Thứ Bảy, 20/4/2024
Sản xuất kinh doanh khó khăn, EVNNPC nỗ lực tiết giảm chi phí

Ông Phan Tử Lượng, Phó tổng giám đốc EVNNPC, chia sẻ thông tin trên tại cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của EVNNPC trong năm 2022.


 Ông Phan Tử Lượng chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh của EVNNPC trong năm 2022

 

Theo ông Phan Tử Lượng, 6 tháng đầu năm, EVNNPC lỗ 4.709 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán), trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ 4.843 tỉ đồng. Đến nay, giá nhiên liệu đầu vào như than, khí… vẫn không ngừng tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động từng ngày và EVNNPC chưa thể ước được số lỗ cả năm 2022.

Ông Lượng chỉ rõ nhiều nguyên nhân ảnh hưởng khiến tình hình kinh doanh của EVNNPC đang ở trong “năm khó khăn nhất của doanh nghiệp kể từ khi thành lập”.

Thứ nhất, giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN. Giá bán điện bình quân ước cả năm 2022 của EVNNPC là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện là 2.500,46 đồng/kWh. Thứ hai, giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao làm tăng tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng; tăng các chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và chi phí quản lý vận hành lưới điện của EVNNPC. Thứ ba, EVNNPC có các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện nhưng trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh như hiện nay làm lỗ chênh lệch tỷ giá ước tính đến thời điểm này là 756 tỉ đồng.

Ngoài ra, chiến tranh giữa Ukraina và Nga khiến giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của thế giới và Việt Nam, cũng như rất nhiều nước trên thế giới. Mặc dù giá điện có tăng cao nhưng khả năng vẫn bị thiếu điện trong mùa đông năm nay do không đủ nhiên liệu để sản xuất điện.

Cắt giảm hàng loạt chi phí

Ông Phan Tử Lượng khẳng định để giảm lỗ, EVNNPC đang thực hiện quyết liệt một loạt các giải pháp quản trị điều hành và cắt giảm chi phí. Cụ thể, EVNNPC đã thực hiện giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; tiết giảm chi phí sửa chữa lớn khoảng 1.264 tỉ đồng, tương ứng giảm 47% so với định mức EVN giao. EVNNPC tiết giảm chi phí biến động khoảng 1.243 tỉ đồng, tương ứng giảm 22,7% so với định mức EVN giao, đồng thời cắt giảm hàng loạt chi phí. Cũng theo ông Lượng, EVNNPC thua lỗ trong năm 2022 ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình cân đối tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp và sẽ khó đảm bảo tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, thanh toán cho các nhà thầu và đối tác…

Sản xuất kinh doanh điện lỗ ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm của EVNNPC và việc thu xếp vốn đầu tư trong năm 2023, cũng như những năm tiếp theo để đảm bảo nhu cầu đầu tư các công trình. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung cấp điện cho các địa phương, các khách hàng sử dụng điện của 27 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc; ảnh hưởng đến tâm lý, thu nhập của người lao động...

“EVNNPC chúng tôi và ngành điện nói chung kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư xem xét đến các yếu tố khách quan để có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp, giúp cho ngành điện duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của các địa phương và cả nước”, ông Lượng bày tỏ.


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất