Thứ Năm, 26/12/2024
“Đưa chính trị vào giữa dân gian” - Sức truyền cảm trong văn phong ngôn ngữ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang
(thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

I. NỀN TẢNG VĂN HÓA, VĂN HỌC THẤM ĐƯỢM TÂM HỒN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người yêu văn chương từ nhỏ. Ông từng theo học Khoa Văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Tâm hồn văn thơ đã thấm vào cậu học sinh Nguyễn Phú Trọng từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này đã được ông kể lại khi về lại thăm trường cũ và dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều (nay là Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) ngày 14/11/2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc kỷ niệm vào năm 1962, lúc đang học lớp 10B, ông đã viết bài thơ nhan đề “Năm cuối cùng của đời học phổ thông” với cảm xúc hồn nhiên, trong sáng, chân thành. Trong bài thơ có đoạn: “Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/ Tôi học 10B - Nguyễn Gia Thiều/ Nay đã trở nên “người anh cả”/ Cuộc đời vui bay bổng cánh diều!”(1). Được biết, năm 1967, dưới sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp về đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” và là sinh viên duy nhất đạt điểm tối ưu duy nhất của khóa học đó(2).

Trải qua quá trình học tập, nghiên cứu và công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp cận, hấp thụ được nhiều kiến thức tổng hợp về văn học, triết học, kinh tế chính trị, xây dựng Đảng, vì thế trong các bài nói, bài viết, bài phát biểu của ông đã vận dụng, thể hiện hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa tri thức khoa học và tri thức văn hóa, giữa những định hướng chỉ đạo mang tầm khái quát chiến lược với những câu văn, lời nói giản dị, súc tích, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Qua nghiên cứu nhận thấy, một trong những đặc điểm nổi bật trong văn phong của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vận dụng thành thạo, nhuần nhuyễn ngôn ngữ giản dị mà rất đỗi sâu sắc của ông cha ta, nhất là ông đã sử dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao và kế thừa, hấp thụ, tiếp nối một cách sáng tạo những “lời vàng ý ngọc” từ các câu danh ngôn, triết lý, những áng thơ hay của các danh nhân, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài.

Vận dụng nhuần nhuyễn tục ngữ, thành ngữ, ca dao dân tộc

Thấm nhuần ý nghĩa của các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao phản ánh sinh động đời sống văn hóa tinh thần, tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, phong tục, kinh nghiệm, nếp sống, nếp ứng xử của ông cha ta trong cuộc sống, cũng như trong lao động sản xuất, đấu tranh dựng nước, giữ nước,… trong nhiều bài nói, bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng lối nói dân gian này để làm tăng giá trị, sức truyền cảm của các nội dung thông điệp chính trị.

Từ hàm ý câu tục ngữ “Phép vua thua lệ làng” phê phán tình trạng coi luật lệ quy định của địa phương, làng xã còn có quyền uy hơn cả kỷ cương phép nước của xã hội; từ thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là ở các địa phương, các cơ sở có biểu hiện chấp hành không nghiêm túc kỷ luật Đảng, luật pháp nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Cần tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng cục bộ, “phép vua thua lệ làng”, thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc”(3).

Dân ta có câu tục ngữ “Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly” với hàm ý khích lệ, đề cao lòng tự trọng, ý chí vươn lên trong học tập của học sinh để không thua kém bạn bè. Từ câu tục ngữ này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly”(4), nhằm lưu ý các cấp ủy, tổ chức đảng và những người làm công tác nhân sự khi đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ phải hết sức trung thực, công tâm, khách quan, vì trong tâm lý con người, ai cũng ít nhiều có sự so đo, tính toán thiệt hơn; vì chức vụ của mỗi người liên quan đến danh dự, chính sách hưởng thụ, nên càng phải đánh giá chính xác, sử dụng đúng tài năng và bố trí đúng công việc cho cán bộ.

Nhấn mạnh những người làm công tác nhân sự nói chung, tiểu ban nhân sự đại hội đảng các cấp nói riêng phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, tinh ý để lựa chọn được những cán bộ hội tụ đủ tài năng, đức độ, uy tín bầu vào cấp ủy đảng các cấp, trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng hai câu thành ngữ “nhìn gà hóa cuốc”, “thấy đỏ tưởng là chín” nhằm khuyến cáo các cấp ủy, người làm nhân sự không được phép nhầm lẫn trong việc đánh giá cán bộ. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Tiểu ban nhân sự phải là những cán bộ thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường, (“đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”)(5).

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói về con người cán bộ luôn là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, nhất là khi nói về nhược điểm, khuyết điểm của nhau. Do vậy, nếu không có sự sắp xếp, bố trí cán bộ một cách khoa học, không tính đến lợi ích chung của cả tập thể, tổ chức và không quan tâm đến nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, thì rất dễ nảy sinh tâm lý tranh đua, giành giật nhau, dù đó chỉ là “miếng ăn”- một nhu cầu bản năng, nhưng cũng dễ sinh chuyện rắc rối, phức tạp khi việc phân phối lợi ích, bổng lộc không công tâm, công bằng. Bởi điều này đã được người xưa truyền lại qua câu ca dao: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất đi một miếng lộn gan lên đầu”(6).

Qua quan sát, nắm bắt từ thực tiễn cuộc sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận thấy nhiều tổ chức, cơ quan thiếu sự phối hợp chặt chẽ, có biểu hiện vừa co kéo quyền lợi, vừa ảo tưởng sức mạnh quyền lực của tổ chức, cơ quan mình. Vì thế trong nhiều hội nghị, Tổng Bí thư nhắc lại những câu thành ngữ mang ý nghĩa phê phán như “cua cậy càng, cá cậy vây”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để cảnh báo thực trạng nguy hại này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”(7).

Một trong những vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nêu ra là phải chú trọng giữ gìn sự đoàn kết thống nhất. Ông đã sử dụng hàng loạt thành ngữ như: Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng,... mang nội hàm gắn bó mật thiết nhằm làm sâu sắc hơn vai trò, giá trị, sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm biến nghị quyết thành hiện thực. Đây là một phương thức, cách làm mới, bài bản, khoa học, với tinh thần như tôi đã nói là: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi mới”(8).

Vận dụng thành thạo lời ăn tiếng nói dân gian

Vận dụng lời ăn tiếng nói của người dân vào trong hoàn cảnh ngôn ngữ phù hợp cũng góp phần gia tăng giá trị biểu cảm của bài nói, bài viết. Những câu nói đời thường của người dân đôi khi tưởng chất phác, đơn giản, nhưng sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng ngữ cảnh sẽ làm câu văn, lời nói trở nên gần gũi, sâu sắc, dễ lọt tai người nghe.

Nắm chắc đặc điểm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng nhiều từ ngữ, câu nói giản dị của người dân trong nhiều bài viết, bài nói nên tạo sức hút, hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội, được các tầng lớp nhân dân đón nhận.

Chủ trì Phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mượn hình ảnh “cái lò, que củi” gắn liền với việc khơi than đốt lò của người nông dân, rồi khẳng định: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. Sau thời điểm đó, cụm từ “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” được công luận liên tục nhắc đến như biểu thị sự hưởng ứng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống “quốc nạn” tham nhũng. Sức hút từ lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta đã đi vào lòng dân bởi khơi trúng tâm trạng bấy lâu nay của người dân là phải kiên quyết tiến công mạnh mẽ vào sào huyệt tham nhũng có nguy cơ làm lung lay thể chế chính trị ở nước ta.

Đề cập đến tình trạng tham nhũng vặt, nhìn từ cái bệnh ghẻ bám vào da thịt khiến người ta ngứa ngáy đau rát, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (TP Hà Nội) ngày 18/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh “con ghẻ” để ám chỉ tình trạng tham nhũng vặt khiến người dân cảm thấy bực bội, bức xúc: “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”. Việc so sánh các hành vi phiền hà, vòi vĩnh, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức đối với người dân thông qua hình ảnh “ghẻ ruồi” không chỉ nói lên vấn nạn tham nhũng vặt giống bệnh ghẻ ngứa gây khó chịu, mà còn muốn ám chỉ cái thứ bệnh này cũng tồn tại, đeo bám dai dẳng nếu như chúng ta không tự giác, tích cực làm sạch bản thân và làm sạch môi trường sống xung quanh mình.

Là người đứng đầu Đảng ta, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu nỗi lo về tình trạng tham ô, nhận hối lộ, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Chính vì thế, trong nhiều hội nghị quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều buổi làm việc với các cấp, các ngành, Tổng Bí thư luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân, giữ gìn liêm sỉ, lòng tự trọng, danh dự, không lóa mắt vì tiền bạc, không làm mất tư cách của người cộng sản, bởi: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”(9). Câu nói “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu” vốn là câu nói cửa miệng của người nông dân xưa nhằm ám chỉ những kẻ cường hào, trọc phú tham lam, chỉ biết vơ vét cho đầy túi; nay được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại như muốn đánh động, thức tỉnh lương tâm các quan chức chớ có bị cuốn vào dòng xoáy của đồng tiền tham ô, hối lộ làm nhơ nhớp phẩm giá con người, đến chết rồi mà vẫn chưa rửa hết “vết nhơ”!

Những năm gần đây, không ít cán bộ, đảng viên một mặt do bản thân thiếu tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức; mặt khác do cơ chế, chính sách, luật pháp còn nhiều kẽ hở nên có biểu hiện thao túng quyền lực rồi tha hóa, biến chất, tham nhũng, khiến nhân dân oán thán. Để phòng ngừa tình trạng này, trong buổi tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày 29/11/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”(10).

Người dân thường nói “Nhốt gà vào lồng” để chỉ tình trạng khống chế, kiểm soát không cho con gà đi lại tự do. Từ ý tứ dân giã này, câu nói “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” của Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc phải đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phải chuẩn mực hóa, pháp điển hóa việc kiểm soát quyền lực của quan chức các cấp, không để cán bộ tùy tiện lợi dụng những kẽ hở của hệ thống luật pháp nhằm thao túng quyền lực, vi phạm kỷ luật, tham nhũng, hại dân hại nước. “Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” chính là tạo ra một chiếc “vòng kim cô” buộc cán bộ có chức quyền phải làm việc, hành động trong/theo khuôn khổ quy định của luật pháp.

Từ câu nói “Thắng không kiêu, bại không nản” mà người dân hay nhắc nhở, động viên nhau; từ bài học kinh nghiệm mà cách mạng Việt Nam đã trải qua sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay dùng cụm từ “không say sưa với thắng lợi”, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” nhằm nhắc nhở một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức, cơ quan, đơn vị sớm có biểu hiện mãn nguyện mà không lường trước được những khó khăn, chông gai còn đầy ở phía trước phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mới có thể vượt qua. Dù bày tỏ niềm tự hào rằng, chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế như hiện nay, nhưng Tổng Bí thư luôn nhắc nhở: “Tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, bởi vì như lời bộc bạch chân thành của ông: “Chúng ta tự hào với tất cả những gì đã làm được, song cũng còn trăn trở, day dứt trước những điều chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn”. 

Vận dụng triết lý, văn thơ của các danh nhân, nhà văn, nhà thơ lớn

Cùng với vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo nhiều tục ngữ, thành ngữ, ca dao, trong nhiều bài phát biểu, bài viết, bài nói của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn trích dẫn, sử dụng nhiều câu triết lý, danh ngôn, văn thơ của các danh nhân, nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam và nước ngoài để làm cho câu từ, chữ nghĩa thêm sinh động, phong phú, phù hợp với ngữ cảnh diễn ngôn.

Danh nhân văn hóa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích dẫn nhiều câu từ nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ, nhất là phong cách ngôn ngữ quần chúng giản dị, gần gũi, dễ hiểu mà cũng rất sâu sắc. Trong nhiều bài nói, bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư đã nhắc lại nhiều câu từ, ý tứ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hiện bổn phận “đầy tớ”, “công bộc” của dân; về chống chủ nghĩa cá nhân, đề phòng cảnh giác với những “viên đạn bọc đường”; phê phán thói cửa quyền, hách dịch của những “quan cách mạng”, “ông vua con” ức hiếp quần chúng; về việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật theo phương châm “chặt một cành sâu để cứu cả cái cây”...

Đại thi hào Nguyễn Du cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích dẫn, vận dụng khá nhiều câu thơ hợp thời, hợp cảnh, hợp với nội dung thông điệp chuyển tải. Ngày 26/6/2006, sau khi được Quốc hội khóa XI bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông đã hứng lẩy hai câu Kiều “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không”. Sau này, phát biểu khi nhậm chức Chủ tịch nước ngày 23/10/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự rằng, lẩy hai câu Kiều đó trong ngày đầu giữ trọng trách trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào vì ông cảm thấy vừa mừng, vừa lo, phần lo nhiều hơn vì không biết có hoàn thành nhiệm vụ không. Lời bộc bạch ấy thể hiện đức tính khiêm nhường của một nhân cách lớn.

Trong bài “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, không dưới hai lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích dẫn những áng thơ tuyệt tác trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy khi chọn cán bộ: “Phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc” (“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”)(11). Tổng Bí thư cũng lưu ý thêm, để chọn được những hạt nhân tiêu biểu vào đội ngũ cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, đại hội các cấp đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu (“Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già!”)(12).

Khẳng định sức mạnh vô địch của nhân dân, của “thế trận lòng dân” trong cuộc trường chinh đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy gian lao mà vĩ đại của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không quên nhắc lại câu nói bất hủ của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi từ thế kỷ XV đã đúc kết: “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể chở thuyền, nhưng nước cũng có thể lật thuyền”(13).

Khi chủ trì làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 3/9/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu thơ trong bài “Dậy mà đi” của Tố Hữu viết từ năm 1941: “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại” nhằm động viên, nhắc nhở đội ngũ cán bộ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh càng trong gian khó càng phải nung nấu ý chí quyết tâm, làm việc tốt hơn, không sợ khuyết điểm, vì có làm mới có khuyết điểm, miễn là khuyết điểm đó không bắt nguồn từ động cơ vụ lợi. Bài học cần rút ra là không vì sai phạm của một số cán bộ của thành phố bị kỷ luật, xử lý hình sự mà cán bộ đương chức nản lòng, nhụt chí, vì sai lầm của người khác chính là kinh nghiệm để mình không vấp váp như họ.

Từ ý tứ bài thơ “Đất Vị Hoàng” của nhà thơ trào phúng nổi tiếng Trần Tế Xương (Tú Xương), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhắc lại về kỷ cương phép tắc từ mỗi gia đình, làng xã đến cả quốc gia thì thời nào, thể chế nào cũng phải rất coi trọng, đúng với tinh thần “quốc có quốc pháp, gia có gia quy” (nước có luật pháp của nước, nhà có quy định của nhà). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”; không có cái kiểu “Nhà kia lối phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc”(14).

Ngoài việc trích dẫn, vận dụng những triết lý, danh ngôn, câu thơ nổi tiếng của các danh nhân, nhà thơ lớn của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn tiếp thu, vận dụng tinh tế những “lời vàng ý ngọc” của danh nhân, nhà văn tên tuổi ở nước ngoài.

Là người am hiểu triết học cả phương Đông và phương Tây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới hình ảnh “lâu đài và nhà tranh” của nhà triết học cổ điển Đức Ludwig Feuerbach để thể hiện nỗi lo canh cánh về sự phân hóa giàu nghèo trong Đảng. Tổng Bí thư trăn trở: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức Ludwig Feuerbach đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?”(15).

Có nhiều năm tháng học tập, nghiên cứu tại Liên Xô, chàng thanh niên Nguyễn Phú Trọng một thời từng say mê tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô (cũ) Nikolai A.Ostrovsky, với hình tượng người chiến sĩ cộng sản Pavel Korchagin đã in sâu trong tâm trí bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ nhờ câu nói nổi tiếng: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”.

Mô phỏng ý tứ câu nói bất hủ này, Tổng Bí thư nhắc lại với nội hàm sâu sắc hơn, tha thiết hơn, phù hợp hơn với nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của cán bộ, đảng viên thời nay và có sức truyền cảm, lay động tâm can con người: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”(16).

II. GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người yêu thích và am hiểu văn chương, trân quý lời ăn tiếng nói dân gian và truyền thống trọng thơ ca của nhân dân Việt Nam. Ông từng có 30 năm gắn bó với nghề báo, làm công tác nghiên cứu, viết bài và biên tập ở Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do vậy ông sử dụng thành thạo văn phong ngôn ngữ báo chí. Một trong những đặc điểm của văn phong ngôn ngữ báo chí là tính đại chúng, tính giản dị, vì thế việc thể hiện ngôn từ phù hợp với tình cảm, suy nghĩ, nhận thức, tâm lý của nhân dân sẽ góp phần nâng cao giá trị của bài báo và ý nghĩa thông điệp tuyên truyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ là sự hội tụ những tinh hoa, giá trị tiếng Việt, là tiếng nói tình cảm và trí tuệ muôn đời của nhân dân. Là những lời nói có vần điệu, dễ hiểu, tác động nhẹ nhàng, lan tỏa tinh tế, thẩm thấu sâu sắc vào nhận thức, tình cảm người nghe, nhiều câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao đã trở thành phương châm ứng xử, bài học làm người và đi vào đời sống văn hóa của người dân một cách tự nhiên từ thế hệ này qua thế hệ khác và có sức sống vượt thời gian.

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, việc vận dụng nhuần nhuyễn các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, văn thơ vào các bài nói, bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn cũng không ngoài mục đích học tập, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, qua đó tiếp nối truyền thống của các bậc lãnh tụ tiền bối, danh nhân văn hóa dân tộc, nhà văn lớn trong việc trao truyền, kế thừa và không ngừng phát triển, làm phong phú ngôn ngữ mẹ đẻ.

Một bậc tiền nhân đã đúc kết “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Tiếng Việt được ví như như “viên ngọc quý” trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng để “viên ngọc quý” không bị chầy xước, không bị tì vết thì phải thường xuyên trông nom gìn giữ, bảo quản, bảo vệ cho tốt. Với ý nghĩa đó, việc người đứng đầu Đảng ta sử dụng, vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao truyền thống trong các phát ngôn, diễn ngôn, diễn văn của mình còn muốn chuyển tải thông điệp đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là cùng chung tay góp sức giữ gìn, phát huy giá trị lời ăn tiếng nói của ông cha để lại, góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trước nguy cơ có thể bị “lai căng hóa” trong thế giới hội nhập và thời đại toàn cầu hóa.

Học tập phong cách nói và viết giản dị của Bác Hồ, người đã rất thành công trong việc “giải mã”, giải thích, phân tích những phạm trù, triết lý có phần cao siêu, trừu tượng của Các Mác, Lê-nin và các nhà tư tưởng cổ kim đông tây thành những điều giản dị, gần gũi, cụ thể, sinh động, phù hợp với cách nói, cách nghĩ, cách hiểu của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, kể cả người dân lao động ít học. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khéo léo đưa những vấn đề chính trị lớn lao thành những lời thiết thực, sinh động thông qua vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ, văn phong gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân, nói cho dân dễ nghe, dễ hiểu, qua đó góp phần khai thông tư tưởng, củng cố niềm tin, bồi đắp tình cảm tích cực và nâng cao nhận thức chính trị cho người dân, biến niềm tin của người dân thành những hành động cách mạng ích nước lợi dân.

Thông điệp tác phẩm, bản sắc văn phong ngôn ngữ là “mã văn hóa” định danh người nói, người viết, người phát ngôn. Thế nên người xưa từng nói “văn là người”. Văn phong của một con người ít nhiều thể hiện tầm văn hóa, tư duy, tư tưởng, kiến văn, vốn sống, vốn trải nghiệm, phong cách của con người đó. Do vậy, có thể khẳng định rằng, qua phong cách ngôn ngữ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong các bài nói, bài viết, bài phát biểu, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về chân dung một nhà lãnh đạo không chỉ có tầm cao trí tuệ, tư tưởng chính trị, mà còn là nhà văn hóa thân dân, trọng ngôn ngữ dân tộc, thấm đượm tình yêu văn chương. Ý chí, tài năng lãnh đạo kết hợp phong cách ngôn ngữ thắm tình dân tộc, đậm chất văn chương đã góp phần làm nên “chất thép - chất hoa” trong nhân cách Nguyễn Phú Trọng.

Cái đẹp không ở đâu xa, mà chính là sự giản dị. Đúng như câu danh ngôn “Thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương: Đẹp nhất là lồng trong chiếc khung giản dị” và “Trong tất cả mọi thứ: Trong tính cách, trong cung cách, trong phong cách, cái đẹp nhất là giản dị”. Việc giản dị hóa, tinh tế hóa, mềm mại hóa trong hoạt động phát ngôn, diễn ngôn, diễn văn của các nhà lãnh đạo, chính khách có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội không chỉ góp phần gắn kết nhịp cầu gần gũi, mật thiết giữa lãnh đạo và quần chúng, mà còn góp phần nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả trong các thông điệp chính trị của nhà lãnh đạo, chính khách đối với các tầng lớp nhân dân./.

Đại tá, ThS. Nguyễn Văn Hải (Báo Quân đội nhân dân)

-----------------------------------------

1. Văn Bắc: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều; https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-du-le-ky-niem-70-nam-thanh-lap-truong-nguyen-gia-thieu-624451/ cập nhật 24/3/2022

2. Lưu Mai Anh: GS. Nguyễn Phú Trọng, từ sinh viên Đại học Tổng hợp đến Bí thư Thành ủy Hà Nội http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/

3, 7, 8, 9, 14. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc của các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

4, 5, 6, 11, 12. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

10. Hoa Hiền: Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp; https://dangcongsan.vn/thoi-su/phai-nhot-quyen-luc-vao-trong-long-co-che-luat-phap-463763.html, cập nhật ngày 24/3/2022 

13. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận.

15. Nguyễn Văn Hải: Cảnh báo của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nhung-canh-bao-som-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong.

16. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

Gửi cho bạn bè

Các tin khác