Thứ Ba, 26/11/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc trực tuyến cử tri TP. Hải Phòng: Quốc hội đã thể hiện xuất sắc tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
 phát biểu tại Hội nghị


Do thực hiện giãn cách xã hội và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid – 19, cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối trực tiếp từ điểm cầu Nhà Quốc hội đến điểm cầu tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Nguyễn Chu Hồi tiếp xúc cử tri từ điểm cầu Nhà Quốc hội. Các điểm cầu tại địa phương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang và các đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

3 ấn tượng mạnh 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Phó trưởng đoàn Lã Thanh Tân đã báo cáo với cử tri các kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và các hoạt động, đóng góp cụ thể của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tại Kỳ họp. 

Cử tri tại các điểm cầu đều bày tỏ đánh giá rất cao thành công của Kỳ họp thứ Nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp. Từng là ĐBQH, Trưởng đoàn ĐBQH Khoá XII của thành phố Hải Phòng, cử tri Dương Anh Điền chia sẻ 3 ấn tượng mạnh về kỳ họp. Thứ nhất, Quốc hội đã thể hiện xuất sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lãnh đạo đất nước đối mặt với những khó khăn, phức tạp là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bất biến ở đây là đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, là lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân, là thượng tôn pháp luật. Vạn biến ở đây là Quốc hội đã rất nhạy bén, nắm chắc tình hình đất nước và đã linh hoạt, trách nhiệm khi bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất với những nội dung chưa từng có tiền lệ, trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ sở pháp lý cần thiết để chủ động linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch Covid-19. Quốc hội, các ĐBQH đã làm việc liên tục trong 9 ngày, giảm được 3 ngày họp, để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các ĐBQH có thêm thời gian quý giá chỉ đạo chống dịch. Thứ hai, Quốc hội đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước cấp cao, là những đồng chí có đủ tài, đức để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thứ ba, Quốc hội đã có những đổi mới quan trọng trong quyết định các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các nội dung liên quan đến đầu tư công và tài chính – ngân sách đã khắc phục một bước quan trọng việc đầu tư công còn dàn trải và tăng cường tính bền vững, hiệu quả nền tài chính quốc gia.

“Như vậy, Kỳ họp thứ Nhất đã rất thành công trên cả 2 phương diện: Những công việc mà kỳ họp đã hoàn thành và những khó khăn, phức tạp của đại dịch Covid-19 mà kỳ họp đã vượt qua, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và kỳ vọng mong đợi của cử tri cả nước”, cử tri Dương Anh Điền nhấn mạnh.

Trong những ngày này, khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, nhiều cử tri đề nghị cần xử lý đúng đắn quan hệ biện chứng giữa “xây và chống”, “chống và xây” trong chống dịch Covid-19 và điều hành kinh tế - xã hội, thực hiện kỳ được mục tiêu kép của Đảng, Nhà nước đã đề ra, quyết không để xảy ra thảm cảnh “sau chống dịch là chống đói”. Cử tri huyện An Dương kiến nghị cần có cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để động viên, biểu dương, khen ngợi những đóng góp của các lực lượng chống dịch, đặc biệt là các “chiến sĩ thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch”. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân”, để từ đó có những quyết sách mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn, tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành y tế.

Các cử tri kiến nghị, nên chăng trong hệ thống các đô thị Việt Nam, chọn ra một số thành phố có điều kiện như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… để xây dựng chiến lược căn cơ, bài bản, để đến trước năm 2045 các thành phố này sẽ phát triển đứng vào nhóm các thành phố vào loại hàng đầu Châu Á và Thế giới, giữ vai trò là trung tâm của mạng lưới đô thị quốc gia và xuyên quốc gia, kết nối những dòng chảy về vốn, công nghệ, hàng hoá, dân số và các lĩnh vực văn hoá – xã hội của Việt Nam và thế giới; xem các thành phố này là những “người lính” tiên phong, là đầu tàu để cùng cả nước đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, trong khi quỹ thời gian chỉ còn 24 năm, nhưng nếu chúng ta đồng lòng, quyết tâm cao thì có thể làm được.

Cử tri Nguyễn Hoàng Long (Sở Kế hoạch và Đầu tư) kiến nghị, Trung ương xem xét giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP Hải Phòng (giai đoạn 2022 – 2025); một số cơ chế đặc thù cho thành phố quy định tại Nghị định 89 của Chính phủ; thí điểm một số cơ chế, chính sách mới của đất nước để phát triển thành phố Hải Phòng theo định hướng tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Cử tri huyện Bạch Long Vỹ kiến nghị về đầu tư phát triển đảo tiền tiêu, xây dựng Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc, về cơ chế, chính sách phát triển du lịch biển đảo và kinh tế biển. Cử tri Quận Ngô Quyền kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Đề án Quốc hội điện tử, Chính quyền điện tử, cải cách hành chính, chính sách cải cách tiền lương, vị trí việc làm…

Chuyển tải kịp thời vấn đề cử tri quan tâm tới nghị trường

Trước đó, báo cáo với cử tri, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Lã Thanh Tân nêu rõ, mặc dù là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng có nhiều đại biểu lần đầu tham gia, song với trí tuệ, kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn tại đơn vị, địa phương, đặc biệt với tinh thần trách nhiệm rất cao trước cử tri và nhân dân thành phố, các ĐBQH thành phố đã chủ động nghiên cứu tài liệu tích cực tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng vào các nội dung của kỳ họp. Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH thành phố đã có 21 lượt đại biểu tham gia phát biểu thảo luận Tổ và tại Hội trường, trong đó có 20 lượt đại biểu tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ, 1 lượt đại biểu tham gia ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội trường về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026.

Nhìn chung, các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội thành phố rất chất lượng, bám sát “hơi thở” đời sống kinh tế - xã hội đất nước và thành phố, những vấn đề cử tri đang quan tâm đã được các ĐBQH thành phố chuyển tải kịp thời tới nghị trường Quốc hội, như: giải phát phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phải chung sống và ứng phó với đại dịch Covid - 19; về hoàn thiện thể chế; về quy hoạch; về nâng cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ dự án sử dụng vốn đầu tư công; phân bổ vốn đầu tư công;  về hội nhập kinh tế quốc tế; thu hút vốn FDI; tính toán, cân nhắc hơn nữa về tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (trong đó quan tâm giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách ổn định cho các địa phương có vai trò động lực phát triển như Hải Phòng); lưu tâm dành nguồn lực đầu tư cho liên kết vùng; khuyến khích các địa phương xây dựng các tiêu chí nâng cao phù hợp trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân; nghiên cứu áp dụng mô hình đầu tư tư, quản trị công…   

Bên cạnh việc tham gia các hoạt động chính trong nội dung kỳ họp, các ĐBQH TP Hải Phòng còn dành thời gian tham dự các hoạt động khác như: tham dự các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên; trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình...

(daibieunhandan.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất