Chủ Nhật, 29/12/2024
Nhà báo chính luận Võ Nguyên Giáp: Ngòi bút chiến đấu
 
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Ban biên tập báo Quân đội Nhân dân ngày 18/6/2006


LÀM BÁO ĐỂ LÀM CÁCH MẠNG

Sinh ra từ vùng quê Quảng Bình giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột, Võ Nguyên Giáp đã nung nấu ý chí quyết tâm tham gia đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế, sớm tham gia viết báo.

Theo các tư liệu được ghi chép cẩn thận do gia đình Đại tướng cung cấp, năm 1925, khi 14 tuổi, ông vào Huế học trường Quốc học. Chỉ hai năm theo học dưới mái trường Quốc học Huế, ông đã làm quen với nghề báo và bắt đầu viết báo, thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ những người con dân Việt Nam. Thời kỳ ở Huế là những năm tháng sôi nổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “làm nhiều việc cùng một lúc: vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng…”.

Năm 1927, đúng 16 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bằng tiếng Pháp: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!) dự kiến gửi đăng trên tờ L’Annam xuất bản tại Sài Gòn. Bài báo ra đời trong phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh khởi nguồn từ chính mái trường Quốc học Huế, tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Chính vì bài báo này, ông bị đuổi khỏi trường vì biểu tình ủng hộ nhà yêu nước Nguyễn Chí Diểu. Lúc ấy, Luật sư Phan Văn Trường đang làm chủ bút tờ báo này đã phải thốt lên: "Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris". Cũng giống như lãnh tụ Hồ Chí Minh và các vị lão thành cách mạng tiền bối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo là để làm cách mạng. Ông lấy báo chí để bày tỏ tiếng nói của lớp thanh niên Việt Nam bị thực dân đô hộ giai đoạn trước năm 1945. Ông đã sử dụng báo chí làm phương tiện để truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ, định hướng dư luận và phục vụ những nhiệm vụ cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Năm 1929, Võ Nguyên Giáp bắt đầu làm việc tại Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư do Đào Duy Anh sáng lập; và tham gia viết báo Tiếng Dân của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại Huế. Võ Nguyên Giáp viết nhiều bài chính luận về xã hội, khoa học… Bài đầu tiên của Đại tướng (ký bút hiệu Hải Thanh) với tiêu đề “Vũ trụ và tân hóa” đăng trên báo Tiếng Dân số 218 ngày 28/9/1929 và số 222 ngày 5/10/1929. Những bài viết này sớm thể hiện phong cách chính luận của Đại tướng, với những góc nhìn chuyên sâu, phân tích, bình luận sắc sảo tình hình thời sự, chính trị quốc tế…

Sau khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh 1930, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng bắt giữ nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước. Tháng 10/1930, Võ Nguyên Giáp bị mật thám bắt ở nhà in báo Tiếng Dân trong vụ “cứu tế Nghệ An Đỏ” bị tuyên án 2 năm tù, giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, do có Hội Cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh, Võ Nguyên Giáp và một số người khác được trả tự do và đưa về quản thúc ở quê nhà Quảng Bình cho đủ hạn 2 năm theo án tù đã tuyên. Võ Nguyên Giáp ra tù ngày 15/11/1931 vào lúc vừa tròn 20 tuổi và bị cấm làm báo.

Năm 1936, tình hình chính trị nước Pháp có những chuyển biến có lợi cho nhân dân Đông Dương. Thời gian đó, Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và tham gia giảng dạy ở trường Thăng Long - Hà Nội. Thấy tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, Võ Nguyên Giáp nghĩ ngay tới việc ra một tờ báo để đón thời cơ. Theo luật pháp của chính quyền thực dân, muốn ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần nộp trước tờ khai tên báo, chủ nhiệm, quản lý, nếu vi phạm pháp luật, những người này sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng muốn xuất bản một tờ báo tiếng Việt, phải xin phép, thể lệ rất phiền phức và thường phải chờ đợi lâu. Đúng lúc này, tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh đang thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Võ Nguyên Giáp bàn với Đặng Thai Mai và các giáo sư trường Thăng Long cùng nhau góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới. Chỉ hai ngày sau khi Léon Blum tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Pháp, ngày 6/6/1936, Tờ Hồn trẻ tập mới ra đời, trực diện chống chính quyền Pháp và bè lũ tay sai. Trên trang nhất nêu rõ tôn chỉ của tờ báo, in bằng chữ to, đóng khung trang trọng: “Làm báo khác với làm giàu. Lấy danh nghĩa của nghệ thuật mà lợi dụng cái đẹp buồn bã, âm thầm, yếu ớt, suy vong mà ru ngủ bạn đầu xanh, đó không phải là việc làm của người cầm bút có lương tâm”. Dưới đó đăng bài kêu gọi người Pháp thực hiện chính sách dân chủ ở Đông Dương: ân xá chính trị phạm, cổ vũ dân chúng đấu tranh cho dân chủ tự do… Hồn trẻ là tờ báo tiếng Việt đầu tiên rất được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Học sinh Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.

Khi biết việc ra báo tiếng Pháp dễ hơn báo tiếng Việt, Võ Nguyên Giáp đã chuyển sang làm báo tiếng Pháp. Ông cộng tác với Nguyễn Thế Rục, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, sinh viên Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, xuất bản tờ Le Travail (Lao Động). Ngày 16/9/1936, Báo Le Travail xuất bản, ông vừa là chủ bút, vừa là biên tập viên chính. Tuy nhiên, ra được 30 số, tới ngày 16/4/1937, Le Travail lại bị thực dân Pháp đóng cửa. Việc xuất bản vẫn được Võ Nguyên Giáp duy trì, khi tờ này bị cấm, đồng chí cho ra đời tờ khác ngay. Báo tiếng Pháp có các tờ Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta); báo tiếng Việt có các tờ Thế giới, Đời nay, Tin tức, Ngày mới… công khai cổ động đấu tranh với các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp… Võ Nguyên Giáp xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm, không có nhuận bút và phụ cấp mà sống thanh bạch nhờ nghề giáo. Tại Đại hội Báo giới Bắc kỳ lần thứ I họp ngày 24/4/1937, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch, nhà báo Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.

Tháng 5/1940, khi cuộc chiến tranh thế giới II đã nổ ra, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ điều sang Vân Nam (Trung Quốc). Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp đã chính thức gặp, hoạt động và làm báo cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Tổng biên tập Hồ Quang Lợi và cán bộ, phóng viên báo Hà Nội mới ngày 7/5/2009 

 

“VŨ KHÍ ĐẶC BIỆT” – LỜI HIỆU TRIỆU NON SÔNG

Từ năm 1941 đến năm 1945, dù rất bận rộn trong việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa, nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền của một nhà báo cách mạng. Sau chiến thắng Nà Ngần, Phay Khắt, ông cho ra tờ báo viết tay Tiếng súng reo - một loại “vũ khí đặc biệt” của bộ đội ta hồi đó, được phát hành vào cuối tháng 12/1944. Đây là tờ báo đầu tiên của lực lượng vũ trang và là tờ báo nằm trong hệ thống báo chí cách mạng. Ngoài việc phát hành chính thức bằng tiếng phổ thông, tờ báo còn được dịch ra tiếng Tày, tiếng Nùng để phát hành ra các tổ chức quần chúng khác. Sự ra đời của tờ báo đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện bộ đội, tạo niềm tin trong dân và gây hoang mang, lo sợ cho kẻ thù trước sự phát triển mạnh mẽ của đội quân cách mạng. Khi Trung ương thành lập Mặt trận Việt Minh, chúng ta thống nhất xuất bản báo Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã phân công Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết bài đăng trên báo này. Chính phong cách viết ngắn, gọn nhưng súc tích của Bác đã được nhà báo Võ Nguyên Giáp học hỏi và trau dồi nhanh chóng.

Đại tướng nhớ lại: Bác Hồ rất coi trọng công tác báo chí, khi huấn luyện, Bác dặn chúng tôi: “Báo chí là người tổ chức quần chúng làm cách mạng”. Anh Phạm Văn Đồng và tôi đều làm báo từ năm 1930, nhất là thời kỳ Mặt trận bình dân, nhưng khi đưa cho Bác xem tờ Tiếng Suối reo chúng tôi làm ở Tĩnh Tây, các bài đều dài vì sợ độc giả không hiểu, cứ phải luận giải, Bác phê bình: “Báo này để cho các chú đọc, vì chỉ có các chú mới hiểu”. Chúng tôi vô cùng thấm thía.” Không chỉ viết cho báo Việt Nam độc lập, thời gian này, Võ Nguyên Giáp còn làm chủ bút, chỉ đạo biên tập từ số 1 (ra ngày 20/6/1945) đến số 5 (ra ngày 5/8/1945) báo Nước Nam mới của Khu giải phóng; đồng thời đảm nhiệm báo Quân giải phóng của Việt Nam giải phóng quân. 

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với vai trò Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến khu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục viết báo mỗi khi có thời gian. Những bài chính luận của ông đăng trên các báo và tạp chí xuất bản ở chiến khu trong 9 năm kháng chiến trường kỳ đã truyền đạt đường lối, chỉ đạo chiến lược và chiến thuật, tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra phương châm tác chiến cũng như xây dựng cho lực lượng vũ trang cách mạng từng bước phát triển, càng đánh càng thắng lớn, càng đánh càng vững mạnh...

Giai đoạn 1955-1975, những năm chống Mỹ cứu nước, Đại tướng tiếp tục có nhiều bài chính luận sâu sắc về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng hậu phương, về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, về phương châm tác chiến để đánh bại từng chiến lược chiến tranh trên mỗi bước “leo thang” của địch. Những bài chính luận đó của Đại tướng đã góp phần quan trọng bổ sung, phát triển kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam...

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 30/4/1975 và giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục viết. Các bài báo của Đại tướng rất đa dạng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật... Mỗi bài báo cho đến bây giờ vẫn mang giá trị thực tiễn và tính thời sự nóng hổi. Trong bài báo đăng trên báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) số đặc biệt tháng 5/1990, Đại tướng khẳng định:“Chúng ta có quyền tự hào về Bác, cần phải phát huy sáng tạo tư tưởng của Bác tìm ra những giải pháp cho những vấn đề của công cuộc đổi mới hôm nay”. Điều này thể hiện sự học tập nghiêm túc tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đại tướng. Ngày 14/1/1991, tại Hội nghị quốc tế Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới ở Cancutta (Ấn Độ), Đại tướng có bài phát biểu “Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi”. Nội dung các bài viết đã nâng việc nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Bác lên một tầm cao mới, làm nổi bật những vấn đề cơ bản, đồng thời soi chiếu vào thực tiễn hôm nay để thấy nhiều điều cần phải học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh như Đảng đã kêu gọi và tích cực tổ chức thực hiện...

HÀO HÙNG VÀ LAY ĐỘNG

Nghiên cứu phong cách chính luận của nhà báo Võ Nguyên Giáp, có thể thấy, sở trường của ông là viết chính luận, phân tích, bình luận mọi vấn đề của xã hội, nhất là tình hình thời sự - chính trị quốc tế. Những bài báo chính luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trải dài từ các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và trong cả sự nghiệp đổi mới đất nước. Các tác phẩm của Đại tướng hừng hực chất lửa, đanh thép, sắc sảo mà sâu lắng, lay động lòng người bằng lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, có dấu ấn riêng và thực sự là những tiếng kèn xung trận bởi tính sắc bén, sinh động và kịp thời.

Ngôn ngữ trong các bài chính luận của Đại tướng rất uyển chuyển, ngôn từ giàu hình ảnh, sử dụng biện pháp tu từ liệt kê, sử dụng những động từ mạnh khiến người đọc như đang tận mắt chứng kiến sự việc. Đặc biệt, bằng bút pháp độc đáo, khúc triết, lập luận vững vàng, lời văn hào hùng, điêu luyện, các bài chính luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày sinh động quan điểm của Đảng và Nhà nước ta cùng nhiều vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống, khiến người đọc thấy được xu thế và triển vọng của cách mạng, tin tưởng ở Đảng, ở thắng lợi của cuộc kháng chiến và tiền đồ tươi sáng của đất nước ta. Nhưng, khi viết về kẻ địch, nhà báo chính luận Võ Nguyên Giáp thường dùng lối văn châm biếm ý nhị, nhưng ý tứ sâu sắc lên án và đả kích quân xâm lược. Có thể thấy, những tác phẩm chính luận của nhà báo Võ Nguyên Giáp đều mang hơi thở của thời đại và giá trị thời đại qua những khát vọng của nhân dân trong thời chiến; những tâm tư, tình cảm và những băn khoăn của nhân dân trong thời bình. Các tác phẩm chính luận của ông thực sự gần gũi và dễ hiểu với nhân dân, với những ngôn từ hết sức giản dị, thẳng thắn và mộc mạc như cách nghĩ của nhân dân.

Nói về phong cách báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố nhà báo lão thành Đỗ Phượng từng chia sẻ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Quan điểm làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lấy dân làm gốc, làm báo là phải phản ánh kịp thời, chân thật ý nguyện của nhân dân. Bài viết dành cho nhiều tầng lớp nhân dân đọc nên phải viết sao cho thật trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Là một nhà báo đa năng, ngay từ thời trẻ, ông đã tham gia vào hết quá trình xuất bản một tác phẩm báo chí từ viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi cả việc phát hành báo. Ở trong ông, có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo với “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc. Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều qua tâm sự của Đại tướng trong bài viết “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám”: “Tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời ... tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân để biết mình phải làm gì”.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam”

             - Cố nhà báo lão thành Đỗ Phượng -

Bước sang thế kỷ XXI, khi bước vào tuổi cửu tuần, những bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn được công chúng đón đợi. Đại tướng nhắc nhở: “Làm báo phải phản ánh đúng thực tiễn. Liên Xô trước đây đặt tên tờ báo của Đảng là Sự thật, nêu cái hay, cái tích cực, phê phán cái không hay, cái tiêu cực, các tệ nạn, những cái đó có thể gọi là “giặc nội xâm”. Giặc ngoại xâm ta đã đánh thắng, bây giờ báo chí phải góp phần vào việc đánh thắng “giặc nội xâm” đó”.

Là vị tướng thống lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là một nhà báo chính luận xuất sắc, từ khi còn ở chiến khu Việt Bắc, khi cách mạng Việt Nam còn non trẻ, trong bối cảnh chiến tranh thế giới II sắp đến hồi kết thúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm chủ bút và chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ ngày 20/6 đến ngày 5/8/1945) của báo Nước Nam mới thuộc Khu Giải phóng. Ông viết bài chỉ đạo cho báo Việt Nam Độc lập của Mặt trận Việt Minh khu căn cứ địa. Ông cho ra đời tờ Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân. Khi viết bài cho các tờ báo này, Đại tướng thường ký tên là Trí Dũng.  Đại tướng - nhà báo Võ Nguyên Giáp trình bày rất dễ hiểu những vấn đề chiến tranh du kích, xây dựng quân đội cách mạng, đồng thời đưa ra những nhận xét, có thể coi là những phê phán khoa học, sắc sảo, thẳng thắn một cách nhẹ nhàng.

Năm 1950, bước vào chiến dịch biên giới Thu Đông - giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, Bộ Tổng Tư lệnh dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định sáp nhập 2 tờ báo Vệ Quốc quân  Quân du kích thành một tờ báo thống nhất dành cho quân đội và dân quân Việt Nam có tên Quân đội nhân dân.  Đầu năm 1954, khi quân và dân cả nước bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân đã theo chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tận căn cứ Mường Phăng. Lãnh đạo báo đã mạnh dạn báo cáo Đại tướng cho tổ chức một điểm tòa soạn ngay tại tiền phương với 5 cán bộ phóng viên. Đây là tòa soạn duy nhất trong lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam tổ chức xuất bản báo ngay tại mặt trận. Mặc dù bận trăm công nghìn việc ngoài chiến trướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cộng sự vẫn trực tiếp viết và chỉ đạo xuất bản 33 số báo Quân đội nhân dân cho đến ngày thắng lợi chiến dịch. Những tờ báo được phát hành trực tiếp đến các cán bộ, chiến sĩ ngay tại chiến hào. Điều này đã góp phần động viên rất lớn tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc ta để rồi chúng ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những tác phẩm chính luận của nhà báo Võ Nguyên Giáp đều mang hơi thở của thời đại và giá trị thời đại qua những khát vọng của nhân dân trong thời chiến; những tâm tư, tình cảm và những băn khoăn của nhân dân trong thời bình.

Các tác phẩm chính luận của ông thực sự gần gũi và dễ hiểu với nhân dân, với những ngôn từ hết sức giản dị, thẳng thắn và mộc mạc như cách nghĩ của nhân dân.

TINH THẦN CHIẾN ĐẤU VÀ ĐẠO ĐỨC NGƯỜI LÀM BÁO

Sau ngày hòa bình lập lại tại miền Bắc (1954), khi đất nước thống nhất hoàn toàn (1975) và giai đoạn cả sau này, dù bận nhiều việc công tác Đảng và chính quyền, đến lúc về hưu tuổi cao, sức yếu, Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đều đặn viết cộng tác cho nhiều tờ báo, không chỉ trong nước mà cả báo chí nước ngoài. Trong đó với báo Quân đội nhân dân, Đại tướng đã dành cho nhiều ý kiến góp ý sâu sắc hơn cả. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng tâm sự về công việc xuất bản báo chí: “Thời điểm ra báo là quan trọng. Khó hơn là làm nghệ thuật. Nghĩa là làm báo phải đúng lúc, chính xác, chặt chẽ, đem lại hiệu quả cho bạn đọc. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ phải kết hợp hài hòa như những màu sắc của tác phẩm hội họa. Những chữ lớn, nhỏ, đứng, nghiêng... đều toát lên vai trò và hiệu quả riêng”.

Đại tướng luôn có thói quen đọc báo hằng ngày. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, Đại tướng vẫn luôn quan tâm đến giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam. Tình cảm của Đại tướng dành cho báo chí cách mạng Việt Nam và các phóng viên, nhà báo là vô bờ bến. Năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Ông tâm sự: “Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”. Giáp Tết Âm lịch năm 2000, Hội Nhà báo Việt Nam mở Hội báo Xuân - Mừng Đất nước bước vào thế kỷ XXI. Hội báo đã vui mừng được tiếp đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Buổi hôm đó, các đồng nghiệp báo chí và khách tham quan như cuốn theo thành một hàng dài đi theo bước chân Đại tướng, cuối cùng về tụ hội ở gian báo chí TP. Hồ Chí Minh. Trước khi chia tay, Đại tướng vẫn không quên căn dặn các nhà báo, trong thời kỳ đổi mới, báo chí của ta phát triển rất nhanh, mừng lắm. Làm báo bây giờ nhanh nhạy hơn trước nhiều. Nhưng các bạn nên nhớ: Thông tin phải chính xác, đúng sự thật. Vì thông tin đúng sự thật là vũ khí mạnh nhất của báo chí Cách mạng.

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi may mắn có dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần. Tôi nhớ mãi sự kiện tại Nhà hát lớn đêm 20/5/2005 lúc Đại tướng đứng nói chuyện suốt gần một giờ với 1.000 anh hùng, dũng sĩ, cựu chiến binh tiêu biểu tham gia cuộc hành quân xuyên Việt “Tiếp lửa truyền thống, vang mãi khúc quân hành” nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam do báo Quân đội nhân dân tổ chức mà tôi được giao nhiệm vụ là phó chỉ huy cuộc hành quân. Trước đoàn quân chiến thắng sắp bước vào cuộc hành quân đặc biệt trong thời bình, hôm đó, giọng Người đầy sức truyền cảm khi gợi về những năm tháng cả dân tộc chiến đấu vì độc lập tự do, phong thái Người thật uy lẫm khi phát lệnh hành quân. Đó là cuộc nói chuyện được truyền hình trực tiếp cuối cùng của Đại tướng với quốc dân, đồng bào.

Một năm sau, trong cuộc tiếp đoàn đại biểu báo Quân đội nhân dân vào ngày 18/6/2006, nhân dịp Báo được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, bắt tay từng người, Đại tướng ân cần căn dặn: “ Báo Quân đội nhân dân là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, là tiếng nói của các lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân. Tờ báo cần nêu cao tinh thần chiến đấu, phải có tiếng nói đúng đắn trung thực, phải nêu cao đạo đức của người làm báo, đấu tranh làm sáng tỏ chân lý, bảo vệ chân lý. Phải nêu cái đúng cái tốt để toàn quân, toàn dân làm theo. Phải vạch cái sai để sửa chữa, đúng như Lênin nói: Báo chí là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể. Chúc Báo Quân đội nhân dân luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đại tướng còn dặn thêm: “Đạo đức của người làm báo, đó là điều quan trọng nhất. Tôi cũng từng là nhà báo, tôi mong các đồng chí, các cháu ở báo Quân đội nhân dân cố gắng rèn luyện không ngừng”.

Một kỷ niệm khác còn in đậm trong tâm trí tôi, ngày 7/5/2009, lần cuối cùng, tôi lúc đó đang là Tổng biên tập báo Hà Nội mới cùng các cán bộ, phóng viên vinh dự được Đại tướng tiếp nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở tuổi 99, sức đã yếu đi nhiều so với vài năm trước, nhưng hôm đó Đại tướng rất vui. Người ân cần căn dặn chúng tôi: “Tờ báo Hà Nội mới có vị trí, vai trò quan trọng, phải có tiếng nói đúng đắn, trung thực, làm sáng tỏ chân lý, bảo vệ chân lý. Phải nêu cái đúng, cái tốt để toàn dân làm theo. Tinh thần chiến đấu, đạo đức người làm báo, đó là điều quan trọng nhất. Thăng Long- Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi là cột mốc lịch sử trọng đại, ý nghĩa sâu sắc, niềm tự hào to lớn. Tờ báo của Thủ đô cần có nhiều bài viết thật hay về sự kiện này; cần cỗ vũ, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần cao quý của dân tộc ta.”

Như vậy, ở cả hai cuộc gặp, đối với báo Quân đội nhân dân cũng như với báo Hà Nội mới - hai tờ báo đều do Bác Hồ đặt tên – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều nhấn mạnh đến hai yếu tố đặc biệt quan trọng là tinh thần chiến đấu và đạo đức người làm báo.

Sau cuộc gặp ngày 7/5/2009 đó, chỉ một thời gian ngắn, Đại tướng đã phải vào Viện 108 điều trị và điều dưỡng cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Ngày 4/10/2013, Đại tướng qua đời, lòng dân đau tiếc, đất trời, sông núi khóc thương. Nhưng trong nỗi đau lớn lại đột ngột thấy sức mạnh và lòng tự hào hội tụ, kết nối của cả một đất nước, một dân tộc đang vững tin đi tới tương lai.

Trong cuộc đời làm báo, đấu tranh cách mạng, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những tác phẩm báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện tính chính luận sâu sắc, mang tinh thần yêu nước của lớp lớp thanh niên Việt Nam trong những năm đất nước bị thực dân đô hộ, rồi đất nước giải phóng, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội những năm sau này. Cuộc đời làm báo gần 3/4 thế kỷ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là “ngọn bút chiến binh” có tầm vóc chiến lược trên mặt trận tư tưởng- văn hoá của Đảng ta, đóng góp to lớn vào thành quả vĩ đại của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng thời là thông điệp cốt lõi cho các thế hệ làm báo sau này: Làm báo để làm cách mạng! Tấm gương làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ngời sáng, có sức lay động và truyền cảm hứng đối với các thế hệ làm báo Việt Nam hôm nay. Mỗi người làm báo và người quản lý báo chí hiện nay cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, ra sức phấn đấu, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích đất nước và nhân dân./.

Hồ Quang Lợi

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Gửi cho bạn bè

Các tin khác