Thứ Sáu, 13/9/2024
Công tác dân vận thời kỳ đầu nền độc lập quốc gia

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học bổ túc văn hóa
của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (ngày 27/3/1956)

“Tuần lễ vàng” góp vào “Qũy Độc lập”

Ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia” và “Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”.

Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 - 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nói rõ về việc này. Người viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa “Tuần lễ vàng” là ở đó” (Báo Cứu quốc, số 45, ngày 17/9/1945).

Trong “Tuần lễ vàng” các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lượng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lượng (khoảng 1.923 kg). Như vậy, “Tuần lễ vàng” tổng cộng thu được 2.293 kg hoặc 59.618 lượng vàng.

Chống giặc đói

Ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người cho rằng vấn đề cấp bách đầu tiên trong sáu “vấn đề cấp bách hơn cả” là “nhân dân đang đói”. Người đề nghị Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Người cũng đề nghị: “Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”(3).

Giữa tháng 9/1945, Chính phủ ta đã tổ chức một lễ phát động phong trào cứu đói. Buổi lễ này được tổ chức tại Nhà hát lớn (Hà Nội). Nhà tư sản dân tộc yêu nước Ngô Tử Hạ, chủ tịch buổi lễ, đã đọc lời kêu gọi toàn dân hãy nhường cơm sẻ áo, mỗi nhà bớt một chút gạo để cứu giúp những người đang đói. Đích thân cụ Ngô Tử Hạ kéo chiếc xe bò dẫn đầu đoàn người tham gia phong trào cứu đói qua phố Tràng Tiền (Hà Nội). Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền. Đi chưa hết một vòng thì xe gạo đã đầy. Về đến Nhà hát lớn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Ngô Tử Hạ báo với Người xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô... Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã chỉ vào xe gạo nói rằng: “Đây mới là gạo đại đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất”.

Trong Thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu quốc ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(4).

Hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp cả nước, nhân dân ta lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”. Từ đó hàng vạn tấn gạo đã được nhân dân cả nước đóng góp, chia sẻ với đồng bào đang chịu thảm họa của nạn đói. Tiếp đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn áp dụng ngay một số biện pháp cụ thể như nghiêm trị những kẻ đầu cơ, tích trữ thóc gạo; cấm dùng gạo vào các công việc chưa thật sự cần thiết như nấu rượu, làm bánh; cấm xuất khẩu gạo, ngô, đậu; cử một ủy ban lo việc vận chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc...

Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội Cứu đói được tổ chức xuống tận các làng. Ngày 28/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thiết lập Ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế. Ngoài Bộ Cứu tế, một số bộ khác cũng có nhiệm vụ cứu tế và tiếp tế.

Trong tháng 10 và 11 năm 1945, Chính phủ ban hành nghị định giảm 20% thuế ruộng đất, miễn thuế hoàn toàn cho những vùng lụt. Bộ Quốc dân Kinh tế ra thông tri quy định việc kê khai số ruộng đất vắng chủ, số ruộng công và ruộng tư không làm hết, tạm cấp cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Bên cạnh đó, ngày 19/11/1945, Chính phủ thiết lập Ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Nhiều chính sách đã được triển khai đồng bộ lúc này như việc ra báo để hướng dẫn nhân dân sản xuất, cho nhân dân vay thóc, vay tiền để sản xuất, cử cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, gia cầm, chi ngân sách sửa chữa các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới.

Trong bài viết “Gửi nông gia Việt Nam” in trên Báo Tấc đất (12/1945),  Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc tăng gia sản xuất: “Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập”(5).

Cho đến đầu năm 1946, công tác đê điều đã hoàn thành. Đồng thời với việc đắp đê, chính quyền và nhân dân tất cả các địa phương ra sức cải tạo đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê để trồng trọt, nhất là hoa màu ngắn ngày.

Nhờ đó, chỉ trong năm tháng từ tháng 11/1945 đến tháng 5/1946, sản lượng lương thực, chủ yếu là hoa màu, đạt tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Nạn đói cơ bản đã được giải quyết. Trong lễ kỷ niệm một năm độc lập, Quốc khánh diễn ra vào ngày 2/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.

Chống giặc dốt

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ hơn 90% đồng bào chúng ta mù chữ và do đó Người đã đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Sau đó, Nha Bình dân học vụ được thành lập, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có “ít ra là một lớp bình dân” và cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.

Sau đó, ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Người viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”(6).

Với phong trào Bình dân học vụ, trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là cơ sở để Đảng và Chính phủ ta thực hiện tiếp theo những lớp bổ túc văn hóa đã xóa mù chữ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân đều “được đi học”(7).

Chống giặc ngoại xâm

Ngày 23/9/1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, 6.000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Ngay trong sáng 23/9/1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã cấp tốc họp, chủ trương kiên quyết kháng chiến. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta. Ngay ngày hôm đó, Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến. Quỹ Nam Bộ kháng chiến cũng ra đời. Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men động viên, cổ vũ đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

Ngày 29/9/1945, Báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đặc biệt, viết: “Ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, hàng vạn người xung phong đầu quân vào Nam giết giặc. Hầu hết các tỉnh đều lập “Phòng Nam Bộ” ghi tên các chiến sĩ tình nguyện… Ngay từ tuần lễ đầu, nhiều chi đội lên tàu vào Nam, gồm các đơn vị Giải phóng quân từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh. Hầu như ngày nào, trên các chuyến tàu vào Nam cũng đều có quân Nam tiến…”. Thành phần vào Nam chiến đấu bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt lứa tuổi, có cả thanh niên, sinh viên, học sinh, nhà giáo, nhà văn, công chức, thậm chí có cả các nhà sư, Việt kiều mới về nước. Hải Dương, Quảng Ninh có các cụ thành lập thành một trung đội cũng đăng ký lên đường vào Nam chiến đấu...

Đảng và Nhà nước ta đã khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chi viện Nam Bộ kháng chiến. Bởi thế, vào ngày 30/9/1945, thực dân Pháp trong thế túng quẫn phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(8)./.

Nguyễn Toàn

-----------------------------------

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 5, tr. 700.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2000, tập 8, tr.1-3.

4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 31, tr. 7-8.

6. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 36.

7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 438; tập 4, tr. 89.

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất