|
Đoàn xe đạp thồ trên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954
|
Một là, sức mạnh của “Thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ được thể hiện ở đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, được quán triệt và cụ thể hóa trong mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức tác chiến của chiến dịch.
Kế thừa truyền thống lịch sử dân tộc ta, vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt với tầm nhìn chiến lược đề ra chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn và không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp. Đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc đã xác định rõ quan điểm, tư tưởng, phương châm kháng chiến. Với đường lối đúng đắn đó, Đảng đã tạo dựng nên một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, quy tụ được sức mạnh chính trị, tinh thần và của cải vật chất của cả dân tộc để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến.
Mục đích của cuộc kháng chiến là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Mục đích đó đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam là độc lập tự do của Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Nhiệm vụ của cuộc kháng chiến được xác định là “vừa kháng chiến” quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc và thống nhất Tổ quốc; “vừa kiến quốc”, ra sức xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân. Lực lượng kháng chiến được xác định là kháng chiến toàn dân, toàn dân đánh giặc. Phương châm chỉ đạo cuộc kháng chiến là vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, trường kỳ và tự lực cánh sinh… Đường lối đó tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của chiến tranh cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đã nhất tề đứng dậy quyết tâm đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Tây Bắc 1952… thế và lực của cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh, khiến cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến mạnh theo hướng có lợi cho quân và dân ta, bất lợi cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Trước nguy cơ bị thất bại, âm mưu của Pháp và Mỹ là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn, thu hút và tiêu hao quân chủ lực của ta, khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào.
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp và quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (còn gọi là chiến dịch Trần Đình). Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng hậu cần Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Quân và dân ta từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng ở Tây Bắc, đến vùng địch hậu và căn cứ kháng chiến đều tập trung mọi sức lực, của cải cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với Điện Biên Phủ, các chiến trường trên toàn Đông Dương như Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên… đồng loạt tiến công làm cho kẻ thù bị phân tán, không ứng cứu được cho nhau.
Cùng với việc đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong Nhân dân và các lực lượng vũ trang, không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chế độ mới, hết lòng, hết sức tăng cường lực lượng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ Quyết chiến, quyết thắng cho Quân đội ta, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của chiến dịch(1).
|
Bộ đội ta hành quân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
|
Hưởng ứng lời kêu gọi “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành đã làm tốt nhiệm vụ động viên tuyển quân, tham gia lực lượng dân công, bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân ta, người thì cầm súng giết giặc, người thì đi dân công, người thì lo tăng gia sản xuất để cung cấp cho bộ đội… Tuy việc làm khác nhau, nhưng đều dốc lòng, dốc sức vì thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Có tới “33.000 lượt người, trong đó bần nông và trung nông chiếm 98%, đồng bào thiểu số chiếm ¼”(2) tham gia lực lượng dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo mà mục tiêu tối cao, bao trùm nhất là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, được cụ thể hóa vào mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức tác chiến chiến dịch đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quy tụ, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hai là, động lực tạo ra sức mạnh của “Thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là mục tiêu xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân được hiện thực hóa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong giai đoạn lịch sử này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân theo quan điểm: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng ở nơi dân”(3). Theo quan điểm đó, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều biện pháp để củng cố, kiện toàn nhà nước dân chủ nhân dân làm cho nó trở nên “mạnh mẽ, nhanh chóng, quyết đoán, thống nhất, tập trung” đảm đương được nhiệm vụ “điều khiển chiến tranh và kiến thiết chế độ dân chủ nhân dân”. Chính quyền dân chủ nhân dân đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện dân chủ trên lĩnh vực chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đó là việc thực hiện chế độ bầu cử, bãi bỏ các thứ thuế vô lý của chế độ cũ, giảm tô, giảm tức, xóa nợ, hoãn nợ, chia ruộng đất cho nông dân… Vì vậy, ngay từ những ngày đầu còn rất non trẻ, thiếu kinh nghiệm, nhưng nhà nước dân chủ nhân dân vẫn được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Từ Nam đến Bắc, toàn dân nghe theo mệnh lệnh của Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước để bảo đảm giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ được Nhân dân đồng lòng thực hiện. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào toàn dân tham gia công tác kháng chiến phát triển lên đỉnh cao mới. Quân và dân ta tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, ai cũng đem hết tài năng, sáng tạo tất cả những gì có thể để chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Các tầng lớp nhân dân đã tham gia và động viên con em mình hăng hái tòng quân và đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ vượt mức yêu cầu.
Sau chiến thắng Tây Bắc, sức mạnh của “Thế trận lòng dân” cả nước tiếp tục được tăng cường do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, chỉnh quân và chỉnh Đảng. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vấn đề độc lập dân tộc và người cày có ruộng trở thành mục tiêu tranh đấu trực tiếp của dân tộc Việt Nam. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc”(4). Giải quyết vấn đề ruộng đất và các quan hệ kinh tế gắn liền với ruộng đất thực chất là từng bước giải phóng nông dân, là tăng cường thực lực kháng chiến. Trước Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa II (01/1953), vì hoàn cảnh đặc biệt, Đảng và Chính phủ chỉ thi hành chính sách giảm tô, giảm tức. Sau 7 năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thế và lực của cách mạng Việt Nam đã mạnh lên cho phép Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch có bước đi mới trong khuôn khổ của cách mạng dân chủ nhân dân. Giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất là việc làm trực tiếp bồi dưỡng sức dân và tạo dựng niềm tin của nông dân với cuộc chiến đấu mà họ là lực lượng tham gia đông đảo nhất. Niềm tin vào Đảng và Hồ Chủ tịch, lòng yêu nước, ý chí và tinh thần kháng chiến của Nhân dân - yếu tố tạo dựng nên sức mạnh của “Thế trận lòng dân” sẽ được phát huy mạnh mẽ, tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến ở giai đoạn chuẩn bị bước vào tổng phản công. Đối với Nhân dân các dân tộc Tây Bắc vừa được giải phóng, giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất như liều thuốc kích hoạt, làm gia tăng sự đồng thuận cao về mặt chính trị, tinh thần và sức mạnh vật chất đóng góp cho cuộc kháng chiến nói chung, cho trận quyết chiến chiến lược nói riêng trên một hướng chiến trường đặc biệt quan trọng nhưng lại cách rất xa căn cứ địa cách mạng Việt Bắc.
Trong thời gian chuẩn bị và tiến hành chiến dịch, Chính phủ và các địa phương thuộc căn cứ địa Việt Bắc và các địa phương thuộc vùng tự do của Liên khu IV đã huy động được hàng vạn dân công và thanh niên xung phong vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường, làm đường giao thông và các công việc phục vụ hỏa tuyến. Tại chiến trường Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ, thắng lợi của giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất thực sự tạo cho Nhân dân các dân tộc Tây Bắc hăng hái tham gia các hoạt động phục vụ chiến dịch, đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho mặt trận; Nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, hàng vạn dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong thêm tin tưởng vào Chính phủ và Hồ Chủ tịch, quyết tâm cao độ trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh cho chiến thắng.
Cùng với tiến hành giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất, trước chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã tiến hành tổ chức chỉnh Đảng, chỉnh quân. Mục đích của chỉnh Đảng, chỉnh quân là nhằm nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản, quán triệt tình hình nhiệm vụ và đấu tranh chống lại các biểu hiện cá nhân trong cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tạo sự nhất trí cao trong đội ngũ cán bộ của Đảng và các cơ quan của Chính phủ. Kết quả của việc chỉnh Đảng, chỉnh quân không những làm cho tinh thần, sức mạnh của con người của tổ chức Đảng, của Quân đội được nâng lên rõ rệt mà còn tác động, ảnh hưởng tích cực tới tinh thần của Nhân dân. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào Quân đội tiếp tục được củng cố và tăng cường. Cùng với chỉnh Đảng, chỉnh quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”. Người kêu gọi toàn quân, toàn dân dốc sức cho thắng lợi của cuộc kháng chiến và chiến dịch. Cũng như trong chiến dịch Tây Bắc, trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bằng những việc làm cụ thể để khích lệ tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của các lực lượng. Sức mạnh của “Thế trận lòng dân” trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ nhờ đó mà không ngừng được phát huy. Những thắng lợi của giảm tô và cải cách ruộng đất ở hậu phương dội đến tiền tuyến càng làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ ta, tăng thêm quyết tâm thi đua giết giặc lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên mặt trận văn hóa, một nền văn hóa mới mang bản sắc dân tộc, dân chủ được xây dựng theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ba là, nền tảng chính trị - xã hội vững chắc tạo nên sức mạnh của “Thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là khối đại đoàn kết toàn dân, toàn dân tộc được xây dựng, củng cố.
Thành công nổi bật trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Đảng đã hoạch định được một đường lối đúng đắn, chính sách cụ thể nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết của toàn dân, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ chiến dịch đã đề ra. Khối đại đoàn kết dân tộc đã được xây dựng trên cơ sở truyền thống yêu nước, đường lối kháng chiến của Đảng với mục tiêu là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là sợi chỉ đỏ, chất keo gắn kết mọi tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh để Nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 03/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt ra đời, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và làm hậu thuẫn vững chắc cho Đảng, chính quyền dân chủ nhân dân động viên và tập hợp mọi lực lượng tham gia kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Với mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, các hội tương tế, ái hữu; các hội cứu quốc, đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận Liên Việt đã tập hợp, đoàn kết, giác ngộ và tổ chức các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, mọi cá nhân yêu nước trong Nhân dân để hình thành và phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn thực hiện nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính nhờ quan tâm xây dựng đường lối đại đoàn kết dân tộc đúng đắn, lựa chọn hình thức tổ chức Mặt trận phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Pháp nên đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của tư tưởng chiến tranh nhân dân Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bồi dưỡng “tín tâm và quyết tâm” kháng chiến của Nhân dân; nâng cao vai trò và uy tín của lực lượng lãnh đạo Nhân dân, Nhân dân đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải cùng với Quân đội đưa kháng chiến đến thành công.
70 năm trôi qua, các thế hệ người Việt Nam sẽ mãi tự hào với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh, phát triển cao độ truyền thống, sức mạnh “Thế trận lòng dân” trong tình hình mới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thể chế hóa hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển. Đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”./.
Thiếu tướng VŨ ĐỨC LONG - Phó Chính ủy Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
-------------------------------------
1, 2. Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr. 530; tr. 549.
3. 4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 6, tr.232; Tập 8, tr.31.