Thứ Sáu, 27/12/2024
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ các nước trình Quốc thư
 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Quatar.


Tiếp Đại sứ Qatar Khalid Ali Abdullah Abel, Chủ tịch nước vui mừng về quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, gần đây là chuyến thăm chính thức Qatar của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (5/2023).

Chủ tịch nước đề nghị Ngài Đại sứ trong nhiệm kỳ của mình thúc đẩy quan hệ hai nước về mọi mặt và bày tỏ mong muốn sớm đón Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani thăm Việt Nam trong năm 2023, qua đó tạo đột phá cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Chủ tịch nước cũng mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế; tích cực triển khai các cam kết kinh tế, thương mại, đầu tư, trước mắt là triển khai các cam kết đạt được trong chuyến thăm Qatar của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Qatar có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: dầu khí, năng lượng tái tạo, xe ô-tô điện, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam khuyến khích và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và quỹ đầu tư Qatar đầu tư vào Việt Nam.

Cùng với việc hai Chính phủ hai nước sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Qatar để rà soát và thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác, Chủ tịch nước đề nghị hai bên thúc đẩy đàm phán và ký kết các hiệp định hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hải quan, tư pháp, văn hóa, du lịch...

Đại sứ Qatar trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dành thời gian tiếp; trân trọng gửi lời chúc mừng của Quốc vương Qatar tới Chủ tịch nước và cho biết mong muốn Quốc vương thu xếp thời gian tới thăm Việt Nam trong năm 2023, năm hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đại sứ bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước về việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Qatar của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và cho biết bản thân Đại sứ sẽ nỗ lực thúc đẩy triển khai các thỏa thuận này. Đại sứ cũng mong muốn đưa những sản phẩm nông nghiệp và lao động từ Việt Nam sang thị trường nước Qatar.

* Tiếp Đại sứ Brazil Marco Farani, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và đối tác toàn diện với Brazil, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

Vui mừng nhận thấy quan hệ song phương phát triển tốt đẹp thời gian qua, tuy nhiên Chủ tịch nước cho rằng, dư địa hợp tác còn rất lớn, do đó hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, giao lưu nhân dân; đề nghị Chính phủ hai nước sớm tổ chức Kỳ họp III Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Brazil, qua đó thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Hiện kim ngạch thương mại song phương gần 7 tỷ USD và khá cân bằng. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Brazil để trao đổi về việc mở cửa thị trường nông sản của hai bên.

Chủ tịch nước cảm ơn Brazil ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021- 2025; mong muốn hai bên tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế; đề nghị Brazil trên cương vị Chủ tịch luân phiên Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tiếp tục thúc đẩy khối sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam-MERCOSUR.

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Brazil, giữa ASEAN và MERCOSUR. Nhân dịp này, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn đón Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva thăm Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành thời gian tiếp, Đại sứ Brazil đánh giá cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy hai nước cách xa về địa lý nhưng người Việt Nam rất yêu thích âm nhạc và bóng đá của Brazil, do đó Đại sứ mong muốn sớm đưa đội tuyển bóng đá Brazil sang Việt Nam thi đấu giao hữu và đây chính là cầu nối trong giao lưu nhân dân hai nước.

Đại sứ mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp, một lĩnh vực Brazil có nhiều lợi thế, nhất là về an toàn thực phẩm, an ninh lương thực.

* Tiếp Đại sứ Slovenia, bà Alenka Suhadolnik, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Slovenia.

Bày tỏ vui mừng quan hệ song phương thời gian qua phát triển tích cực, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Slovenia Tanja Fajon rất thành công, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, nhất là trong năm 2024 hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra những định hướng hợp tác mới trong 30 năm tiếp theo.

Hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Slovenia tuy có bước phát triển tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 572 triệu USD, nhưng theo Chủ tịch nước, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng. Chủ tịch nước đề nghị hai nước tích cực phối hợp, chuẩn bị cho Khóa họp lần thứ 3 của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế sắp tới để thảo luận các phương hướng hợp tác có tiềm năng như cơ khí, tự động hóa, logistics, chế biến thực phẩm... Hai bên cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật, giao lưu nhân dân nhân dịp kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch nước cũng đề nghị hai nước tăng cường hợp tác trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế, chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước cảm ơn Slovenia đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đề nghị Slovenia thúc đẩy sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Bày tỏ vinh dự nhận nhiệm vụ Đại sứ Slovenia tại Việt Nam, bà Alenka Suhadolnik cho biết sẽ nỗ lực đóng góp tăng cường hợp tác song phương và tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đại sứ nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Châu Âu đã mở ra một chương hợp tác mới giữa hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ về các lĩnh vực cả hai nước có nhiều điểm tương đồng như kinh tế xanh, chuyển đổi số, hàng hải và thúc đẩy giao lưu nhân dân.

* Tiếp Đại sứ Bồ Đào Nha João Weistein, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha phát triển tốt đẹp.

Cho rằng dư địa hợp tác hai nước còn rất lớn trong mọi lĩnh vực, Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới hai bên tăng cường thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; mong muốn sớm đón lãnh đạo cấp cao của Bồ Đào Nha thăm Việt Nam trong năm nay, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước; đề nghị Đại sứ thúc đẩy thiết lập quan hệ hợp tác, kết nghĩa giữa địa phương hai nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Porto.

Chủ tịch nước đánh giá cao Bồ Đào Nha đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA) vào tháng 4 vừa qua góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư hai nước. Với kim ngạch thương mại song phương quý I/2023 đạt khoảng 140 triệu USD, Chủ tịch nước cho rằng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước.

Do đó hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực có thế mạnh. Chủ tịch nước cũng đề nghị Bồ Đào Nha tiếp tục thúc đẩy các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU; thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam, tạo thuận lợi cho hàng hóa thủy sản hai bên tiếp cận thị trường của nhau.

Chủ tịch nước cũng đề nghị hai nước đẩy mạnh các hoạt động hợp tác du lịch, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, giao lưu thể thao nhằm góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Bồ Đào Nha bày tỏ mong muốn có một nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam; mong muốn thúc đẩy hợp tác hai nước về giáo dục, năng lượng mới và nhiều lĩnh vực khác mà mỗi nước có thế mạnh. Đại sứ cho biết sẽ nỗ lực hết sức mình để góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

* Tiếp Đại sứ Estonia Hannes Hanso, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu quan trọng mà Estonia đã đạt được trong công cuộc hội nhập và phát triển đất nước. Estonia được coi là điển hình thành công về chuyển đổi số, chính phủ điện tử, có nhiều kinh nghiệm quý để các nước có thể tham khảo.

Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với các nước khu vực Ban-tích, Chủ tịch nước đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, hai bên cần tăng cường trao đổi tiếp xúc đoàn các cấp, nhất là cấp cao; tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế.

Cho rằng quan hệ kinh tế-thương mại song phương còn ở mức khiêm tốn, Chủ tịch nước đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại hơn nữa. Mong muốn hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch nước đề nghị Estonia hỗ trợ Việt Nam đào tạo về các chuyên ngành mà Estonia có thế mạnh như công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an ninh mạng... và Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Estonia sang học tập.

Nhấn mạnh thủy sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, gắn với việc làm của hàng trăm nghìn lao động và những năm qua, Việt Nam đã triển khai nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EC về phát triển nghề cá bền vững, Chủ tịch nước đề nghị Estonia vận động EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam.

Chia sẻ với Chủ tịch nước về ấn tượng lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1995 và vinh dự nhận nhiệm vụ Đại sứ, ngài Hannes Hanso đánh giá cao Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trên rất nhiều lĩnh vực. Estonia có nhiều kinh nghiệm về số hoá và xây dựng chính phủ điện tử với khoảng 3.600 dịch vụ kết nối online, người dân dễ dàng kết nối với chính phủ thông qua hệ thống chính phủ điện tử.

Do đó Đại sứ mong muốn hai nước tập trung đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này, đồng thời mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, y học, công nghệ thông tin.

* Tiếp Đại sứ Guinea, bà Aminata Koita, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Guinea, quốc gia châu Phi đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Guinea rất tích cực ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ hợp tác hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, do đó, vai trò của Đại sứ rất quan trọng trong thúc đẩy hợp tác tương xứng với chiều dài quan hệ hai nước. Theo đó, hai bên cần thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; hoan nghênh và đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc.

Với thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng, với sự ủng hộ tích cực của Chính phủ hai nước thì hợp tác trong lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai thành công các dự án hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Guinea nâng cao giá trị sản xuất, chế biến nông sản.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành thời gian tiếp, Đại sứ Guinea chia sẻ thông tin vui là những người Việt Nam đang sinh sống tại nước này đang sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả, trong đó trồng lúa gạo rất thành công. Đây là điều người dân Guinea rất mong mỏi vì nhu cầu sử dụng sản phẩm lúa gạo ngày càng tăng. Đại sứ mong muốn trong nhiệm kỳ này sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, mong muốn Việt Nam chia sẻ với Guinea trong lĩnh vực này.

Tại các cuộc tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn và đánh giá cao các nước ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; duy trì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác