Sáng 16/8, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI tổ chức Hội thảo khoa học "Lý luận - Thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo
|
Dự hội thảo có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Cùng dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, các nhà khoa học.
Đây là lần thứ hai Ban Chỉ đạo tổ chức Hội thảo "Lý luận-Thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", sau Hội thảo lần thứ nhất tại Hải Phòng ngày 20/7 vừa qua. Kết quả của 2 hội thảo này là cơ sở rất quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI nghiên cứu, xây dựng báo cáo và các văn bản liên quan trình Bộ Chính trị và Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu-bài học truyền thống quý báu của ông cha ta trong lịch sử dân tộc. Tuân thủ quy luật và kế thừa bài học truyền thống đó, Đảng ta đã vận dụng, phát triển thành 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó bảo vệ Tổ quốc là điều kiện, tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững.
Nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nhận thức, tư duy, lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc đã không ngừng phát triển, đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng.
Chủ tịch nước nêu rõ, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại Hội thảo này, các đại biểu đã khẳng định Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc là văn kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đề cập cơ bản, toàn diện các vấn đề liên quan đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Thống nhất với các đại biểu tại Hội thảo về quan điểm cơ bản trong lý luận và thực tiễn, Chủ tịch nước nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đó là, phải luôn giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quyết định phẩm chất cách mạng, quyết định sự thắng lợi toàn diện của sự nghiệp quốc phòng an ninh và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ 2, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; cần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị với nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nâng cao tinh thần cảnh giác và có ý thức giữ gìn đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ 3, cần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.
Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, cần tăng cường sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, triển khai đồng bộ nhóm giải pháp có tính chất chuyên sâu, trong đó xây dựng "thế trận lòng dân" để bảo vệ Tổ quốc được coi là giải pháp nền tảng, một trong những nhiệm vụ thường xuyên, là vấn đề hệ trọng, cấp thiết để bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thứ 4, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt, không lơ là, mất cảnh giác trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng-an ninh trong giai đoạn mới phải là phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Thứ 5, cần kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là 2 nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng nước ta, là quan hệ có tính quy luật trong truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc.
Vì thế, nhận thức được việc này trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay làm cơ sở cho những chỉ đạo thực tiến là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Thứ 6, cần quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, giữ nước từ sớm, từ xa. Bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần phát huy kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược có liên quan trong thời gian tới một cách sát thực, hiệu quả để tạo môi trường hòa bình, ổn định, hiệu quả, rộng rãi để xây dựng và phát triển đất nước.
(baochinhphu.vn)