|
Toàn cảnh hội thảo. |
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ trưởng BQP dự và chỉ đạo hội thảo. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, gửi lẵng hoa chúc mừng hội thảo. Dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư QUTƯ, nguyên Bộ trưởng BQP: Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo BQP; lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục và cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và một số địa phương; các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội.
Trọn đời phấn đấu, hy sinh
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã tập trung làm rõ và khẳng định, quê hương Quảng Bình với nhiều dấu ấn lịch sử của tiến trình dựng nước, giữ nước; gia đình, dòng họ có truyền thống đấu tranh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; cộng với trong quá trình tranh đấu, được tiếp xúc với các nhà hoạt động cách mạng, các nhân sĩ trí thức yêu nước đã bồi đắp ý chí, nghị lực, để đồng chí Võ Nguyên Giáp vững bước trên con đường hoạt động cách mạng, sớm được tiếp xúc với Chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn. Đó là những yếu tố tác động rất lớn đến cuộc đời hoạt động và thôi thúc Đại tướng suốt đời phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Với cương vị người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã xây dựng quân đội đi từ con số không, tiến lên có những đại đoàn chủ lực, có các binh chủng; phát triển LLVT địa phương rộng khắp, làm nòng cốt để củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, huy động toàn dân đánh giặc, giành và phát huy quyền chủ động, giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi hoàn toàn, lập nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng BQP, Đại tướng đã cùng Đảng, Nhà nước, quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo hội thảo, Đại tướng Phan Văn Giang đã khẳng định tinh thần trọn đời phấn đấu, hy sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt. Trải qua nhiều vị trí, hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, một tài năng quân sự xuất chúng, có những công lao to lớn đối với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chiến thắng oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam; tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với những thắng lợi oanh liệt của quân đội, của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm thay đổi dòng chảy lịch sử của đất nước và thế giới. Là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, với tầm cao trí tuệ và tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được toàn quân, toàn dân tin yêu, mến phục, suy tôn là “Anh Cả của quân đội”, “Đại tướng của nhân dân”, “Tư lệnh của các Tư lệnh”, “Chính ủy của các Chính ủy”, “Tướng của các Tướng”, được quốc tế đánh giá là “Vị tướng của phong trào giải phóng dân tộc”.
Với tham luận “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tấm gương về người Bí thư QUTƯ mẫu mực, người Anh Cả của QĐND Việt Nam”, Đại tướng Lương Cường khẳng định: Với trọng trách cao nhất về lãnh đạo, chỉ huy quân đội, Đại tướng, Tổng Tư lệnh đã nêu tấm gương sáng về người Bí thư QUTƯ mẫu mực, thể hiện ở lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội; chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị làm cơ sở để quân đội tiến lên chính quy, hiện đại; quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự”, “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng quân đội; nêu gương sáng về phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giải quyết hiệu quả, hài hòa mối quan hệ giữa người chỉ huy với người lãnh đạo đơn vị; có đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ.
Những cống hiến của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng được đề cập sâu sắc, sinh động trong một số tham luận, tiêu biểu như tham luận: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng”, của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương...
|
Bộ trưởng Phan Văn Giang cùng lãnh đạo BQP và các đại biểu chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Vị tướng “văn, võ song toàn”
Với vai trò của người trực tiếp chỉ huy LLVT trong hai cuộc kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tỏ rõ là vị tướng tài thao lược. Trong quá trình đó, Đại tướng đã tập trung phân tích toàn cục nhưng cũng xoáy vào phân tích những yếu tố quan trọng để tìm ra giải pháp tốt nhất, cách đánh tốt nhất, từng bước chuyển hóa lực lượng, thế trận, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi quyết định. Đó cũng là quá trình Đại tướng góp phần hình thành đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và triển khai thực hiện thành công đường lối dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đề cập, làm rõ vấn đề này có các tham luận vai trò của Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với căn cứ địa Việt Bắc” của Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1; “Bộ đội Pháo binh vận dụng linh hoạt cách đánh hiệp đồng và độc lập theo chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Thiếu tướng Hoàng Quang Thuận, Chính ủy Binh chủng Pháo binh; “Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng Tham mưu về tổng kết chiến tranh. Ngoài ra, còn có các tham luận làm rõ vai trò của Đại tướng đối với đường Hồ Chí Minh trên biển, công tác huấn luyện chiến đấu, Bộ đội Pháo binh, lực lượng Công binh, bộ đội chủ lực Tây Nguyên, LLVT Thủ đô, ngành hậu cần quân đội...
Từ thực tiễn hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, nhận ra sức mạnh vô địch của nhân dân, Đại tướng đã không ngừng phát huy và đưa chiến tranh nhân dân Việt Nam lên tầm cao mới, trở thành nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cũng trong tham luận “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của QĐND Việt Nam”, cùng với khẳng định Đại tướng là nhà quân sự tài năng, xuất chúng, vị tướng mưu lược, quyết đoán, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng phát triển lý luận quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Tư tưởng, lý luận quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biểu hiện rõ trong một loạt vấn đề về đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ,… hết sức độc đáo, sáng tạo, hiệu quả; nghệ thuật quân sự “lấy yếu địch mạnh”, “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông”; quan hệ giữa tập trung và phân tán; tư duy so sánh tương quan lực lượng hai bên địch, ta; tư tưởng chiến lược tiến công; phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc; lý luận chiến tranh du kích, chiến tranh địa phương; phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân, giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động; chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật, đánh chắc thắng, hạn chế thương vong, đổ máu; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ; kết hợp đấu tranh vũ trang với chính trị, ngoại giao, khai thác mâu thuẫn nội bộ đối phương; vai trò của yếu tố chính trị, tinh thần; xây dựng hậu phương, bảo đảm hậu cần chiến lược,... Những quan điểm, tư tưởng đó tạo nên nét riêng biệt, độc đáo, đặc sắc trong lý luận quân sự Võ Nguyên Giáp. Đề cập đến nội dung này, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cũng có tham luận: “Vị tướng Chiến tranh nhân dân”.
Có thể khẳng định, quan điểm chiến tranh nhân dân và những kinh nghiệm chỉ đạo của Đại tướng để lại là cơ sở quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng LLVT ba thứ quân, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo tiền để đến năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại.
Không chỉ là vị Tổng Tư lệnh tài ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời kỳ giữ trọng trách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981-1991), Đại tướng đã góp phần quan trọng xác định phương hướng thực hiện cách mạng khoa học-kỹ thuật một cách đúng đắn, phù hợp, với việc kết hợp những bước đi tuần tự và những bước phát triển nhảy vọt, có trọng tâm trọng điểm, bảo đảm phục vụ kịp thời, có hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng vào những khâu chủ chốt, tạo sự chuyển biến tích cực để giải quyết những vấn đề của ngành giáo dục nước nhà và nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi; có nhiều ý kiến quan trọng, có giá trị với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Đề cập đến vấn đề này có một số tham luận, đáng chú ý như: “Đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quan điểm cách mạng khoa học- kỹ thuật là then chốt” của PGS, TS Bùi Nguyên Khánh, Quyền giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…
Những bài học kinh nghiệm và tài sản vô giá
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; thể hiện đầy đủ những đức tính cao quý của đạo làm tướng do Bác Hồ chỉ ra: “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”. Dù giữ cương vị cao, trọng trách lớn, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước vinh danh, tặng nhiều phần thưởng cao quý; nhân dân suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”; cán bộ, chiến sĩ mến phục, suy tôn là người “Anh Cả” của quân đội; bạn bè quốc tế thừa nhận là danh tướng của mọi thời đại... nhưng Đại tướng luôn sống bình dị, hiền hậu, tỏa sáng đức nhân văn cao đẹp của người cộng sản.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng luôn lấy “dĩ công vi thượng” làm đầu,… ra sức tự học, rèn luyện, phấn đấu, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn để tìm ra phương pháp, hình thức đấu tranh, tác chiến khoa học, phù hợp nhằm phát huy tối đa sức mạnh nhân tố con người, giành được thắng lợi to lớn nhất, nhưng hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về nhân lực, vật lực của cách mạng, của cán bộ, chiến sĩ, qua đó thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của Đại tướng với Tổ quốc, với nhân dân.
“Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Trọn đời thực hiện phương châm sống ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dù bất cứ đâu, hoàn cảnh nào cũng luôn phục tùng tổ chức, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm vì mục tiêu tối thượng là lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.
Những lời căn dặn ân cần của Đại tướng mỗi lần về thăm quê hương Quảng Bình được thể hiện sinh động qua tham luận “Học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng Đảng bộ Quảng Bình vững mạnh” của TS Cao Văn Định, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình. Đó là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn; là cần chú trọng phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững, lâu dài; là cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu... Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại những kinh nghiệm và bài học vô giá là điều được khẳng định, làm rõ trong nhiều tham luận, như “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – tấm gương “Dĩ công vi thượng””, của Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; “Bộ đội Biên phòng thực hiện lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Kiên cường dũng cảm trước kẻ thù, tận tụy với nhân dân” của Thiếu tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng...
Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành nguồn cảm hứng, là nguồn tư liệu đồ sộ, vô giá, đồng thời là tấm gương sáng để giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Những quan điểm, lý luận về xây dựng LLVT, quân đội cách mạng, về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, về xây dựng và phát triển đất nước; những kinh nghiệm chỉ đạo, chỉ huy của Đại tướng… đã trở thành tài sản vô cùng quý báu, cần được gìn giữ và vận dụng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(qdnd.vn)