tội phạm, không để xảy ra bị động bất ngờ về an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống an ninh, an toàn cho người dân; tập trung đề xuất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Giải quyết các mâu thuẫn, nút thắt lớn trong phát triển vùng

Phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, những thành tựu, kết quả đạt được của các Chính phủ tiền nhiệm, sẽ cùng các thành viên Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ vững mạnh, đoàn kết nhất trí cao, hành động quyết liệt, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không lo sợ, hoang mang, hoảng hốt, hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, đưa ra các quyết định, lựa chọn thông minh, sáng suốt nhất. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta chuyển từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, khen thưởng và kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Các địa phương, các cấp, các ngành, mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại. Thủ tướng kêu gọi nhân dân, cử tri Cần Thơ và ĐBSCL, nhất là các tỉnh có đường biên giới, cần chung sức, đồng lòng cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sức khỏe của cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, mỗi người dân tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định, quy chế phòng, chống dịch.

Thủ tướng nêu rõ, qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, đất nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, những vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có dịch bệnh, rất khó lường.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu của người đứng đầu với tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị và toàn quân, toàn dân phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là nguồn lực con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử của dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm với cả nước, vì cả nước. Cùng với trách nhiệm với cả nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quan tâm, hỗ trợ phát triển vùng ĐBSCL và TP. Cần Thơ, tiếp tục triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để vùng và các địa phương trong vùng phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng nhấn mạnh, vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phải tháo gỡ dần các nút thắt phát triển, nhất là hoàn thiện hạ tầng giao thông vận tải, phát huy nguồn lực con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xử lý các vướng mắc về thể chế. Phát triển Đại học Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo – nghiên cứu xứng tầm khu vực, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng ĐBSCL, với cơ chế tự chủ mạnh mẽ hơn, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…

Theo Thủ tướng, với các điều kiện tự nhiên, con người của vùng, không thể chấp nhận mãi cái nghèo, phải có động lực mạnh mẽ để vươn lên. Tinh thần là không trông chờ ỷ lại, phải tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Thủ tướng cho biết sẽ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ vượt qua thách thức, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Cần Thơ năng động hơn, quyết liệt hơn, không trông chờ Trung ương, đề xuất các cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, truyền cảm hứng cho mọi người dân hăng hái tham gia vào sự nghiệp chung. Mục tiêu là đưa Thành phố phát huy vị trí trung tâm, thực sự là động lực phát triển của vùng ĐBSCL, năm sau đạt kết quả tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước, đời sống nhân dân ngày ấm no hơn, hạnh phúc hơn cả về vật chất và tinh thần. 

Nói đi đôi với làm, không phô trương, hình thức

Cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên và bày tỏ ý kiến, nêu các kiến nghị về các vấn đề quốc kế - dân sinh, phát triển vùng ĐBSCL và TP. Cần Thơ, nhất là về hạ tầng giao thông vận tải và phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác quy hoạch. Các cử tri mong muốn, nếu trúng cử, các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện thật tốt chương trình hành động của mình, giải quyết tốt các vấn đề cử tri quan tâm. Gắn bó và giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, thường xuyên định kỳ tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để báo cáo với cử tri về hoạt động của Quốc hội, của cá nhân, lắng nghe, tìm hiểu, tiếp nhận và kịp thời phản ánh kiến nghị, đề xuất của cử tri tới Quốc hội.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền. 

 

Thay mặt các ứng cử viên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu cảm ơn, đồng tình cao với các cử tri về các ý kiến đóng góp quý báu, chân thành, thẳng thắn, thiết thực, thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng, tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm, niềm hy vọng, sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri.

Thủ tướng chia sẻ, làm rõ thêm nhiều vấn đề mà cử tri nêu về phòng chống dịch bệnh COVID-19, nguồn vaccine phòng dịch; xây dựng đội ngũ cán bộ; làm tốt công tác quy hoạch; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển trường Đại học Cần Thơ xứng tầm cùng với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên quan; phát triển hạ tầng giao thông chiến lược; xây dựng trung tâm giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; phát triển thị trường lao động; xóa đói giảm nghèo, quan tâm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, những người yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch…

Các ứng cử viên sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến cử tri, đây là cơ sở để các ứng cử viên tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bổ sung, hoàn thiện chương trình hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả, đóng góp được nhiều nhất cho đất nước, cho nhân dân. Dù có trúng cử hay không, dù ở cương vị nào cũng phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, trước hết là công dân tốt, đảng viên tốt, cán bộ tốt, việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì hết sức tránh.

“Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn. Suy nghĩ xong thì bắt tay hành động, làm tốt hơn, nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều, không phô trương, hình thức, không mỹ miều. Không chỉ người nói làm, mà người nghe cũng phải làm, theo tinh thần tự giác, gương mẫu, trên cơ sở các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, đơn vị, của mỗi cá nhân”, Thủ tướng phát biểu.

Nhắc lại trong quá trình công tác từng được làm việc tại ĐBSCL và Cần Thơ, được bà con miền Tây ủng hộ, giúp đỡ, cưu mang, Thủ tướng chia sẻ, việc ứng cử đại biểu Quốc hội ở Cần Thơ không chỉ là vinh dự, trách nhiệm mà còn là tình cảm của cá nhân ông. Phải biến tình cảm đó thành sức mạnh vật chất, mục tiêu cuối cùng là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Cần Thơ, Thủ tướng phát biểu.

*Cũng trong chuyến công tác tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm và trao đổi với GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ và một số chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thuộc các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu lớn của vùng.

Thủ tướng lắng nghe ý kiến của GS Võ Tòng Xuân và các chuyên gia, nhà khoa học về các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, các khó khăn, thách thức lớn đặt ra trong quá trình phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng. Các chuyên gia cũng nêu nhiều đề xuất, góp ý với Thủ tướng về các giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới.

Thủ tướng và các nhà khoa học đã trao đổi về nhiều vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL như hoàn thiện, kết nối hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải; phát triển kinh tế nông nghiệp (xây dựng thương hiệu, phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…); ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển nguồn nhân lực…/.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất