Thứ Năm, 26/12/2024
Đồng chí Lê Hồng Phong với công tác vận động quần chúng

 Chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng
của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và vợ là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
trong Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (06/9/1902 - 06/9/2022)
tổ chức tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. 
Ảnh : VGP


Được Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt và được đào tạo cơ bản theo lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí Lê Hồng Phong đã phát huy vai trò to lớn trong việc khôi phục tổ chức Đảng sau thoái trào cách mạng trong giai đoạn 1931-1935, có nhiều đóng góp vào việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có vấn đề vận động quần chúng, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 06/9/1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân lao động. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong bắt đầu từ năm 1923 khi cùng Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, đồng chí Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Năm 1925, đồng chí Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo lớp đầu tiên của cách mạng nước ta.

Khôi phục hệ thống tổ chức Đảng, xây dựng đường lối mới

Năm 1931, tình hình trong nước có nhiều biến động, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, gây tổn thất lớn cho Đảng và quần chúng cách mạng, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng do Hội nghị lần thứ nhất (10/1930) bầu ra lần lượt bị thực dân Pháp bắt. Cách mạng Việt Nam lâm vào giai đoạn thoái trào.

Nhằm khôi phục Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng ở Đông Dương, tháng 11/1931, Quốc tế Cộng sản cử các đồng chí Lê Hồng Phong và Trần Đình Long về Đông Dương tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam(1). Đầu năm 1932, khi đến thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc với các đồng chí Hoàng Đình Dong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn thành lập một tổ công tác ở Long Châu để gây dựng tổ chức Đảng.

Tháng 6/1932, đồng chí Lê Hồng Phong cùng các đồng chí của mình vạch ra Chương trình hành động của Đảng. “Chương trình hành động của Đảng” là một văn kiện chính trị quan trọng, khẳng định sự đúng đắn và nhất quán với đường lối cách mạng được Đảng ta vạch ra từ năm 1930, đánh giá cao thắng lợi của quần chúng cách mạng trong cao trào 1930 - 1931, đồng thời nghiêm khắc chỉ ra những sai lầm trong Đảng và đề ra yêu cầu kiên quyết khắc phục sai lầm, đưa cách mạng tiến lên”(2). Bản Chương trình hành động đã được Quốc tế Cộng sản công nhận là một văn kiện quan trọng tạo ra sự thay đổi nhất định cho phong trào và trên thực tế, từ 1932, tổ chức Đảng và phong trào quần chúng đã được phục hồi ở nhiều nơi, tạo cơ sở cho sự tiến triển ở những năm sau trong điều kiện mới.

Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 15/6/1932 khẳng định: “Kinh nghiệm hai năm đấu tranh dạy ta rằng con đường giải phóng độc nhất chỉ là con đường võ trang đấu tranh của quần chúng thôi”. Chương trình vạch ra phương hướng chiến lược của cách mạng là: “Công nông Đông Dương dưới quyền chỉ đạo của Đảng Cộng sản sẽ nổi lên võ trang bạo động thi hành cho được những nhiệm vụ sau này của cuộc cách mạng phản đế và điền địa, rồi sẽ cùng nhau giỏi bước tiến lên để đạt xã hội chủ nghĩa”(3).

Để đạt được thành công, Chương trình chỉ rõ con đường tranh đấu là phải đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể. “Cần phải tổ chức hẳn hoi…, cần phải kiên cố những đoàn thể cách mạng quần chúng, nhất là Công hội đỏ, Nông hội”(4). Để chuẩn bị cho việc võ trang bạo động sau này, Chương trình đề ra nhiệm vụ là Đảng phải lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành những quyền lợi thiết thực hàng ngày, rồi dần đưa quần chúng tiến lên đấu tranh cho những yêu cầu chính trị cao hơn, kết hợp giữa những yêu cầu khẩn cấp trước mắt với những nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng phản đế và điền địa.

Chương trình hành động của Đảng còn đề ra những yêu cầu cụ thể riêng đối với việc xây dựng các tổ chức, các giai tầng như đối với công nhân, nông dân, binh lính, tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công, dân nghèo thành thị, thanh niên, phụ nữ, các dân tộc thiểu số…

Để xây dựng và củng cố các tổ chức quần chúng, Chương trình còn nêu rõ nhiệm vụ của Đảng là phải ra sức tuyên truyền rộng rãi các khẩu hiệu đấu tranh, mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng. Đặc biệt, Chương trình yêu cầu “Phải gây dựng một đoàn thể bí mật, có kỷ luật nghiêm nhất, cứng như sắt, vững như đồng, tức Đảng Cộng sản để hướng đạo quần chúng trên con đường giai cấp chiến đấu”(5).

Chương trình hành động còn yêu cầu “Phải đào tạo và kiên cố những đoàn thể và giai cấp của ta, phải tổ chức quảng đại quần chúng công nhân cho đến các các lớp còn hậu tiến nhất”. Chương trình kêu gọi: “Anh em, chị em hãy đồng tâm hiệp lực, kéo nhau vào đoàn thể cách mạng của ta, sắp đặt hàng ngũ cho chỉnh tề, lo dự bị võ trang bạo động, kỳ đánh đổ được quân áp bức(6). 

 Chủ trương đấu tranh trước mắt do Đảng vạch ra trong chương trình hành động năm 1932 phù hợp với điều kiện lịch sử trong nước lúc bấy giờ. Nhờ vậy, phong trào cách mạng của quần chúng cũng như các tổ chức đảng dần được khôi phục.

Chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng

Trong thời gian này, đồng chí Lê Hồng Phong còn viết bài Tình hình và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó chỉ ra vai trò và nhiệm vụ quan trọng của Đảng là đưa quần chúng thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến. Về công tác vận động quần chúng, bài viết chỉ rõ: “Cái nhiệm vụ cần nhất ấy của Đảng Cộng sản là lúc nào cũng đứng đầu quần chúng vận động, phải biết học hỏi và phân tích mỗi thời kỳ tranh đấu phát triển bênh vực hết sức quyền lợi của giai cấp thợ thuyền và dân cày…”(7).

Từ tháng 10/1932 đến tháng 3/1933, đồng chí Lê Hồng Phong mở lớp bồi dưỡng cho hơn 20 người từ trong nước sang, cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, đường lối cách mạng của Đảng, cách thức tiến hành công tác vận động, tổ chức quần chúng. Trong số cán bộ đó có một số đồng chí sau này trở thành những người lãnh đạo nòng cốt của Xứ ủy Bắc Kỳ như Hoàng Đình Dong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi…(8).

Tháng 3/1934, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí tiến hành Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước (lúc đó gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng). Ban Chỉ huy ở ngoài có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập là Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Ban Chỉ huy ở ngoài đã chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Tháng 6/1934, Ban Chỉ huy ở ngoài họp, có thêm đại biểu từ Đảng Cộng sản Xiêm (tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương tại Thái Lan), ra nghị quyết về vấn đề tổ chức, quyền hạn của Ban Chỉ huy ở ngoài. Do Ban Chấp hành Trung ương ở trong nước tan vỡ, Hội nghị chủ trương "Ban Chỉ huy ở ngoài giữ vai trò là người lãnh đạo tổ chức, sẽ tổ chức lại cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương". Ngày 20/12/1934, Quốc tế Cộng sản chỉ thị cho Ban Chỉ huy ở ngoài, quy định Ban Chỉ huy ở ngoài là "một cơ quan lâm thời, tồn tại song song với Trung ương, nhưng có nhiệm vụ đặc biệt", liên lạc giữa Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản và các đảng anh em khác; đào tạo cán bộ Đảng cho xứ Đông Dương, xuất bản Tạp chí Bônsêvíc...

Sau hội nghị, Ban Chỉ huy ở ngoài bắt liên lạc với các cơ sở trong nước và cử các thành viên về nước để xây dựng, thành lập các xứ ủy và chuẩn bị cho Đại hội Đảng.

Theo kế hoạch đã định, từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương được tiến hành tại Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, dân tộc thiểu số, về công tác mặt trận phản đế, đội tự vệ và đội cứu tế đỏ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng gồm 9 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư.

Đại hội đề ra ba nhiệm vụ chính gồm: Củng cố và phát triển Đảng; Thu phục quảng đại quần chúng lao động và Chống đế quốc chiến tranh.

Về nhiệm vụ thu phục quần chúng, Đại hội xác định: “Đảng mạnh là căn cứ vào ảnh hưởng và thế lực của Đảng trong quần chúng. Nếu Đảng không liên hệ mật thiết với quần chúng, không được họ tán thành và ủng hộ những khẩu hiệu của Đảng, thì những nghị quyết cách mạng của Đảng chỉ là lời nói không… Muốn đưa cao trào cách mạng mới lên trình độ cao, tới toàn quốc vũ trang bạo động, đánh đổ đế quốc phong kiến, lập nên chính quyền Xô-viết thì trước hết cần phải thu phục quảng đại quần chúng. Thâu phục quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ trung tâm, căn bản, cần kíp của Đảng hiện thời”(9).

Để thực hiện được việc thu phục quần chúng, Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ như: Bênh vực quyền lợi của quần chúng, củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên Cộng sản, Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ; chú ý đến các dân tộc thiểu số, phụ nữ, binh lính; lập Mặt trận Thống nhất phản đế, lôi kéo quần chúng trong các tổ chức quốc gia cải lương, quần chúng trong các tổ chức cách mạng tiểu tư sản.

Chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ nhất, nhất là về công tác vận động quần chúng đã góp phần khôi phục các tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng, đưa cách mạng Việt Nam sang giai đoạn phát triển mới.

 Năm 1935, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva (Liên Xô) từ ngày 25/7 đến ngày 25/8/1935. Đồng chí đã trình bày một bản báo cáo quan trọng về cuộc đấu tranh của các dân tộc ở Đông Dương và đã được Đại hội đánh giá cao. Đại hội đã thông qua quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Đầu năm 1936, đồng chí Lê Hồng Phong về Trung Quốc bắt liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài. Ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất (Hội nghị Trung ương lần thứ hai), quán triệt và vận dụng chủ trương của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản vào tình hình cách mạng Đông Dương. Hội nghị chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, bao gồm các hình thức đấu tranh, hình thức hoạt động phong phú từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, bán công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, nhằm mục đích "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển".

Hội nghị xác định nhiệm vụ trước mắt là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Hội nghị quyết định “Lập mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi chính để bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau tranh đấu để đòi những điều dân chủ thô sơ”(10). Hội nghị xác định “Mặt trận nhân dân phản đế là cuộc liên hiệp các giai cấp trong toàn dân tộc bị áp bức đặng đấu tranh đòi những điều quyền lợi hàng ngày cho toàn dân, chống đế quốc thuộc địa vô nhân đạo để dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân giải phóng được phát triển”(11).

Hội nghị cũng đã đề ra các phương pháp cách mạng, phương pháp vận động, tập hợp quần chúng nhân dân; chủ trương chuyển hình thức tổ chức bí mật không hợp pháp sang các hình thức tổ chức và đấu tranh công khai, nửa công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp nhằm mở rộng quan hệ giữa Đảng với quần chúng, giáo dục và lãnh đạo quần chúng đấu tranh bằng các hình thức và khẩu hiệu thích hợp. Từ năm 1937, tên gọi của các tổ chức “đỏ” đều được đổi thành các hội phản đế để hoạt động công khai như: Thanh niên Cộng sản đổi thành Thanh niên phản đế, Cứu tế đỏ đổi thành Cứu tế bình dân, Công hội đỏ thành Hội Công nhân...

Từ năm 1936, với tư cách là Ủy viên Ban Thường vụ, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu dân chủ và giải phóng dân tộc(12). Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát. Tháng 01/1940, đồng chí Lê Hồng Phong lại bị bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn, rồi đày ra Côn Đảo và mất tại đây vào ngày 06/9/1942.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, từ năm 1932, cùng với sự hồi phục của các cơ sở Đảng cũng như của các tổ chức quần chúng, phong trào cách mạng dần được phục hồi và phát triển trên phạm vi cả nước. 

Các cuộc đấu tranh của công nhân xuất hiện trở lại ngay từ 1932 bất chấp sự khủng bố của địch và luôn giữ vai trò nòng cốt trong phong trào dân tộc nói chung.

Năm 1932 đã diễn ra 230 cuộc đấu tranh của công nhân, năm 1933 có 244 cuộc công nhân đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày, đòi thả tù chính trị; phong trào chống bắt phu, chống khủng bố… Sang thời kỳ 1936 - 1939, phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ của các tầng lớp nhân dân nổ ra mạnh mẽ. Từ năm 1936 đến năm 1939, cả nước diễn ra 800 cuộc bãi công của công nhân, nổi bật là cuộc tổng bãi công của công nhân mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, cuộc đình công của công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc, bãi công của thợ may ở Hà Nội (Bắc Kỳ); bãi công của công nhân làm tại 35 nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn, của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng (Nam Kỳ); phong trào đòi tự do nghiệp đoàn, phong trào lập Hội Ái hữu trên toàn quốc…

Cùng với công nhân, phong trào đấu tranh của nông dân, của các tầng lớp nhân dân khác như tiểu thương, tiểu chủ, dân nghèo thành thị, trí thức tiểu tư sản, học sinh, sinh viên với các khẩu hiệu đòi chia công điền cho dân cày, giảm tô, giảm tức, chống cướp ruộng đất…; chống chiến tranh, vì hòa bình, tự do dân chủ…. nổ ra rầm rộ trên cả nước.

Như vậy, với tư cách là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ Ban Chi ủy ở ngoài của Đảng đến cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt soạn thảo các văn kiện quan trọng của Đảng, từ Chương trình hành động tháng 6/1932, văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1935 đến văn kiện Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất (tức Hội nghị Trung ương lần thứ hai) tháng 7/1936. Đồng thời với việc chỉ ra những thiếu sót trong công tác vận động cách mạng, các văn kiện trên đã vạch ra chủ trương, phương hướng, cách thức khôi phục, phát triển tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, đưa cách mạng Việt Nam dần phục hồi và bước sang giai đoạn phát triển mới.

Trong các chương trình hoạt động của Đảng, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình nhận rõ vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân, đề ra các phương thức để tuyên truyền, vận động nhằm lôi kéo, tập hợp các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, binh lính, thợ thuyền đến tầng lớp tiểu thương; từ các dân tộc đến các tổ chức chính trị đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ, tiến tới vũ trang giành độc lập dân tộc.

Với đường lối vận động quần chúng đúng đắn của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, các tổ chức quần chúng cách mạng được phục hồi trong những 1932 - 1935, sau đó phát triển và mở rộng trong những năm 1936-1939. Các tổ chức quần chúng như Công nhân, Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ… được tập hợp trong Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, và đến tháng 8/1945, đoàn kết xung quanh Mặt trận Việt Minh, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành độc lập cho dân tộc.

***

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng oanh liệt của đồng chí Lê Hồng Phong sống mãi với non sông, đất nước, để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ những bài học sáng ngời. Đó là tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, nêu cao ý chí, tinh thần tiến công cách mạng triệt để, khí phách của người cộng sản. Học tập và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, ý chí kiên cường, quan điểm, phương pháp làm cách mạng, trong đó có tập hợp, vận động quần chúng nhân dân của đồng chí Lê Hồng Phong: “…Đảng Cộng sản là lúc nào cũng đứng đầu quần chúng vận động, phải biết học hỏi và phân tích mỗi thời kỳ tranh đấu phát triển bênh vực hết sức quyền lợi của giai cấp thợ thuyền và dân cày…”(13). Quan điểm, phương pháp vận động quần chúng của đồng chí Lê Hồng Phong - người luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân còn nguyên giá trị, sáng mãi đến hôm nay và mai sau./.

TS. Phạm Tất Thắng

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

--------------------

1, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.391; tr.26.

2. Nguyễn Phú Trọng: Diễn văn tại Lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (06/9/1902 - 06/9/2012). Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, ngày 6/9/2012.

3, 4, 5, 6, 7. 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 4, tr.10,12; tr.14; tr.14; tr.28; tr.318; tr.318.

8. PGS.TS. Lê Văn Yên: Các Tổng Bí thư thế hệ tiền bối của Đảng ta (1930-1990). Nxb. Thông tin và  Truyền thông, Hà Nội, 2020, tr.53.

10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 6, tr.144; tr.151.

12. Từ tháng 7/1937, đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư của Đảng.

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè