|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp.
|
Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), Phiên họp thứ 23 đã thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2022; chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; kết quả chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay; kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, càng làm càng có kinh nghiệm
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhìn lại năm 2022 và 10 năm qua, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được nhận thức sâu hơn, có quyết tâm cao hơn. Cách làm ngày càng bài bản, có lớp lang, có bước tiến mạnh hơn, hiệu quả hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Chúng ta làm nhân văn, nhân ái, nhân tình, nhưng vẫn đủ răn đe, giáo dục, ngăn ngừa là chính, song nếu phải xử lý thì nghiêm minh đúng pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm. Công tác phát hiện sớm, xử lý nhanh, sự phối hợp nhịp nhàng, bước nào làm trước, bước nào làm sau giờ đã thành bài bản. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì kiểm tra đảng làm trước, xong rồi đến xử lý hành chính, sau đó là đến cơ quan pháp luật.
Theo Tổng Bí thư, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã phát huy hiệu quả, nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời thể hiện đúng tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nêu cao tính gương mẫu, mẫu mực hơn.
Cùng với việc tập trung xử lý các vụ việc cụ thể, công tác xây dựng cơ chế, chính sách, quy chế, quy định được đẩy mạnh theo phương châm là phát hiện từ sớm từ xa. Vừa qua có nhiều cách làm mới được đánh giá cao, như xử vắng mặt, khuyến khích người vi phạm tự giác nhận, nộp lại tiền thì đó là yếu tố xem xét để giảm nhẹ hình thức xử lý. Khuyến khích người vi phạm tự giác không đi vào vết xe đổ cũng là một kinh nghiệm. Các cơ quan phòng, chống tham nhũng phối hợp nhịp nhàng, chủ động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan này, không được tư túi, hoặc bênh người này, dìm người kia. Đồng thời phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Tổng Bí thư cho rằng, phải tránh bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm; chống tình trạng “tham nhũng tập thể”, tham nhũng có tổ chức, tức là “lợi ích nhóm”, thông đồng với nhau, anh hưởng cái này tôi hưởng cái kia, xí xóa, hoặc giảm án cho nhau, nhiều cái thứ ngày càng tinh vi, lắm mưu mẹo lắm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cái nào tốt thì đẩy lên, cái nào thấy chưa hợp lý thì sửa, cái nào tiêu cực thì phải tìm cách ngăn chặn, để làm sao đỡ phải đi xử lý, ngăn chặn được là tốt nhất, không xảy ra là tốt nhất. Muốn như thế thì phải giáo dục, phải có cơ chế, cách làm, đặc biệt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng ở cấp cao càng phải gương mẫu, giữ mình, gia đình mình trong sạch thì mới nói người khác được. Đấy là bài học rất sâu sắc.
Tổng Bí thư mong muốn Ban Chỉ đạo phải là tấm gương đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tất cả các tỉnh, thành phố học tập, và mỗi thành viên Ban Chỉ đạo cũng phải hết mình vì công việc, vì Đảng, vì dân, vì nước, tuyệt đối không được vi phạm pháp luật, nếu phải hầu tòa thì đau lắm.
Vừa xử lý nghiêm vụ việc cụ thể vừa chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách
Tổng Bí thư đồng tình với báo cáo và các ý kiến phát biểu tại phiên họp. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2022. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 50 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về chủ trương phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á,… Nhiều quy định đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành.
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện 640 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đã hoàn thành sửa đổi Luật Thanh tra, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoàn thành rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực, các quy định liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán; qua đó phát hiện nhiều sơ hở, bất cập; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, quy định để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tiến hành đồng bộ; kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp, tạo bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân, dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV); các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng hơn 2 lần so với năm 2021).
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng được chú trọng, tăng cường; trong năm đã xử lý kỷ luật hơn 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó chuyển xử lý hình sự 74 trường hợp.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh; phát hiện, xử lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tạo bước đột phá quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Trong năm 2022, cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021).
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án; kết luận điều tra 21 vụ/285 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 19 vụ/290 bị can, xét xử sơ thẩm 16 vụ/244 bị cáo, xét xử phúc thẩm 12 vụ/81 bị cáo; xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Điểm nổi bật là, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, rất phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân (lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm, buôn lậu,…); khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó có 17 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đặc biệt là, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã khẩn trương kết luận điều tra, truy tố, đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ngay cả khi bị cáo đầu vụ và một số đồng phạm đã bỏ trốn, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Việc chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực có kết quả tốt; công tác giám định, định giá tài sản và công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo đã thành lập 8 Đoàn kiểm tra về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.
Thường trực của Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác giám định, định giá; tích cực chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giám định, định giá tài sản liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá hơn 364.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).
Các địa phương đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, nhiều Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt. Trong năm 2022, các địa phương trong cả nước đã phát hiện, khởi tố 453 vụ án tham nhũng (tăng 1,5 lần so với năm 2021); nhiều địa phương đã khởi tố vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đến nay có 24 địa phương đã khởi tố 27 vụ án/68 bị can.
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin bài, phóng sự về kết quả nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng hơn 2 lần so với năm 2021), góp phần lan tỏa quyết tâm của Đảng, Nhà nước; tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên một số lĩnh vực, như trong quản lý đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm,… Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm. Quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,...
Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn chưa có nhiều chuyển biến, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một số tỉnh, thành phố hoạt động còn chưa quyết liệt, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc nghiêm trọng
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Trước hết, xây dựng ý thức tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam.
Các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng và Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý những phản ánh, tố giác về tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan đến ngân hàng, tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá,… và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất.
Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản và các dự án luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật; tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Khẩn trương hoàn thành thanh tra các chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.
Các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung kết thúc điều tra 12 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc; truy tố 17 vụ án; xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án, trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan;
Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn II); Vụ án xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Các cấp ủy, tổ chức đảng chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở.
Cũng tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật; bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo biểu dương các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án; các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nội chính, các cơ quan báo chí ở Trung ương và các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, An Giang đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.
Chiều cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp báo về kết quả Phiên họp 23.
(nhandan.vn)