|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng
|
Các cử tri đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động khiến người lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sâu; cùng với đó là đời sống cán bộ, công chức xã, phường, nhất là cán bộ không chuyên trách còn khó khăn, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, giải ngân vốn đầu tư công chậm…
Do đó, nhiều cử tri kiến nghị cần kịp thời có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, có cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất kinh doanh; có giải pháp điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ cơ sở, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Nhiều vấn đề quốc kế dân sinh cũng được tập trung phản ánh như sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ bất cập để ngành chăn nuôi phát triển; chế độ chính sách đối với người có công, phát triển văn hóa tại các đô thị lớn, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao, tệ nạn ma túy, bạo lực học đường…
Bày tỏ đồng tình và ủng hộ Đảng, Nhà nước quyết liệt phòng, chống tham nhũng, một số cử tri đề nghị đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng, thúc đẩy văn hóa liêm chính trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Cử tri cũng đề xuất về một số vấn đề liên quan đến địa phương như cần sơ kết, đánh giá việc thành phố Đà Nẵng thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, giải quyết tồn đọng của một số dự án liên quan đến các vụ án lớn, các dự án “treo” nhiều năm, bố trí nguồn ngân sách giải quyết về hạ tầng, dân sinh, môi trường…
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trả lời, giải đáp kiến nghị của các cử tri.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu với cử tri Đà Nẵng
|
Về chính sách đối với người có công, Chủ tịch nước cho biết đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và rất nhiều người đã đóng góp công sức, hy sinh để đất nước giành được độc lập.
Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chính sách người có công và tùy theo tình hình kinh tế-xã hội, khả năng chi trả của ngân sách trong từng giai đoạn mà chính sách luôn được điều chỉnh phù hợp theo hướng mức trợ cấp ngày càng nâng cao, qua đó bù đắp, vơi bớt phần nào hy sinh, mất mát, cống hiến của người dân.
Chia sẻ với cử tri về những trăn trở, băn khoăn liên quan đến chính sách đất đai, Chủ tịch nước nêu rõ, tiến trình sửa đổi Luật Đất đai luôn phải dựa trên cơ sở tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực thi pháp luật trong thời gian qua.
Quá trình thực hiện chính sách đất đai, bên cạnh những thành quả to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, cũng còn bộc lộ hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là sai phạm.
Đây cũng là nguyên nhân khiến số vụ khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao. Vừa qua, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỷ lệ cán bộ sai phạm bị xử lý liên quan đến đất đai cũng khá lớn.
Chủ tịch nước cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã khẳng định, về quan điểm, cần phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất lãng phí...
Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó xác định đối với các dự án có liên quan tới người dân, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt; đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Đây là tư tưởng, quyết tâm chỉ đạo của Đảng trong thực hiện chính sách đất đai.
Bên cạnh đó là đổi mới công tác thẩm định giá đất, khắc phục bất cập trong kết quả thẩm định giá như hiện nay. Đặc biệt, đối với những dự án liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại thì doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân.
Chung quanh các ý kiến của cử tri đề nghị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, thời gian qua và thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Xử lý các vụ việc tham nhũng lớn, đồng thời cũng xử lý cả tham nhũng vặt; xử lý tham nhũng ở cả địa phương và Trung ương, cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu nếu có sai phạm, không để “hạ cánh an toàn”; xem xét xử lý cả cán bộ tuy chưa phát hiện ra tham nhũng nhưng đã không làm hết trách nhiệm, lãnh đạo chưa sát để nhiều cán bộ thuộc quyền quản lý của mình có vi phạm, khuyết điểm hoặc tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch nước nêu rõ xử lý tham nhũng, tiêu cực nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, công khai kết quả xử lý cho toàn dân biết. Cùng với đó là không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn, đòi hỏi cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu và Đảng, Nhà nước luôn chủ trương thu hút người tài giỏi, tâm huyết, trách nhiệm vào bộ máy Nhà nước để phát huy hiệu quả công tác trong thực tế.
(nhandan.vn)