Thứ Năm, 26/12/2024
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Thành công từ các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để lại nhiều bài học quý báu

Sáng 2/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự buổi họp mặt các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc nhân kỷ niệm 47 năm ngày đại thắng mùa Xuân (30/4/1975 – 30/4/2022).

 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho
Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương
 


Buổi họp mặt được Ban Liên lạc HSMN Trung ương tổ chức tại Dinh Thống Nhất TPHCM. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang.

Đại diện Ban Liên lạc HSMN có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM và hơn 400 đại diện các thế hệ HSMN.

Học sinh miền Nam đã đóng góp xứng đáng cho đất nước

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - cũng là một HSMN trưởng thành dưới mái trường miền Nam trên đất Bắc bày tỏ, buổi họp mặt có ý nghĩa lớn khi tổ chức tại Dinh Thống Nhất vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch nước chia sẻ niềm xúc động với các HSMN khi suốt trong những ngày xa nhà đã luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ, sự giúp đỡ của đồng bào miền Bắc và đặc biệt là sự dạy dỗ của thầy cô giáo.

Chủ tịch nước nhận xét, các thế hệ HSMN đã có bước trưởng thành vượt bậc, có đóng góp xứng đáng với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đề cập về các Trường HSMN trên đất Bắc, Chủ tịch nước khẳng định: “Đây là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục - đào tạo cách mạng của nước ta. Đó là một trong các vinh quang quý báu của nền giáo dục nước nhà”.

Chủ tịch nước nêu bật thành công từ mô hình Trường HSMN cho chúng ta nhiều bài học về chăm lo chuẩn bị nguồn nhân lực, về giáo dục - đào tạo các thế hệ cho mai sau, về việc thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện. Ở đó, học đi đôi với hành, nhà trường gắn với xã hội và từ tình thương yêu của người thầy cô giáo đã xây dựng tình thầy trò gắn kết đẹp đẽ.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thành tựu và bài học từ chủ trương đưa HSMN đào tạo trên đất Bắc cũng gợi mở cho chúng ta quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, với hội nhập quốc tế. Nước ta muốn phát triển được, phải thông qua nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua giáo dục - đào tạo. Và bài học từ Trường HSMN là bài học về sự chuẩn bị về nguồn nhân lực cho đất nước.

Mô hình Trường HSMN cũng cho thấy, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý HSMN được tuyển chọn từ những người ưu tú trong ngành giáo dục và các tỉnh miền Bắc để đào tạo tốt nhất cho những “hạt giống đỏ” của miền Nam. “Các thầy giáo, cô giáo vừa làm thầy, vừa làm cha mẹ để chăm lo cho học sinh của mình; những mái trường nội trú trở thành tổ ấm che chở cho những cánh chim non nớt, chập chững bay ra từ mảnh đất phương Nam nhiều khói lửa”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhớ.  

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch, tạo không gian xây dựng “Tượng đài Chuyến tàu Tập kết” và ”Bảo tàng Tập kết”; đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các HSMN cùng các địa phương, đơn vị, cá nhân đang chung tay xây dựng công trình ý nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thế hệ HSMN giờ đây dù ở vị trí nào, cũng tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, vì Tổ quốc, vì nhân dân; luôn gương mẫu ở cơ quan, đơn vị, là tấm gương của đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tiếp tục giáo dục con cháu học tập, trưởng thành trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Biểu tượng đẹp đẽ của tình Bắc – Nam ruột thịt       

Đại diện các thế hệ HSMN, đồng chí Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Liên lạc HSMN Trung ương cho biết, từ năm 1954 đến năm 1975, đã có hơn 32.000 thiếu niên, học sinh từ miền Nam tập kết ra miền Bắc bằng nhiều con đường khác nhau. Các học sinh đi bộ hoặc đi thuyền vượt qua giới tuyến tạm thời tại vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, Cửa Tùng), đi bộ theo giao liên quân sự dọc Trường Sơn từ Nam ra Bắc; đi máy bay từ Sài Gòn ra Hải Phòng, hoặc qua Hồng Kông, Quảng Châu - Trung Quốc rồi về Việt Nam. Nhưng đông nhất và để lại nhiều ấn tượng nhất là những đợt HSMN đi tập kết cùng với bộ đội và cán bộ từ Nam ra Bắc bằng tàu biển và đặt chân lên miền Bắc tại các bến cảng Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Hội (Nghệ An), Quý Cao (Thái Bình) và nhiều nơi khác.

Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, bất kỳ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, các Trường HSMN đều nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của Chính phủ, Bộ Giáo dục, Khu Giáo dục HSMN, mà còn của chính quyền và bà con các địa phương nơi trường trú đóng.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhớ lại những thời điểm nhân dân miền Bắc đứng trước nguy cơ đói thiếu, phải ăn cơm độn khoai sắn, rau củ, thực phẩm rất hạn chế, trẻ em thiếu ăn, thiếu mặc, rất cực khổ. Mặc dù hoàn cảnh chung khó khăn như vậy, nhưng HSMN vẫn được chu cấp đầy đủ quần áo, chăn màn, áo ấm, ăn cơm ngày 3 bữa không độn khoai sắn. Thức ăn có đầy đủ thịt cá, củ, đậu, rau xanh và có cả trái cây tươi. Nhiều nhóm HSMN (lúc đó đều ở trong nhà đồng bào) muốn đem phần cơm về nhà ăn để có thể chia sẻ cho các em bé trong nhà cùng ăn, nhưng cũng không được phép, vì lý do rất cảm động là “phải để cho HSMN ăn đầy đủ tiêu chuẩn, đặng có đủ sức khỏe học tập vì miền Nam ruột thịt!”.

Đồng chí Trương Hòa Bình cho biết, giáo viên và cán bộ, công nhân viên giảng dạy và công tác tại các Trường HSMN đều được tuyển chọn từ các trường có chất lượng cao và luôn coi HSMN như con em ruột thịt của mình. Ngoài tình cảm thầy - trò thông thường, còn có tình cảm rất đặc biệt “Vì miền Nam thân yêu!”.

Được nuôi dạy và chăm sóc chu đáo như vậy, HSMN cũng đã tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành. Hầu hết HSMN đều được đào tạo trong các Trường HSMN từ bậc Tiểu học đến tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển vào các Trường Đại học trong, ngoài nước. Nhiều HSMN đã trở thành các nhà khoa học trình độ cao, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nhân dân... Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, nhiều HSMN trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội, nhiều HSMN trở thành lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh, thành... Trong thời kỳ đổi mới, nhiều HSMN đã mạnh dạn tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, mang lại nhiều phúc lợi cho nhân dân, trở thành ngọn cờ đầu và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt là trong các thế hệ HSMN, có nhiều học sinh dân tộc đến từ Tây Nguyên.

“Những thành tựu đó có được là nhờ đường lối chủ trương đào tạo sáng tạo và đúng đắn của Bác Hồ, của Đảng, của Chính phủ và công ơn chăm sóc nuôi dạy của thầy cô, của đồng bào miền Bắc, với sự mong đợi và kỳ vọng của đồng bào miền Nam. Vì vậy, “hạt giống đỏ” đã đơm bông kết trái là thành quả của Đảng, của đất nước, của nhân dân - mãi mãi là của nhân dân!”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Về việc xây dựng “Tượng đài Chuyến tàu Tập kết” và ”Bảo tàng Tập kết” đặt trong khuôn viên Khu du lịch Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), đồng chí Trương Hòa Bình cho biết, công trình mang ý nghĩa sâu sắc đối với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc: cuộc chuyển quân lịch sử của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và con em miền Nam tập kết ra Bắc mà đa số được đón tiếp tại Bến cảng Sầm Sơn. Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các thế hệ HSMN tích cực tham gia đóng góp xây dựng công trình, nhất là phần thu thập, sưu tầm tư liệu, hình ảnh hiện vật gắn liền với việc chuyển quân lịch sử của cán bộ chiến sĩ, đồng bào và con em miền Nam tập kết ra miền Bắc, với các Trường và các thế hệ HSMN.

Nhân buổi họp mặt, Ban Liên lạc HSMN Trung ương phát động trong các thế hệ HSMN trên đất Bắc phong trào đóng góp kỷ vật liên quan đến tập kết và quyên góp quỹ xây dựng công trình “Tượng đài Chuyến tàu Tập kết” và “Bảo tàng Tập kết” tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Thời gian cuộc vận động quyên góp kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12-2022. Ngay ngày phát động quyên góp, các địa phương, đơn vị, cá nhân đã chung tay đóng góp gần 70 tỷ đồng; trong đó, TPHCM góp 10 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, từ năm 1954-1975, hơn 32.000 HSMN từ Bến Hải (Quảng Trị) đến Cà Mau ra Bắc đều khôn lớn, trưởng thành và có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy thời gian lùi xa, nhưng có thể khẳng định, các Trường HSMN trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục – đào tạo cách mạng. Sự thành công của trường học này là đào tạo lớp người vừa hồng vừa chuyên, gắn bó với vận mệnh của đất nước và hơn tất cả, các Trường HSMN trên đất Bắc là biểu tượng đẹp đẽ của tình cảm Bắc – Nam ruột thịt.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, các Trường HSMN trên đất Bắc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, nhưng những bài học và kinh nghiệm còn nguyên giá trị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ngày hôm nay và mai sau.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu bày tỏ vui mừng khi TPHCM được các thầy cô và cựu HSMN chọn là nơi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, các thế hệ đi sau luôn nhìn các HSMN là những tấm gương để phấn đấu. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, chủ trương đào tạo HSMN trên đất Bắc còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng cán bộ ngày hôm nay, cần tiếp tục nghiên cứu để làm sao thực sự xây dựng đội ngũ cán bộ, chăm chút các “hạt giống đỏ” trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM đã kiểm soát được dịch Covid-19, việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ, khá đồng bộ. Trong thời gian tới, TPHCM tập trung cao độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - một nội dung quan trọng trong chủ đề năm 2022 - tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Quý 2-2022, sẽ tiến hành tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội và kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách giúp TPHCM phát triển đúng vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước.

Đồng thời, TPHCM tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng số, hạ tầng xã hội để tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của TP. Trong phát triển hạ tầng, TPHCM đặc biệt quan tâm kết nối Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới. Những công trình, dự án trọng điểm đang và sắp triển khai là: đường Vành đai 3, Vành đai 4, nghiên cứu đường sắt kết nối TPHCM - Cần Thơ, đường sắt kết nối vùng, và các dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), TPHCM - Chơn Thành.

(sggp.org.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác